Thưa Thứ trưởng, đầu tư công tùy tiện đã gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Luật Đầu tư công liệu có ngăn ngừa được tình trạng này?
Thể chế hóa quy trình quyết định chủ chương đầu tư là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công. Chủ trương đầu tư (là khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án đầu tư) được luật hóa và quy định cụ thể thì các chương trình, dự án đầu tư mới phải theo đúng các mục tiêu, định hướng, kế hoạch, quy hoạch chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước. Chủ trương đầu tư được luật hóa không chỉ ngăn ngừa được sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí, mà còn đơn giản trong việc ra quyết định chủ trương đầu tư, vì Luật đã nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư.
Trước khi có Chỉ thị 1792/CT-TTg (ngày 15/10/2011) về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, quy trình, thủ tục xác định chủ trương đầu tư của các bộ ngành, địa phương rất sơ sài. Hệ quả là, nhiều công trình, dự án có hiệu quả rất thấp. Tình trạng này đã được chấn chỉnh, hàng loạt dự án kém hiệu quả, chưa thực sự cần thiết đã phải dừng khởi công, tạm hoãn thi công kể từ khi thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg. Những nội dung trong Chỉ thị 1792/CT-TTg đã được thực tế kiểm chứng là phù hợp đều được luật hóa. Vì vậy, tôi tin chắc rằng, khi Luật Đầu tư công có hiệu lực sẽ ngăn chặn được tình trạng ra quyết định chủ trương đầu tư tùy tiện, ngẫu hứng.
Chấm dứt được đầu tư công tùy tiện sẽ chấm dứt đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả, thưa ông?
Đầu tư công tùy tiện chấm dứt chỉ là một trong những giải pháp chống đầu tư dàn trải, lãng phí dẫn đến kém hiệu quả. Muốn chấm dứt được đầu tư dàn trải, lãng phí, còn phải có nhiều giải pháp khác nữa, đặc biệt là công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối nguồn vốn.
Vốn là yếu tố quyết định trong đầu tư, vì vậy, Luật Đầu tư công coi công tác thẩm định nguồn vốn và cân đối nguồn vốn là một trong những nội dung quan trọng nhất trong công tác thẩm định chương trình, dự án đầu tư công.
Thực hiện nghiêm các chế định về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn sẽ bảo đảm bố trí vốn tập trung cho các mục tiêu, dự án ưu tiên cần thiết phải đầu tư, khắc phục được tình trạng các địa phương phê duyệt quá nhiều dự án, dẫn đến bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian thi công do không tính đến việc huy động và cân đối các nguồn vốn.
Ông có nghĩ rằng, với những quy định như vậy sẽ chấm dứt được tình trạng xin - cho trong đầu tư công?
Tôi không dám khẳng định sẽ chấm dứt được tình trạng xin - cho, nhưng chắc chắn, tình trạng xin - cho sẽ giảm cơ bản. Điều này đã được chứng minh qua gần 3 năm thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg.
Trước đây, người ta nói vui rằng, cứ đến cuối năm, phố Hoàng Văn Thụ, Hoàng Diệu (trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và phố Trần Hưng Đạo (trụ sở Bộ Tài chính) thường xuyên tắc vì các địa phương về Trung ương xin vốn, nhưng 3 tết vừa qua, gần như không còn hiện tượng này.
Lý do là, trước đây, chúng ta lập kế hoạch đầu tư hàng năm, nên muốn có dự án, muốn điều chỉnh tổng mức đầu tư, địa phương phải lên Trung ương để thuyết minh, giải trình sự cần thiết phải đầu tư, cần thiết phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Còn thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg, đặc biệt là Luật Đầu tư công, chúng ta chuyển sang lập kế hoạch trung hạn (5 năm), phù hợp với các mục tiêu và định hướng phát triển trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.