Theo IMF, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam đang ở mức 7,7%/năm ở cả kỳ hạn ngắn, trung và dài.

Theo IMF, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam đang ở mức 7,7%/năm ở cả kỳ hạn ngắn, trung và dài.

Lãi suất và bài toán tăng trưởng hậu đại dịch

(ĐTCK) Các lý thuyết kinh tế đều chỉ ra rằng, lãi suất thấp sẽ khuyến khích đầu tư, thay vì tiết kiệm. Việt Nam dường như đi theo hướng này khi lãi suất đang giảm khá mạnh thời gian qua.

Lãi suất huy động đang ở vùng thấp nhất trong vòng 10 năm qua và ở mức “hiếm gặp” trong một chu kỳ dài hơn là 20 năm qua.

Điều đáng nói, lãi suất thấp không hẳn là do cung cầu vốn (cầu ít thì lãi suất giảm), không hẳn do lãi suất điều hành của ngân hàng trung ương (Ngân hàng Nhà nước) hạ thấp, mà còn có yếu tố chỉ đạo hành chính ở đây.

Phải nói thêm rằng, chỉ đạo hành chính trong câu chuyện lãi suất ở Việt Nam và một số nền kinh tế không coi là xấu, mà được nhiều tổ chức công nhận là một trong các công cụ điều hành cần thiết và hiệu quả khi thị trường tiền tệ chưa hoàn hảo.

Chính vì có yếu tố chủ quan này mà chính sách tiền tệ tại Việt Nam từ khi có dịch Covid-19 đến nay rất dễ kết luận rằng, đó là “chính sách nới lỏng” thay vì “linh hoạt, thận trọng” như giai đoạn trước.

Công thức khá đơn giản, “ép” lãi suất huy động hạ, ngân hàng lớn hạ trước, ngân hàng nhỏ hạ sau, từ đó sẽ kéo lãi suất cho vay giảm theo.

Không chỉ lãi suất huy động, cho vay, mà các loại lãi suất trái phiếu (cũng là một hình thức huy động vốn), cho vay margin trên thị trường chứng khoán, lãi suất cam kết của các hợp đồng bảo hiểm… đều hạ theo.

Chỉ trong khoảng 5 tháng (kể từ sau Tết Nguyên đán), các đợt hạ lãi suất được thực hiện liên tục.

Nhiều phân tích đã chỉ ra rằng, điều này sẽ hỗ trợ rất tích cực doanh nghiệp vay mới để có nguồn lực tài chính giá rẻ hơn phục hồi kinh doanh sau dịch, về mặt vĩ mô sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Nhưng đó là mặt lợi, đâu đó vẫn còn những điều đáng phải quan tâm trong xu hướng giảm nhanh lãi suất hiện nay.

Mỗi tháng một đợt hạ lãi suất

Những số liệu về hoạt động ngân hàng nói riêng và các chỉ số kinh tế vĩ mô nói chung công bố mỗi tháng đang ủng hộ quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.

Lạm phát thấp, tín dụng tăng trưởng chậm, tăng trưởng GDP chậm lại, sản xuất công nghiệp giảm… Tốc độ hạ lãi suất gần như mỗi tháng một đợt trong vài tháng trở lại đây.

Gần nhất vào tuần trước và là đầu tháng 6, lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở hầu hết kỳ hạn đều giảm tại 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Chẳng hạn, tại BIDV, lãi suất các kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng được hạ từ 0,2-0,45%/năm so với thời điểm đầu tháng 5, xuống chỉ trên 4%/năm, thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Các kỳ hạn dài hơn cũng được điều chỉnh, tại VietinBank, kỳ hạn từ 6-9 tháng giảm về mức 4,9%/năm và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng chỉ còn 5,1%/năm…

Cùng với “big 4” là các ngân hàng cổ phần tư nhân cũng không ngoại lệ. Tại VPBank, nếu như đợt điều chỉnh giảm gần nhất là 13/5, thì tới 1/6 đã có thêm một đợt điều chỉnh giảm nữa. Lãi suất tiền gửi tại quầy còn xuống “đầu 3”, cụ thể lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng chỉ còn 3,8-4%/năm tùy thuộc số tiền (từ 3 tỷ đồng trở lên được 4%).

Các mức lãi suất tiền gửi tại nhà băng này bình quân hạ thêm 0,1 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn so với lãi suất áp dụng từ hơn 2 tuần trước.

Mặt bằng lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam đang ở mức 7,7%/năm ở cả kỳ hạn ngắn, trung và dài. Mức lãi suất cho vay này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Indonesia 10,01%/năm; Mông Cổ 16,81%/năm; Ấn Độ 9,4%/năm; Bangladesh 9,62%/năm; Myanmar 16%/năm...    

