Ảnh Internet

Ảnh Internet

Ngành bảo hiểm có duy trì tăng trưởng hai con số?

(ĐTCK) Ngành bảo hiểm đang khép lại một năm thành công, với mức tăng trưởng ước đạt hơn 20% so với năm 2015. Năm 2017, dưới góc nhìn của một số chuyên gia, ngành bảo hiểm sẽ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng này.

Tăng trưởng toàn ngành dự báo sẽ đạt 20%

Số liệu ước tính của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2016, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 36.372 tỷ đồng (tăng 14,68% so với năm 2015); lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt  49.119 tỷ đồng (tăng 28,35% so với năm 2015).

Kết quả này thể hiện sự nỗ lực của các công ty bảo hiểm, đặc biệt là khối nhân thọ. Có thể nhận thấy, trong năm qua, dù có những biến động nhất định về nhân sự cấp cao (ở một số công ty bảo hiểm), nhưng các công ty này vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá ổn định.

Năm 2016 cũng được xem là năm bùng nổ về sản phẩm và các dịch vụ hỗ trợ khách hàng cũng như một vài mô hình phân phối bảo hiểm mới. Mô hình bán bảo hiểm nhân thọ giờ đã phát triển theo hướng “kiềng ba chân” với hệ thống đại lý, bancassurance và bảo hiểm trực tuyến.

Bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali cho biết, các công ty bảo hiểm đều đầu tư áp dụng hệ thống công nghệ thông tin nhằm giảm thiểu tối đa các giao dịch không cần thiết. Cuối tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Generali và Microsoft đã ra thông báo hợp tác chiến lược nhằm xây dựng hệ thống công nghệ tiên tiến phục vụ cho hoạt động kinh doanh và chăm sóc khách hàng của Generali trên toàn cầu.

“Chúng tôi tin rằng việc hợp tác này sẽ mang lại nhiều trải nghiệm độc đáo cho khách hàng tại Việt Nam”, bà Tina Nguyễn nói.

Trong khi đó, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận, cơ hội phát triển cho ngành bảo hiểm Việt Nam còn rất lớn và quan trọng hơn cả là nhận thức của khách hàng về việc cần tham gia bảo hiểm ngày càng được nâng cao. Theo dự báo của một số chuyên gia bảo hiểm, năm 2017, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định khoảng 20%. 

Bất lợi với bảo hiểm phi nhân thọ

Tuy nhiên, nói về cơ hội cụ thể của ngành bảo hiểm Việt Nam trong năm 2017, cũng có ý kiến cho rằng sẽ khó đoán định khi xuất hiện một số yếu tố bất lợi.

“Tốc độ tăng trưởng của kinh tế có thể bị ảnh hưởng khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thông qua. Điều này sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến kế hoạch tăng trưởng của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, trong khi đó bảo hiểm nhân thọ có thể sẽ ảnh hưởng ít hơn vì sức mua và nhận thức của người dân về bảo hiểm nhân thọ vẫn đang tăng trưởng tốt”, vị này nhìn nhận.

Theo đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ, năm 2017, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ được dự báo sẽ không có nhiều đột phá khi các khó khăn cũ vẫn chưa thể giải quyết, nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới chưa thể có kết quả ngay. Tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ được dự báo sẽ chỉ tương đương những năm gần đây. Trong bối cảnh đó, đại diện công ty trên cho biết, công ty chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc bằng hoặc cao hơn tốc độ tăng trưởng chung toàn thị trường trong năm tài chính 2017.

Nhìn nhận áp lực cạnh tranh trên thị trường ngày càng thêm gay gắt, một số doanh nghiệp bảo hiểm khá thận trọng với mục tiêu tăng trưởng. Đại diện Bảo Minh cho biết, năm 2017, mục tiêu của Bảo Minh là tiếp tục phấn đấu tăng trưởng và lợi nhuận trên 10% so với 2016, đảm bảo phát triển bền vững.

Tổng công ty cũng tiếp tục tập trung mũi nhọn vào các thị trường nghiệp vụ tiềm năng, đặc biệt chú trọng vào công tác chất lượng dịch cao nhất cho khách hàng, giảm thiểu chí phí doanh nghiệp để giảm giá phí bảo hiểm cho khách hàng, làm sao cho khách hàng được hưởng các quyền lợi cao nhất với giá cả phù hợp nhất.       

Tin bài liên quan