Phân tâm khi ngồi nhà
Bá Hưng, một kỹ sư công nghệ thông tin cho biết, giai đoạn Hà Nội thực hiện giãn cách, cơ quan anh cũng áp dụng chế độ làm việc luân phiên tại cơ quan và tại nhà theo các ngày chẵn, lẻ trong tuần và lịch làm việc này áp dụng theo tuần, mỗi tuần các nhóm sẽ đổi lịch cho nhau. Trong khi đó, công ty chị Huyền Thu chuyên về mảng thiết bị giáo dục lại áp dụng chế độ làm việc nửa tuần tại công ty, nửa tuần tại nhà.
Tuy lịch làm việc có sự thay đổi so với trước, nhưng có một điểm chung giữa 2 nhân vật này là sự hào hứng khi được “work from home” không duy trì lâu, sau một thời gian lại muốn được làm việc tại công ty, bởi làm việc tại nhà thường không tập trung, dẫn đến hiệu suất làm việc bị suy giảm.
“Nếu trước đây hết giờ làm cơ bản là hết việc thì từ khi làm việc ở nhà, tôi phải làm muộn và nhiều việc hơn để bù vào thời gian không thể chuyên tâm trong ngày”, Hưng nói.
Theo JLL Việt Nam, giai đoạn đầu mới giãn cách, không ít người lao động tỏ ra hứng thú với việc được làm việc tại gia bởi sự thoải mái, ít bị quản thúc. Tuy nhiên, một khảo sát của JLL Việt Nam thực hiện đối với hơn 3.300 nhân viên văn phòng vào tháng 3/2021 cho thấy, khoảng 33% người cho biết họ không muốn làm việc tại nhà và con số này càng ngày tăng lên.
Theo bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao Thị trường Việt Nam - JLL Việt Nam, với quỹ đất chật hẹp, diện tích sinh hoạt ngày càng nhỏ lại, đa số nhà ở tại các đô thị ở Việt Nam không có phòng làm việc riêng. Những ảnh hưởng của tiếng ồn, thiếu ánh sáng, kích thước bàn và ghế không đủ chuẩn để ngồi trong thời gian dài, các vấn đề về kết nối internet, điện thoại hay máy in… là những lý do khiến văn phòng làm việc là một phần không thể thiếu trong công việc hàng ngày.
Định hình xu hướng văn phòng “mở”
Nhận định về xu hướng thay đổi trong nhu cầu đối với văn phòng làm việc tại thị trường Việt Nam, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê thương mại, Savills Hà Nội chia sẻ, từ tháng 3 năm ngoái, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh, phần lớn doanh nghiệp tại Việt Nam buộc phải chuyển sang chế độ làm việc tại nhà, nên xu hướng văn phòng làm việc có những thay đổi theo hướng linh hoạt, chú trọng hơn tới việc tích hợp các tiện ích như phòng họp với công năng đa dạng, các phòng đào tạo, khu vực nghỉ trưa và khu vực thư giãn… nhằm tăng tương tác nội bộ và đảm bảo sức khoẻ thể chất cũng như tinh thần của nhân viên.
Trò chuyện với phóng viên, ông Bùi Hữu Ánh, Giám đốc Maison Office cho biết, xu hướng thiết kế văn phòng “mở” với nhiều hơn các khu vực thư giãn, đọc sách báo, không gian ăn uống và giải trí đang thể hiện khá rõ nét, nhưng chủ yếu là với nhóm khách thuê trong lĩnh vực công nghệ. Một trong những lý do dẫn đến sự thay đổi này đến từ sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sức ép thu hút nhân lực và ảnh hưởng của trào lưu trên từ bên ngoài biên giới khi ngày càng nhiều start-up và doanh nghiệp học tập cách thiết kế văn phòng của những “ông lớn” công nghệ như Google, Apple… để áp dụng cho đơn vị mình.
“Chăm chút cho không gian làm việc là cơ sở để tăng hiệu suất công việc và đến nay, nhiều doanh nghiệp đã coi đây là vấn đề cốt lõi để tăng hiệu quả hoạt động”, ông Ánh nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên về sự thay đổi trong thói quen sử dụng văn phòng, ông Đinh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Thiết kế và diễn họa kiến trúc Việt Nam (VNi) cho rằng, với đặc thù của doanh nghiệp công nghệ, xu hướng văn phòng hội tụ với các không gian “làm” kết hợp với “chơi” thực sự phù hợp. Do đó, xu hướng chung là các văn phòng sẽ được thiết kế và bổ sung thêm nhiều khu vực đọc sách, ăn uống, giải trí… để vừa giải tỏa sự căng thẳng, mệt mỏi, vừa kích thích sự hăng say, sáng tạo trong công việc, vừa giúp xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
“Để đưa doanh nghiệp đi lên, văn hóa doanh nghiệp là một yếu tố vô cùng quan trọng, mà để có được điều này thì phải có sự kết nối, giao tiếp. Bởi vậy, công việc có thể làm trên nền tảng ‘ảo’, nhưng môi trường làm việc phải là thực. Chưa kể, việc thiết kế văn phòng theo xu hướng mở cũng là yếu tố thu hút cũng như giữ chân người lao động”, ông Tuấn nhấn mạnh.