(Nguồn: IMF)

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần phân tích, việc 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước giảm mạnh lãi suất huy động là có sự chỉ đạo và cũng nhận được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước, khi cơ quan này đã mạnh tay bơm tiền ra thị trường.

“Thanh khoản của các ngân hàng dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh nên các ngân hàng thương mại khác có điều kiện thuận lợi để hạ lãi suất mà không phải ‘gò ép’ theo cách buộc phải giảm”, vị lãnh đạo này cho biết.

Dữ liệu giao dịch trên thị trường mở (OMO), điều hành bởi Ngân hàng Nhà nước cho thấy, cơ quan này đang bơm ròng mạnh tiền ra thị trường. Trong tuần đầu tháng 6, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 24.994 tỷ đồng, tuần trước nữa (từ 25/5 đến 29/5) cũng bơm ròng 11.000 tỷ đồng thông qua mua về 10.998 tỷ đồng tín phiếu đến hạn và 2 tỷ đồng mua kỳ hạn.

Theo nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV, xu hướng giảm của lãi suất đã được duy trì trong tháng 5 do một số yếu tố tác động như Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ cả về giá và lượng khi một mặt hạ mặt bằng lãi suất điều hành thêm 50 điểm (trong đó có lãi suất OMO từ 3,5%/năm xuống 3%/năm) và mặt khác bơm khoảng 100.000 tỷ đồng ra thị trường thông qua kênh tín phiếu đáo hạn.

Cũng theo báo cáo của BIDV, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hạ lãi suất điều hành khi bối cảnh quốc tế và trong nước đều cho thấy tín hiệu thuận lợi.

Cụ thể là làn sóng nới lỏng tiền tệ vẫn tiếp diễn trên toàn cầu; nền kinh tế trong nước đối mặt với khó khăn về tăng trưởng; lạm phát đang trong tầm kiểm soát; và thị trường tài chính, tiền tệ tiếp tục duy trì trạng thái ổn định...

“Điểm đáng chú ý là mặc dù đều chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tăng trưởng huy động vốn vẫn có xu hướng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng trong tháng 5.

Tính chung 5 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động vốn và tín dụng đều ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước, lần lượt khoảng 2,2% và 1,5% so với mức tăng tương ứng gần 6% và 5,5% của năm 2019.

Nguồn cung được cải thiện mạnh tại các ngân hàng thương mại, qua đó tạo tâm lý duy trì tích cực và đẩy mặt bằng lãi suất có phần giảm sâu hơn kỳ vọng”, báo cáo nhận định.

Câu chuyện người gửi tiền

“Trên thế giới hiện nay bước vào giai đoạn đầu của giảm phát, mong phía ngân hàng có những chủ trương kịp thời, tạo chính sách huy động lãi suất ở ngưỡng thấp để cấp mới cho doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn lãi suất hiện nay”, ông Bùi Gia Nên, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Bình Phước nêu quan điểm tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và ngành ngân hàng tổ chức cuối tháng trước.

Cũng trong chuỗi đối thoại mà Ngân hàng Nhà nước tổ chức ở hàng loạt địa phương trong tháng 5 vừa qua, hầu hết ý kiến của doanh nghiệp đều ủng hộ việc hạ lãi suất, thậm chí cần phải hạ thấp hơn nữa.

Ông Nguyễn Văn Bình, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu mỹ nghệ Artex Thăng Long cho biết, mặc dù các ngân hàng đã có chính sách giãn, giảm lãi suất cho doanh nghiệp, nhưng trong tình cảnh như hiện nay, việc giảm lãi suất vẫn như "muối bỏ bể”.

“Mong rằng, các ngân hàng sẽ có chính sách giảm mạnh lãi suất cho vay để giúp doanh nghiệp qua cơn bĩ cực này”, ông Bình nói.

Lãi suất thấp hơn cũng là một trong những nội dung của Hội nghị với doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 9/5.

Tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nêu kiến nghị doanh nghiệp mong chờ mặt bằng cho vay ở mức 4-5%/năm với tiền đồng và 2-3% với vay USD.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, đây là con số mà phải rất quyết tâm nữa ngành ngân hàng mới có thể đạt được.

Chúng tôi có thể tiếp tục điều chỉnh lãi suất điều hành nếu như các điều kiện vĩ mô phù hợp

- Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng

Lãi suất thấp hiện tại chỉ dành cho một số lĩnh vực ưu tiên, còn để mặt bằng lãi suất cho vay xuống mức 4-5%/năm thì lãi suất huy động phải nằm ở mức 1-2%/năm.

Báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ghi nhận, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam đang ở mức 7,7%/năm ở cả kỳ hạn ngắn, trung và dài. Mức lãi suất cho vay này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Indonesia 10,01%/năm; Mông Cổ 16,81%/năm; Ấn Độ 9,4%/năm; Bangladesh 9,62%/năm; Myanmar 16%/năm...

Lãi suất thấp luôn là mong muốn của doanh nghiệp, đặc biệt với Việt Nam, khi mà thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu chưa đóng vai trò là kênh huy động vốn lớn cho doanh nghiệp, các khoản đầu tư dài hạn tới vay ngắn hạn phụ thuộc chủ yếu vào ngân hàng.

Kiến nghị giảm lãi suất nhanh và mạnh đang là thời điểm phù hợp để đưa ra, vì bây giờ là hậu dịch trong trạng thái bình thường mới.

Nhưng để giảm lãi vay thì một vế lớn nữa cần phải giải đáp, đó chính là người gửi tiền. Lãi suất nếu xuống quá thấp, dòng tiết kiệm có thể được rút ra để chuyển đi nhiều kênh khác, mà đôi khi không hẳn là đã tích cực. Trong quá khứ, việc ồ ạt đầu tư chứng khoán và bất động sản đã tạo bóng bóng cho thị trường này.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, chị N.T.H. Nhung ở Trung Hoà, Hà Nội cho biết, từ tháng trước, khi ra tất toán sổ tiết kiệm, nhân viên ngân hàng đã tư vấn chị gửi tiết kiệm tiếp với kỳ hạn lên đến 13 tháng để hưởng mức lãi suất ưu đãi, bên cạnh các chương trình khuyến mãi của bgân hàng.

Mặc dù mức lãi suất khá hấp dẫn, nhưng với kỳ hạn dài quá, e ngại về những biến động khó lường trong bối cảnh dịch bệnh thì tiền mặt là “vua”, nên chị Nhung cho biết không gửi tiết kiệm kỳ hạn dài. Trong một tính toán “phòng thủ”, chị Nhung đã gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng để theo dõi diễn biến tình hình kinh tế rồi quyết định tiếp.

“Cuối tuần vừa rồi, nhân viên ngân hàng có liên lạc do sổ tiết kiệm đến hạn và thông báo lãi suất đã hạ. Tôi hiểu là đồng tiền đang mất giá, nhưng tôi thấy may vì đã không gửi lãi suất kỳ hạn dài, bởi bây giờ tôi sẽ rút một phần tiền chuyển sang mua vàng, mua ngoại tệ, phần tiền còn lại tôi chấp nhận để tiết kiệm kỳ hạ từng tháng để nghiên cứu, nếu tìm được mảnh đất phù hợp mới mua”, chị Nhung cho biết.

Còn anh N.Đ. Hiếu ở Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Tôi sẽ cân nhắc chuyển sang đầu tư bất động sản cho yên tâm chứ cổ phiếu tôi đã mất kha khá tiền. Tất nhiên, vẫn phải để lại một chút tiền trong ngân hàng để phòng diễn biến kinh tế xấu đi thì vẫn có tiền để trang trải các sinh hoạt hàng ngày”.

Nới lỏng và giám sát

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nới lỏng chính sách tiền tệ và tín dụng dễ dàng tạo ra nguồn vốn đệm mà các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mong chờ, nhưng cần giám sát chặt chẽ khi các ngân hàng ngày càng phải đối mặt với suy thoái kinh tế, ảnh hưởng đến chất lượng tài sản, nợ phải trả và khả năng sinh lời theo thời gian.

Cảnh báo trên của WB là một điều cần phải quan tâm bởi về lý thuyết, ngân hàng là trung gian, việc hạ hay tăng lãi suất sẽ không ảnh hưởng tới ngân hàng bởi lãi suất huy động thấp thì cho vay thấp và ngược lại, chỉ cần NIM (chênh lệch lãi suất) được đảm bảo.

Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết bởi lãi suất hạ nhanh hoàn toàn khiến cho doanh nghiệp “không muốn” trả các khoản lãi suất cao của món vay cũ, người gửi tiền rút tiền khiến thanh khoản của chính ngân hàng không đảm bảo…, từ các câu chuyện này lại dẫn đến những phản ứng tiêu cực khác.

Giảm lãi suất từ từ và thận trọng có lẽ là cách đi phù hợp trong giai đoạn hiện tại, lãi suất là công cụ điều tiết quan trọng cho nền kinh tế, luôn cần một cách để đảm bảo công cụ này “còn dư địa” trong những trường hợp khẩn cấp.

