Bên mua thắt hầu bao – bên bán tung chiêu kích thích mua sắm
Sau hơn hai năm chịu nhiều tổn thương từ Covid-19, cùng với áp lực lạm phát, nhiều mặt hàng tăng giá đang khiến nhiều người tiêu dùng phải “thắt lưng, buộc bụng”, tiết giảm chi tiêu.
Trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại MM Mega Market Việt Nam (MM) cho biết, người tiêu dùng đang có thói quen mua sắm tiết kiệm, chú trọng vào các chương trình khuyến mãi, mua theo gói lớn để được ưu đãi về giá nhiều hơn. Hiện, các khách hàng đang thực hiện cắt giảm chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu. Đối với các sản phẩm thiết yếu thì sẽ ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thay thế với giá hợp lý hơn.
Thực tế này đang khiến các doanh nghiệp bán lẻ như MM phải đối mặt với nhiều thách thức, như: tăng giá thu mua các mặt hàng nông sản, mặt hàng thiết yếu trong nước; rủi ro từ tăng giá và tỷ giá của các mặt hàng nhập khẩu, giá xăng dầu, chi phí nhân công tăng cao.
Đồng quan điểm, đại diện FPT Retail (FRT-HOSE) cho biết, lạm phát tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng, khiến họ có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn, sẽ chỉ ưu tiên mua sắm những mặt hàng thiết yếu.
Còn theo bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc Tăng trưởng và Chiến lược Chợ Tốt, trước tình trạng bão giá hiện tại, xu hướng mua sắm đồ đã qua sử dụng của người trẻ ngày càng phổ biến. Giá cả leo thang, sử dụng sản phẩm cũ được cho là cách người trẻ tiết kiệm nhằm đảm bảo những hạng mục sinh hoạt khác như thực phẩm, nhiên liệu hoặc y tế. Trong tháng 6 vừa qua, số lượng người dùng trẻ dưới 24 tuổi tại nền tảng của Chợ Tốt tăng 10% với cùng kỳ năm ngoái. Các ngành hàng được tìm mua nhiều nhất là điện thoại, máy tính xách tay cũ, sau đó, những món đồ gia dụng như tủ lạnh, máy lạnh hoặc máy giặt cũ.
Theo báo cáo Carousell Recommerce Index 2021, tại Việt Nam, cứ 10 người được hỏi thì có 8 người từng mua đồ đã qua sử dụng và sẽ tiếp tục mua đồ đã qua sử dụng. Bên cạnh đó, việc tái sử dụng, tái chế và bảo vệ môi trường đang trở thành những trong những mối quan tâm hàng đầu của giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z - thế hệ có sức ảnh hưởng trong quyết định tiêu dùng của mỗi gia đình và dẫn dắt xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới. Hiện nay, thương mại mua bán đồ cũ ở Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, với định giá 1,1 tỷ USD năm 2021 và dự kiến đạt 5,1 tỷ USD năm 2026, theo báo cáo gần nhất của RedSheer Strategy Consultants.
Trước áp lực về chỉ tiêu doanh số, các nhà bán lẻ đang phải đưa ra các chiến thuật khác nhau để kích thích tiêu dùng trở lại, kéo người dân đến các điểm mua sắm và chi tiêu nhiều hơn.
FRT hiện đang tập trung kinh doanh những mặt hàng thiết yếu, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn trong tình hình lạm phát như: máy tính, dược phẩm, các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ… Đặc biệt, FRT kỳ vọng nhiều vào những tháng cuối năm khi học sinh, sinh viên trở lại trường học nên đã có sự chuẩn bị sẵn sàng về hàng hoá, khuyến mại, nguồn lực… để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Cùng với đó là việc mở rộng mạng lưới, tăng độ phủ của chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu trên khắp cả nước để tăng khả năng tiếp cận khách hàng.
Các nhà bán lẻ đang tung ra nhiều "chiêu thức" để thu hút khách thuê trở lại mua sắm. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Trong khi đó, với Central Retail Việt Nam, ông Christian Olofsson, Giám đốc điều hành Khối Phát triển bất động sản cho biết, doanh nghiệp này vẫn đang tập trung vào nhóm khách hàng lớn có mức thu nhập từ thấp đến trung bình, cố gắng cung cấp mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng. Với khách thuê tại trung tâm thương mại, Central Retail sẽ sắp xếp hợp lý để bổ sung cho nhau và cung cấp một điểm đến mua sắm có giá cả phải chăng, tạo nên với mô hình đa tiện ích “Ăn - Mua sắm - Vui chơi - Học tập – Phát triển bền vững”.
