Ngân sách tăng thu chủ yếu nhờ đất đai

0:00 / 0:00
0:00
Thu ngân sách từ đất đai tăng do thị trường bất động sản tăng, tạo điều kiện cho các địa phương đấu giá đất, cho thuê đất và thu hồi nợ đọng từ các dự án bất động sản.
Quốc hội Khóa XV sẽ thông qua quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 vào cuối kỳ họp thứ nhất

Quốc hội Khóa XV sẽ thông qua quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 vào cuối kỳ họp thứ nhất

Dự kiến, ngày 22/7/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Hồ Đức Phớc trình Quốc hội quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019 với tổng số thu 1.553.611 tỷ đồng đồng, tăng hơn 10% (142.311 tỷ đồng) so với dự toán.

Khu vực doanh nghiệp vẫn hụt thu

Tuy nhiên, theo Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước thì năm 2019 tăng thu ngân sách chủ yếu từ các khoản thu về nhà đất, thu khác ngân sách, thuế xuất - nhập khẩu và thu từ dầu thô.

Cụ thể, thu nội địa, tăng 104.488 tỷ đồng, trong đó, thu từ nhà đất (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thu tiền cho thuê đất, tiền sử dụng đất) tăng gần 68%, với số tăng thu tuyệt đối lên đến 78.181 tỷ đồng; tăng thu từ thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước 24.835 tỷ đồng. Thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu vượt 25.039 tỷ đồng so với dự toán.

Theo ông Hồ Đức Phớc, thu ngân sách từ đất đai tăng chủ yếu do tăng thu từ nguồn sử dụng đất; tiền cho thuê đất có nguyên nhân chính là thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm 2019, tạo điều kiện cho các địa phương đẩy mạnh công tác đấu giá đất, cho thuê đất và thu hồi tiền nợ đọng từ các dự án bất động sản. Còn nguồn thu từ thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế tăng là do kết chuyển từ giai đoạn 2015-2018 (tăng 15.084 tỷ đồng).

Thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu tăng, theo ông Phớc là do trong năm 2019, một số mặt hàng có thuế suất cao, số thu lớn tăng mạnh như than đá, ôtô nguyên chiếc, máy móc, thiết bị, phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, linh kiện phụ tùng ôtô. Trong đó, riêng khoản thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô nhập khẩu đã đóng góp thêm cho NSNN 2.522 tỷ đồng do sản lượng xe nhập khẩu tăng mạnh.

Năm 2019, GDP tăng trưởng 7,02%, vượt kế hoạch đặt ra (tăng 6,6% - 6,8%); lạm phát được kiểm soát 2,79% thấp xa so với lạm phát mục tiêu là 4%; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo; thị trường tài chính, tiền tệ, lãi suất, tỷ giá ổn định nhưng thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp - nguồn thu chính của ngân sách quốc gia lại không đạt kế hoạch, thậm chí còn giảm so với số thực thu năm 2018.

Cụ thể, thu từ doanh nghiệp nhà nước giảm hơn 7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 0,7%; và khu vực doanh nghiệp dân doanh giảm 1,4%.

Theo ông Hồ Đức Phớc, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước không đạt dự toán và giảm thu so với năm 2018 là do quy mô GDP không đạt dự kiến (đạt 97,9% dự kiến). Một số ngành đóng góp lớn cho ngân sách tăng trưởng thấp hơn dự kiến, giảm so với các năm trước như khai thác dầu thô, sản xuất lắp ráp ôtô trong nước, sản xuất linh kiện điện thoại...

Còn hụt thu của khu vực doanh nghiệp dân doanh, theo ông Phớc, mặc dù số doanh nghiệp mới thành lập tăng, song chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được hưởng chính sách ưu đãi thuế nên số thuế đóng góp của khu vực này vào NSNN không đạt như khi xây dựng dự toán.

Ngoài ra, theo ông Phớc, khu vực doanh nghiệp dân doanh chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng chỉ có 43,7% hoạt động có lãi, trong đó số doanh nghiệp kê khai lỗ chiếm tới 48,6%.

Trong khi đó, số hụt thu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo ông Phớc là năm 2019, nhiều doanh nghiệp nước ngoài giảm thị phần tiêu thụ nội địa dẫn đến số thuế giá trị gia tăng nộp NSNN giảm 5.850 tỷ đồng.

Vẫn còn thất thu từ đất đai

Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2019 của Kiểm toán nhà nước cũng xác nhận, kết quả tăng thu nội địa năm 2019 chủ yếu từ tiền sử dụng đất; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra còn phát sinh một số khoản thu ngoài dự toán như trích từ Quỹ hoạt động ngành Kho bạc Nhà nước (5.000 tỷ đồng), thu tăng thu từ các khoản thu hồi khoản chi năm trước (5.537 tỷ đồng)…

Theo ông Trần Sỹ Thanh, Tổng Kiểm toán nhà nước, các khoản thu từ khu vực doanh nghiệp bị hụt ngoài sản xuất, kinh doanh còn khó khăn thì nguyên nhân chính là do trong quá trình xây dựng dự toán đã đánh giá tốc độ tăng thu của khu vực này không sát thực tế dẫn đến giao dự toán quá cao. Nhưng năm 2019 không phải là hãn hữu mà tình trạng giao không sát thực tế đã diễn ra suốt từ năm 2017 khiến cả 3 khu vực doanh nghiệp không năm nào hoàn thành dự toán thu.

Ngoài ra, trong quản lý NSNN tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… diễn ra khá phổ biến. Riêng số tiền khai sai, khai thiếu năm 2019 đã được Kiểm toán nhà nước kiến nghị tăng thu thêm 5.103 tỷ đồng.

Báo cáo của Kiểm toán nhà nước còn cho thấy, nếu quản lý thuế chặt chẽ thì số thu NSNN năm 2019 còn có thể cao hơn nhiều. Bởi công tác quản lý thu tại một số cơ quan thuế còn tình trạng không hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra; một số cuộc thanh tra, kiểm tra xử lý kết quả thanh, kiểm tra không phù hợp quy định; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế chưa đầy đủ; hoàn thuế cho doanh nghiệp khi chưa thực hiện bù trừ các khoản phải nộp NSNN, hoàn thuế cho dự án sau khi đã kết thúc giai đoạn đầu tư, chưa phản ánh đúng thời điểm phát sinh doanh thu…

Năm 2019, thu từ đất đai hơn 193.336 tỷ đồng, tăng 68% (78.181 tỷ đồng) so với dự toán, và đóng góp phần lớn vào số tăng thu. Tuy nhiên, theo ông Thanh, NSNN còn có thể thu nhiều hơn từ đất đai bởi vẫn còn tình trạng miễn, giảm tiền thuê đất cho cả thời gian chậm nộp hồ sơ, thủ tục miễn giảm chưa đúng quy định; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền thuê đất chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện ưu đãi.

Quản lý nguồn thu từ đất đai, theo ông Thanh vẫn còn tình trạng chưa điều chỉnh lại đơn giá thuê đất khi hết thời gian ổn định đơn giá thuê; chưa kê khai đầy đủ, kịp thời tiền thuê đất phải nộp một lần; sử dụng đất nhưng chưa có quyết định thuê đất, hợp đồng thuê đất; xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của một số dự án chưa phù hợp quy định; chuyển mục đích sử dụng đất chưa đáp ứng đủ điều kiện; các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tính và kê khai nộp tiền thuê đất đối với diện tích đất sử dụng kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết...

Tin bài liên quan