Lập lờ quảng cáo
“Bất bình với sự lập lờ để quảng cáo rượu” là nhận xét của ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) khi được hỏi về các hình ảnh quảng cáo của sản phẩm mang tên “Rượu – thực phẩm chức năng Rockmen 12” đang tràn lan trên nhiều khung giờ vàng của truyền hình gần đây. Quan sát các clip quảng cáo này dễ dàng nhận thấy, các câu quảng bá như “rượu sạch êm dịu”, “không độc tố”, “kích thích tiêu hóa” và hình ảnh chai rượu có chữ Rockmen khá lớn (không rõ số 12 đi kèm) xuất hiện.
“Sự việc trên đang gây xôn xao dư luận. Chúng tôi cũng nhận được nhiều sự phàn nàn, bất bình của các doanh nghiệp lớn trong ngành rượu về những hình ảnh quảng cáo cho sản phẩm rượu thực phẩm chức năng”, ông Dũng nhận xét.
Cũng chính bởi sự xôn xao dư luận mà Bộ Công thương đã nhanh chóng vào cuộc. Ông Dũng cho hay, Vụ Công nghiệp nhẹ đã yêu cầu Sở Công thương Hà Nam kiểm tra và báo cáo Bộ các vấn đề liên quan. Được biết, Rockmen12 là sản phẩm của Công ty cổ phần Sao Thái Dương. Đây là doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh. Ngày 17/12/2013, Công ty cũng nhận được Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp 10/GP-SCT do Sở Công thương tỉnh Hà Nam cấp.
Theo giấy phép trên, ngành nghề của Công ty là sản xuất sản phẩm rượu Vodka, rượu mùi, rượu màu. Tên các loại sản phẩm trên là Vodka Rockmen 30 độ, 33 độ và 40 độ. Các sản phẩm này đều được công bố tiêu chuẩn áp dụng, có bản công bố hợp quy và giấy tiếp nhận của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nam.
Ngoài các sản phẩm nói trên, Công ty còn có sản phẩm thực phẩm chức năng mang tên Rockmen 12 (12 độ cồn) và Rockmen độ cồn 33 độ đã có tiêu chuẩn công bố áp dụng, có giấy xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cấp.
Tuy nhiên, theo đánh giá của những người am hiểu, các sản phẩm trên bản chất là cồn 12 độ và cồn thực phẩm 33 độ ngâm thuốc Bắc (dạng rượu thuốc truyền thống).
Liên quan đến sản phẩm rượu thực phẩm chức năng Rockmen 12, để quảng cáo cho sản phẩm này, Công ty cổ phần Sao Thái Dương đã được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm xác nhận nội dung quảng cáo tại Văn bản 438/2014/XNQC-ATTP vào tháng 3/2014 là “Rockmen 12 thuộc nhóm thực phẩm chức năng”. Hình thức quảng cáo là trên sóng phát thanh, truyền hình (với hợp đồng dài hạn năm 2014), báo, tạp chí, tờ rời, poster, banner. Nội dung quảng cáo có các chi tiết, như là loại thuốc uống bổ dưỡng, an toàn cho sức khỏe mà các gia đình nên lựa chọn…
Người tiêu dùng bị lừa?
Qua kiểm tra hồ sơ, cơ quan chức năng cũng phát hiện sản phẩm này chưa đầy đủ giấy tờ liên quan. Cụ thể, theo quy định hiện hành, sản phẩm rượu khi tiêu thụ trên thị trường bắt buộc phải có giấy tiếp nhận công bố hợp quy theo quy định của Luật An toàn thực phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm này mới chỉ có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm là sai quy định.
“Theo quy định hiện hành, sản phẩm rượu có độ cồn dưới 15 độ mới được phép quảng cáo. Tuy nhiên, tên thương hiệu Rockmen có một chuỗi sản phẩm rượu mạnh từ 12 độ đến 33 độ cồn. Vì vậy, việc quảng cáo rượu Rockmen 12 thực chất đã quảng cáo cho toàn bộ sản phẩm rượu Rockmen của doanh nghiệp”, Văn bản số 266/CNN ngày 6/5/2014 của Vụ Công nghiệp nhẹ nêu rõ.
Cho rằng “hành vi trên là lách luật để cố tình thực hiện hành vi quảng cáo không được phép đối với sản phẩm rượu”, ông Dũng cũng cho biết thêm: “Trước đây, từng có nhãn hiệu Smirnoff Ice 5% quảng bá sản phẩm theo kiểu dùng sản phẩm có độ cồn 5% để quảng bá cho cả thương hiệu Smirnoff - vốn được biết đến là dòng rượu Vodka có độ cồn cao bấy lâu và đã bị yêu cầu dừng quảng cáo”.
“Nếu muốn quảng cáo cho rượu thuốc với độ cồn dưới 15 độ theo quy định hiện hành, doanh nghiệp cần dùng một thương hiệu hay tên gọi khác hẳn nhận diện bấy lâu về các loại rượu độ cồn cao của mình, chứ không thể lập lờ đánh lận như Rockmen đang làm”, ông Dũng nói.
“Chúng tôi đã nghiêm chỉnh chấp hành quy định không được quảng cáo rượu, nhưng tại sao sản phẩm rượu của Công ty cổ phần Sao Thái Dương với nồng độ rượu lên tới 30, 33, thậm chí 40 độ, là rượu mạnh thông thường lại được quảng cáo là thực phẩm chức năng, bồi bổ cơ thể? Việc này làm mất lòng tin của các doanh nghiệp sản xuất rượu vào việc thực hiện các quy định của Nhà nước. Nguy hiểm hơn, việc quảng cáo tràn lan này tạo ra một tiền lệ xấu để các doanh nghiệp sản xuất rượu khác thực hiện lách luật. Việc quảng cáo rượu mạnh như kiểu “thuốc bổ” thế này có phải đang đánh lừa người tiêu dùng hay không”, một doanh nghiệp cũng sản xuất rượu Vodka cho hay.
Mặt khác, khi “nhập nhằng” được từ rượu mạnh thành “thực phẩm chức năng”, Rockmen 12 còn có cơ hội lách thuế dễ dàng. Theo quy định, rượu bia được xếp vào mặt hàng tiêu thụ đặc biệt, đánh thuế 50% trở lên (chưa kể 10% thuế giá trị gia tăng). Nhưng nếu là thực phẩm chức năng, thì chỉ phải chịu 10% thuế giá trị gia tăng VAT theo quy định của Nhà nước từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Điều đặc biệt, những loại đồ uống này được ghi trên nhãn, bao bì là thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung…, nhưng lại có độ cồn 33% , thậm chí 39-40%.
Xem ra, với mấy chữ “thực phẩm chức năng” và được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho phép, người tiêu dùng đang bị đánh lừa trắng trợn, ngân sách nhà nước cũng bị thất thu theo.