Ngân hàng xếp lịch tìm vốn ngoại

Ngân hàng xếp lịch tìm vốn ngoại

(ĐTCK) Không chỉ các nhà băng nằm trong diện tái cơ cấu theo yêu cầu mà nhiều ngân hàng khác cũng đang đẩy nhanh quá trình này. Trong đó, thu hút vốn ngoại là một trong những giải pháp được tính đến.

Ngân hàng xếp lịch tìm vốn ngoại ảnh 1GPBank đang trình lên NHNN phương án chọn đối tác chiến lược nước ngoài là Tập đoàn tài chính UOB ( Singapore )

 

Nhiệm vụ đặt ra cho NHNN Chi nhánh TP. HCM, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM, là thực hiện tái cơ cấu 14 ngân hàng thương mại cổ phần và 19 quỹ tín dụng nhân dân. Trong 4 ngân hàng nằm trên địa bàn Thành phố thuộc diện phải tái cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ và NHNN thì đến nay, 3 ngân hàng hợp nhất đầu tiên (SCB, Ficombank, TinNghiaBank), hợp nhất thành SCB, đã hoạt động ổn định và kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài. Để có thể đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, SCB cũng vừa bán 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và dự định sẽ bán tiếp để làm sạch bảng cân đối kế toán trước khi hút thêm vốn ngoại.

Riêng với Navibank được phép tái cơ cấu theo diện tự củng cố bằng nguồn lực trong nước. