Hàng loạt doanh nghiệp lên kế hoạch đi lùi
Năm 2021, dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 và các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, song Công ty cổ phần Bảo Minh (mã BMI) ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 31,34%, với 306,3 tỷ đồng. Năm nay, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận của Bảo Minh khá khiêm tốn, với mức tối thiểu là 10%, số tuyệt đối là 340 tỷ đồng.
Tương tự, Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (mã MIC) trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng trưởng tối thiểu 35%, nhưng tốc độ tăng trưởng này vẫn chậm hơn so với mức 40% mà Công ty trình cổ đông trong mùa đại hội năm ngoái.
Tại Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (mã BIC), đại hội đồng cổ đông đã thông qua chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm là 3.310 tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm 2021, nhưng lợi nhuận trước thuế kế hoạch là 435 tỷ đồng, giảm 13,4% so với mức thực hiện năm trước.
Thực ra, chỉ tiêu lợi nhuận này vẫn còn cao hơn so với tờ trình ban đầu của Hội đồng quản trị (385 tỷ đồng, giảm 23,3% so với mức thực hiện năm trước). Theo đó, kế hoạch cổ tức 2022 là 12%, giảm so với mức 15% trong năm 2021.
Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đặt mục tiêu lợi nhuận tối thiểu 250 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 43% so với con số 436,9 tỷ đồng đạt được trong năm ngoái.
Công ty cổ phần PVI (mã PVI) cũng lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm 17,26% so với năm ngoái, với mục tiêu đạt 911 tỷ đồng, trong khi mục tiêu doanh thu hợp nhất là 11.652 tỷ đồng, tăng 4,9%. Tỷ lệ cổ tức năm 2022 dự kiến là 25%, thấp hơn nhiều mức 33% của năm 2021.
Tương tự, Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC, mã ABI) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tối thiểu đạt 310 tỷ đồng, thấp hơn gần 10% so với mức thực hiện trong năm 2021; cổ tức dự kiến 14%, trong khi mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng tối thiểu 8%.
Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (mã PTI) cũng đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 208 tỷ đồng, giảm 20,4% so với năm 2021.
Đâu là lý do?
Cơ sở đặt kế hoạch thấp hơn năm ngoái, hoặc tăng trưởng chậm lại đã được các doanh nghiệp giải trình tại đại hội cổ đông. Theo ông Trần Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIC, “năm 2022, lợi nhuận từ mảng đầu tư dự báo tăng trưởng thấp trong bối cảnh lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp, trong khi lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm dự kiến giảm do BIC tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm không còn được hưởng các điều kiện thuận lợi như năm 2021”.
“Điều kiện thuận lợi” ở đây là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, các phương tiện ít ra ngoài, tai nạn giảm mạnh, dẫn đến chi phí bồi thường giảm; khách hàng cũng ít đi khám sức khỏe hơn, khiến chi trả bảo hiểm con người cũng giảm đi.
Thực tế, không chỉ tại BIC, mà trên toàn thị trường, tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người trong năm 2021 đều ở mức thấp.
Tại đại hội cổ đông vừa diễn ra, ông Nguyễn Xuân Hòa, Tổng giám đốc PVI cũng cho hay, năm 2022, mọi hoạt động dần khôi phục lại, dự kiến chi phí bồi thường sẽ tăng lên và điều này đã phần nào thể hiện trong quý I.
Ngoài ra, sang năm nay, một số đối thủ cạnh tranh của PVI đã áp dụng giải pháp về giá, khiến Công ty phải tính tới việc hạ phí bảo hiểm để tạo lợi thế, khiến lợi nhuận của Công ty chịu áp lực giảm. Tình hình bất ổn trên thế giới cũng sẽ gây rủi ro cho lĩnh vực bảo hiểm và đầu tư tài chính của PVI.
Với các công ty bảo hiểm có doanh thu từ kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn như MIC, BIC, ABIC…, thường thì tỷ lệ bồi thường thấp thì lý do đặt chỉ tiêu lợi nhuận đến từ việc hoạt động đầu tư cổ phiếu dự báo kém thuận lợi so với năm trước.
Dù PVI đặt chỉ tiêu lợi nhuận, cổ tức thấp hơn năm trước, song theo ông Hòa, tỷ lệ cổ tức 25% cũng là kế hoạch tham vọng. Ước tính hết quý I/2022, doanh thu của PVI đạt trên 3.000 tỷ đồng và “Công ty sẽ cố gắng để có kết quả tốt hơn nữa”.
Tương tự, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 35% cũng là thách thức lớn với MIC. Bởi thực tế, năm ngoái, lợi nhuận của Công ty chỉ đạt mức tăng trưởng 16%, thấp xa so với mục tiêu đặt ra.
Với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, lợi nhuận chính của các công ty bảo hiểm vẫn đến từ hoạt động đầu tư tài chính và bảo hiểm. Nếu năm 2022 không có những đột biến trong quản lý bồi thường, chi phí hay đầu tư tài chính thì khó tạo ra nguồn lãi cao cho nhà bảo hiểm.
Đáng chú ý, tại một số công ty bảo hiểm, dù đặt mục tiêu lợi nhuận thấp hơn, Ban lãnh đạo vẫn cam kết sẽ đảm bảo cổ tức cho cổ đông tương đương năm cũ như PJICO, MIC…
Kế hoạch tăng vốn/thoái vốn của doanh nghiệp bảo hiểm tác động tích cực đến giá cổ phiếu
Cổ phiếu ngành bảo hiểm không có sóng ngành mạnh như một số lĩnh vực khác, nhưng trong dài hạn được đánh giá là rất tiềm năng. Trong vòng 1 năm qua, giá cổ phiếu của nhiều hãng bảo hiểm đều tăng trưởng rất tốt. Cụ thể, trong vòng 1 năm từ 15/4/2021 đến 14/4/2022, cổ phiếu PVI tăng 70,99%; cổ phiếu PGI tăng79,17%; BMI tăng 96,51%; PTI tăng 141,59%.
Đặc biệt, với cổ phiếu PTI, trong thời gian từ 7/4 – 14/4, dù thị trường chung giảm mạnh nhưng vẫn tăng 5.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng 8,15%. Trong tháng qua, cổ phiếu này cũng ghi nhận mức tăng 15%.
Theo SSI Research, thông tin xác nhận tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL) đã có tác động lớn hơn đến định giá của cổ phiếu bảo hiểm so với thông tin về tăng trưởng lợi nhuận. Định giá các công ty bảo hiểm đã tăng đáng kể sau thông tin xác nhận về FOL.
SSI Research nhận định, đối với các công ty chưa hoàn tất việc phát hành cổ phiếu mới và/hoặc thoái vốn (BMI, MIG, PVI và VNR) và có thể hưởng lợi từ tỷ lệ FOL 100%, định giá đã vượt mức đỉnh lịch sử. Trong khi đó, đối với các công ty đã phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược (BIC, PTI, PGI), mặc dù giá tăng nhưng định giá hiện vẫn thấp hơn mức đỉnh lịch sử. BVH là công ty bảo hiểm duy nhất có định giá ở gần mức thấp nhất trong quá khứ. Mặc dù vậy, các kế hoạch phát hành cổ phiếu mới và/hoặc thoái vốn trong 2022 có thể vẫn tác động tích cực đến diễn biến giá cổ phiếu.