Câu chuyện mới về rót vốn đầu tư
Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh phương án sử dụng vốn dự kiến thu được từ đợt chào bán 267 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu (2.670 tỷ đồng).
Theo đó, BCG sẽ không còn rót vốn cho Bảo hiểm AAA như ban đầu. Thay vào đó, tập đoàn này sẽ dùng 355 tỷ đồng để cho vay đối với Công ty TNHH Indochina Hội An Beach Villas để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Được thành lập năm 2005, AAA là một trong những công ty bảo hiểm tư nhân có mặt sớm nhất tại thị trường Việt Nam. Kể từ năm 2013, AAA là công ty thành viên của Tập đoàn Bảo hiểm Úc (IAG). Ngày 3/12/2021, sau khi Bộ Tài chính phê duyệt giao dịch chuyển nhượng cổ phần, BCG và BCG Financial trở thành hai cổ đông lớn nhất tại AAA.
Cụ thể, BCG cùng BCG Financial mua lại 80,64% cổ phần của IAG. Trong đó, công ty mẹ nắm 79,7 triệu cổ phần AAA, tương đương sở hữu 71% vốn điều lệ của AAA; BCG Financial nắm 10,8 triệu cổ phần, tương đương 9,64%.
Theo tờ trình phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ của BCG hồi tháng 6/2022, trong số tiền thu được, BCG dự kiến góp 1.633 tỷ đồng vào Bảo hiểm AAA. Đến cuối năm 2022, Công ty đã điều chỉnh phương án phát hành. Theo đó, số vốn góp vào AAA chỉ còn 355 tỷ đồng, trước khi không còn rót vốn theo phương án mới công bố.
Ở chiều ngược lại, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (AIC) vừa công bố thông tin về việc bổ sung nội dung trình đại hội cổ đông bất thường, tổ chức vào ngày 27/2 tới về việc chuyển nhượng cổ phiếu.
Cụ thể, hãng bảo hiểm này đã nhận được văn bản của nhóm cổ đông sở hữu gần 75,18 triệu cổ phiếu AIC, chiếm tỷ lệ 75,18% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của Công ty. Nhóm cổ đông này bao gồm 19 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức, có kế hoạch chuyển nhượng 75 triệu cổ phiếu AIC cho DB Insurance Co., Ltd (một nhà đầu tư nước ngoài).
Được biết, hợp đồng chuyển nhượng đã được ký kết vào ngày 22/2/2023 và việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện sau khi có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo thoả thuận của các bên tại hợp đồng.
Phương thức giao dịch là khớp lệnh và/hoặc thoả thuận thông qua hệ thống giao dịch UPCoM. Nếu phương án chuyển nhượng được đại hội cổ đông thông qua, DB Insurance sẽ trở thành công ty mẹ của Bảo hiểm Hàng không với tỷ lệ sở hữu là 75%, nắm quyền chi phối doanh nghiệp này.
BCG sẽ không còn rót vốn cho Bảo hiểm AAA như kế hoạch ban đầu.
Bảo hiểm Hàng không được thành lập vào năm 2008, với vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập đầu tiên của doanh nghiệp này là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco), Công ty cổ phần Nam Việt (Navico) và các cổ đông khác.
Trong khi đó, PTI - công ty bảo hiểm đang đứng thứ 3 thị trường vừa trải qua một năm đầy biến động khi thay đổi chủ mới. Sau khi hoàn tất việc mua 22% cổ phần từ Bưu điện Việt Nam, Công ty Chứng khoán VNDirect và nhóm cổ đông liên quan đã trực tiếp tham gia vào điều hành các hoạt động kinh doanh của PTI, tạo nên những biến động lớn. Không chỉ thay thế đội ngũ lãnh đạo của PTI, mà chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp này cũng được thay đổi theo hướng cung cấp giải pháp tài chính, bảo hiểm an sinh cho cộng đồng…
Thị phần thay đổi
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2022, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và sự gia tăng tỷ lệ bồi thường chung của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đã ảnh hưởng lớn tới hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực đạt được một số kết quả kinh doanh tích cực.
Cụ thể, năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ toàn thị trường đạt 67.608 tỷ đồng, tăng trưởng 16,8% so với năm 2021. Các doanh nghiệp đạt doanh thu phí bảo hiểm gốc cao nhất thị trường là PVI đạt 9.928 tỷ đồng, vươn lên giữ thị phần số 1 thị trường về doanh thu bảo hiểm gốc với 14,7%. Bảo Việt ở vị trí thứ 2, với 9.766 tỷ đồng, nắm giữ 14,4% thị phần doanh thu bảo hiểm gốc. PTI đứng vị trí thứ 3 với 6.264 tỷ đồng, thị phần 9,3%. Bảo Minh đứng thứ 4 về thị phần với 5.398 tỷ đồng và 8% thị phần. MIC đang nắm giữ vị trí thứ 5, với 5.193 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc và 7,7% thị phần…
MIC - một doanh nghiệp bảo hiểm nhiều tham vọng đang theo đuổi khá sát thị phần doanh thu của Bảo Minh. Mục tiêu của doanh nghiệp này là sớm lọt vào Top 3 thị phần doanh thu của thị trường.
PTI dù vẫn duy trì vị trí thứ 3 về doanh thu trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 2022, nhưng với chính sách thay đổi không tập trung nhiều vào tăng trưởng doanh thu như trước đây, doanh nghiệp này có thể đứng trước nguy cơ bị các doanh nghiệp nhóm dưới “soán ngôi” trong tương lai.
Năm 2022, PVI không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh doanh mà còn chiếm luôn vị trí số 1 từ Bảo Việt về cả doanh thu phí bảo hiểm gốc và tổng doanh thu. Số liệu hãng bảo hiểm này chính thức công bố cho thấy, hãng đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch về doanh thu, dẫn đầu thị trường về tổng doanh thu; trong đó, tổng doanh thu đạt 12.765 tỷ đồng, hoàn thành 120,2% kế hoạch và tăng trưởng 25,1%…
PVI đã hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận trước thuế với tổng lợi nhuận và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm cao nhất thị trường bảo hiểm phi nhân thọ: Lợi nhuận trước thuế là 680 tỷ đồng, hoàn thành 110% kế hoạch năm 2022, tỷ lệ kết hợp 94,05%.
Trong khi đó, kết thúc năm 2022, tổng doanh thu của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đạt 11.145 tỷ đồng, tăng trưởng 5,3%; lợi nhuận sau thuế đạt 246 tỷ đồng, tăng 17,7% so với năm 2021.
Một doanh nghiệp khác cũng tăng trưởng rất tốt trong năm 2022 là BIC. Năm qua, tổng doanh thu phí bảo hiểm công ty mẹ BIC đạt 3.750 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm trước, hoàn thành 110% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 3.579 tỷ đồng, tăng trưởng 32% (cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ), giúp BIC tiếp tục củng cố vững chắc vị trí thứ 7 thị trường về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc.
Năm qua, BIC tiếp tục ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 393 tỷ đồng, hoàn thành 102% kế hoạch được Hội đồng quản trị giao. Trong đó, lợi nhuận riêng trước thuế đạt 370 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch năm.
Mục tiêu của BIC năm 2023 là tiếp tục tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ, gắn liền với đảm bảo hiệu quả hoạt động, tiếp tục duy trì vị trí trong Top 3 công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về tỷ suất sinh lời; đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, chú trọng đầu tư cho công nghệ, ứng dụng số hóa trong mọi hoạt động; mở rộng mạng lưới kinh doanh tại các địa bàn trọng điểm và nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng và chăm sóc khách hàng…