Đại diện Central Retail tự tin, đến cuối năm 2022, doanh số bán hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và phục hồi hoàn toàn đến mức trước đại dịch. Ngoài ra, ông Christian Olofsson cho rằng, với đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bán lẻ, kế hoạch mở rộng và khai trương trung tâm thương mại mới của Central Retail sẽ tăng tốc trở lại.
Trong bối cảnh hiện tại, theo các chuyên gia của SSI Research, diễn biến ngành bán lẻ sẽ tiếp tục theo mô hình chữ K. Các công ty lớn sẽ giành được nhiều thị phần hơn nhờ khả năng thương lượng mạnh mẽ với các nhà cung cấp, cho phép họ giảm thiểu tác động của giá vốn tăng cao và từ đó đưa ra được nhiều chiết khấu hơn để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh áp lực lạm phát.
Còn với Chợ Tốt, để giải quyết thách thức lớn nhất trong thương mại điện tử mua bán đồ cũ về vấn đề niềm tin, doanh nghiệp này đã triển khai hệ thống thanh toán đảm bảo với vai trò giữ tiền của bên trung gian là các đối tác ví điện tử uy tín, bao gồm ví điện tử MoMo, Payoo, trong thời gian tới là Ahamove. Người mua khi thanh toán qua thanh toán đảm bảo sẽ được bảo vệ, số tiền sẽ được giữ an toàn và chỉ chuyển cho người bán khi người mua nhận được hàng và hàng đúng như mô tả.
Lạc quan trước mùa mua sắm
Một điểm chung đó là dù đang gặp nhiều thách thức, các nhà bán lẻ vẫn khá lạc quan về triển vọng thị trường những tháng cuối năm. Theo bà Nga, Việt Nam vẫn là một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng, được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh và tốc độ đô thị hóa nhanh. Sau 2 năm đại dịch, xu hướng tiêu dùng của khách hàng thay đổi khá rõ nét. Các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi nơi có sản phẩm đảm bảo chất lượng và giá cả hàng hoá phù hợp, cùng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn ngày càng được ưa chuộng và trở thành điểm đến mua sắm yêu thích của người tiêu dùng.
“Đây là một thị trường triển vọng và đầy tính cạnh tranh, là cuộc đua của những ông lớn trong những năm tới”, bà Nga nhấn mạnh.
Ngành bán lẻ khá lạc quan về triển vọng cuối năm 2022 - đầu năm 2023. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Còn đại diện FRT cho rằng, ngành bán lẻ có thể vẫn duy trì triển vọng tích cực, dựa trên nền tảng thấp của cùng kỳ, là bước đệm cho tăng trưởng nhanh trong giai đoạn hậu Covid-19.
Ở chiều tích cực, tăng trưởng doanh thu bán lẻ vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố như: tăng trưởng thu nhập bình quân trong 6 tháng đầu năm 2022; tỷ lệ thất nghiệp đang trên đà giảm từ mức đỉnh là 4% trong giai đoạn giãn cách vào quý 3/2021; nền thấp trong nửa sau năm 2021 do các biện pháp giãn cách xã hội. Cùng với đó là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch cũng như các ngành nghề liên quan như vận tải, lưu trú, giải ngân đầu tư công được tăng tốc và các gói kích thích kinh tế cũng như nỗ lực kiềm chế lạm phát của các nhà điều hành đang phát huy tác dụng.
“Nhìn chung, tuy lạm phát sẽ gây một áp lực nhất định lên tiêu thụ nội địa, tăng trưởng của ngành bán lẻ nói chung vẫn có nhiều yếu tố tích cực”, đại diện FRT cho biết thêm.
Theo ông Trung Kiên, nhà sáng lập Công ty Quản lý tài sản Vietnam Holdings Inc, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhóm doanh nghiệp ngành bán lẻ sẽ có được tốc độ tăng trưởng tốt hơn giai đoạn vừa qua, vì nhu cầu chi tiêu từ nay đến cuối năm của người dân nhiều khả năng tăng dần. Trong đó, nhóm phục vụ hàng tiêu dùng có cơ hội tăng trưởng cao, vì gắn với việc đẩy mạnh doanh số bán hàng, nhất là dịp Tết Nguyên đán.