Theo Giáo sư Andreas Stoffers, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng tại Đức và Việt Nam, giáo sư tại Đại học SDI Munich (Đức), hiện là Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Friedrich Naumann, vết xe đổ từ phía ngân hàng châu Âu nên được coi là bài học cảnh tỉnh Việt Nam: Đừng bao giờ nên hạ mức lãi suất về 0.

Tại buổi họp báo diễn ra tuần trước tại Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng tái khẳng định sự thận trọng khi cho biết, trong chính sách điều hành tiền tệ từ nay đến cuối năm, mục tiêu kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu.

Trong đó, trọng tâm sẽ là điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường, kiểm soát quy mô tín dụng với chỉ tiêu định hướng nâng cao chất lượng, bám sát những diễn biến của dịch Covid-19 để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế.

“Chúng tôi có thể tiếp tục điều chỉnh lãi suất điều hành nếu như các điều kiện vĩ mô phù hợp”, Phó thống đốc nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu Chuyên gia kinh tế

Lãi suất và bài toán tăng trưởng hậu đại dịch ảnh 1

Lãi suất huy động giảm đúng là sẽ tác động làm lãi suất cho vay hạ nhiệt. Bên cạnh đó, lãi suất huy động giảm về mặt lý thuyết có nghĩa là giá trị tiền đồng giảm đi, tỷ giá tăng lên. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy bởi có những tác động khác, ví dụ như giá trị đồng Việt Nam còn do nhiều yếu tố như xuất nhập khẩu, tỷ lệ lạm phát… Hay nói cách khác, với điều kiện là tất cả các điều kiện khác không thay đổi mà chỉ thay đổi có lãi suất, thì lãi suất hạ sẽ làm giảm giá trị đồng nội tệ, dẫn tới tỷ giá tăng.

Hạ lãi suất huy động, vấn đề đặt ra là liệu người dân có rút tiền chuyển sang các kênh đầu tư khác? Thực tế, hành động này sẽ còn tùy vào thị trường chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ có những biến động thuận lợi hay không? Tôi cho rằng, tiền vẫn được người dân gửi trong ngân hàng bởi lãi suất huy động của Việt Nam vẫn đang cao so với các quốc gia khác trên thế giới. Mức độ giảm lãi suất huy động của các ngân hàng từ 0,1-0,5%/năm thực sự là khá mạnh khi nhìn vào biên độ, nhưng so với số tuyệt đối của lãi suất là không nhiều. Chính vì vậy, nếu thị trường khác không làm cho mình trở nên hấp dẫn, có lẽ sẽ không có sự dịch chuyển nhiều.

Thị trường chứng khoán cũng tăng điểm những ngày qua, thị trường vàng có thể tăng giá, còn thị trường bất động sản đang được cho là điểm đến có vẻ hấp dẫn người dân, nhưng thực sự đây là những thị trường hiện tại không có sự ổn định, trong khi gửi tiết kiệm đồng nội tệ tương đối vững giá nên giảm lãi suất có lẽ không ảnh hưởng lớn đến việc gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng. Hay nói cách khác, chưa đến mức độ người dân sẽ đi rút tiền tiết kiệm ồ ạt để đầu tư vào các kênh khác.

Có khả năng lãi suất sẽ hạ tiếp, nhưng tuỳ vào nhu cầu vay vốn, tình hình kinh tế từ nay đến cuối năm. Nếu nhu cầu vay không cao hoặc các ngân hàng rất cẩn thận cho vấn đề vay vốn hiện tại để đề phòng rủi ro nợ xấu, khả năng sẽ không cần tăng lãi suất huy động. Ngược lại, từ nay đến cuối năm sự phục hồi của nền kinh tế rất mạnh, nhu cầu vay tăng lên, khả năng các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động.

Đối với đại bộ phận dân chúng, tiền gửi ngân hàng vẫn là một kênh gửi tiền rất quan trọng bởi các ngân hàng Việt Nam trả lãi suất tương đối cao, thường thường vẫn duy trì lãi suất thực dương, lãi suất huy động đâu đó khoảng 2% trên tỷ lệ lạm phát. Nếu biên độ lãi suất huy động âm sẽ tạo nên sự dịch chuyển sang kênh đầu tư khác như vàng và điều này sẽ không có lợi cho nền kinh tế.

Do đó, việc duy trì lãi suất thực dương rất quan trọng đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam với nhu cầu về thanh khoản lớn. Bên cạnh đó, đối với người gửi tiền Việt Nam, gửi tiết kiệm ngân hàng an toàn nhất trong bối cảnh các thị trường khác biến động nhiều, do đó, khả năng các ngân hàng sẽ vẫn duy trì được nguồn vốn huy động tốt khi lãi suất thực dương.

Tin bài liên quan