Không nằm ngoài xu hướng đó, ngành bán lẻ thiết bị điện tử cũng được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt cả về giá và các rủi ro liên quan đến đặc thù ngành.
Triển vọng năm 2015
Bắt đầu tăng mạnh từ năm 2013, tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn duy trì quanh mốc 24% (theo số liệu quý III/2014 của Gfk). Trong đó, nhóm sản phẩm thông tin liên lạc vẫn chiếm tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất. Ngoài ra, ba nhóm sản phẩm chính khác là sản phẩm công nghệ thông tin, điện máy (điện lạnh và điện gia dụng) và điện tử đóng góp hơn 50% tổng doanh số cũng khởi sắc hơn các năm trước.
Sức cầu duy trì tốt này được thúc đẩy bởi yếu tố vĩ mô: tỷ lệ gia tăng tầng lớp trung lưu (theo ước tính của ANZ, mỗi năm Việt Nam sẽ có thêm 2 triệu người tiêu dùng gia nhập tầng lớp trung lưu) và quá trình đô thị hóa.
Đối với phân khúc sản phẩm thông tin liên lạc, thị trường bán lẻ điện thoại Việt Nam năm 2015 được dự báo tiếp tục tăng trưởng do tỷ lệ thâm nhập điện thoại thông minh dự kiến sẽ nâng lên 50% trong năm 2015 từ mức 36% hiện tại; sự phát triển của công nghệ giúp giảm giá thành sản phẩm, thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi sang dòng sản phẩm thông minh và thu nhập bình quân đầu người Việt Nam tăng trưởng.
Đối với phân khúc sản phẩm công nghệ thông tin, dòng sản phẩm máy tính bảng (tablet) cũng được kỳ vọng tăng trưởng tốt bởi các yếu tố hỗ trợ tương tự như sản phẩm thông tin liên lạc, với số lượng tablet theo số liệu dự báo của BMI tăng trưởng khoảng 55% và 38% trong năm 2014 và 2015.
Tuy nhiên, các sản phẩm máy tính để bàn và máy tính xách tay không được kỳ vọng tăng trưởng vượt bậc do tỷ lệ thâm nhập sản phẩm này tại khu vực đô thị đã dần bão hòa.
Trong khi đó, nguồn cầu tăng thêm chủ yếu từ khu vực nông thôn phần lớn nhờ vào các dự án của Chính phủ và tổ chức phi chính phủ như: Dự án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam, Dự án BMGF - VN.
Đối với phân khúc điện máy (điện lạnh và điện gia dụng), các sản phẩm chính trong phân khúc này đều được dự báo tăng trưởng ổn định ở mức thấp, dưới 10% (theo báo cáo của Euromonitor). Theo báo cáo này, sức tiêu thụ tại thành thị đã bão hòa và động lực tăng trưởng chính sẽ đến từ thị trường nông thôn.
Về phân khúc sản phẩm điện tử, động lực tăng trưởng chính vẫn đến từ dòng sản phẩm ti vi. Xu hướng chuyển đổi từ tivi CRT (Cathode Ray Tube) sang tivi màn hình phẳng (Plasma, LCD, LED…) sẽ là một trong hai động lực tăng trưởng chính. Đồng thời, dự án chuyển đổi sóng analog sang sóng truyền hình kỹ thuật số của Chính phủ (với số vốn tài trợ khoảng 1.300 tỷ đồng) cũng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán hàng của các sản phẩm này. Theo ước tính trong báo cáo của BMI quý II/2014, nhu cầu đối với dòng tivi LCD và Plasma sẽ tăng trưởng bình quân 13,8% trong năm 2015.
Ngoài các yếu tố tăng cầu trên, một số động lực khác hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành như: (1) chi phí thuê địa điểm kinh doanh (thường chiếm hơn 40% tổng chi phí hàng tháng của các cửa hàng bán lẻ điện máy) thấp hơn trung bình các năm gần đây (theo số liệu gần đây của CBRE, giá thuê mặt bằng bán lẻ quý IV/2014 tiếp tục giảm gần 12% so với quý III/2014); (2) lãi suất vay duy trì ổn định ở mức hợp lý sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về vốn tài trợ tài sản lưu động.
Tuy nhiên, các chuỗi cửa hàng của doanh nghiệp trong ngành rất dễ rơi vào tình trạng hoạt động dưới điểm hòa vốn kéo dài, thậm chí dẫn đến phá sản do tính cạnh tranh mở rộng thị phần đang diễn ra gay gắt, đặc biệt là cạnh tranh về giá và các rủi ro liên quan đến đặc thù ngành nghề kinh doanh.
Hiện tại, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh mở rộng thị phần về thị trường tỉnh, nên quy mô một số doanh nghiệp lớn rất cồng kềnh. Với lượng vốn lưu động luôn duy trì ở mức cao và được tài trợ chủ yếu bằng nguồn nợ vay ngân hàng, nên kết quả kinh doanh khá nhạy cảm với lãi suất.
Đồng thời, các doanh nghiệp thường chấp nhận biên lợi nhuận thấp, thậm chí lỗ trong giai đoạn nhất định để cạnh tranh với đối thủ do đặc thù sản phẩm công nghệ dễ bị mất giá trị và tham vọng mở rộng thị phần nhanh. Do đó, tiềm lực vốn mạnh sẽ là một điểm hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp trong chiến lược mở rộng thị phần.
Chọn lọc doanh nghiệp
Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gia tăng, Rồng Việt Research cho rằng, các doanh nghiệp có thị phần lớn, có nhận dạng thương hiệu tốt, tiềm lực mạnh và quản trị vốn lưu động hiệu quả sẽ chiếm được ưu thế cạnh tranh.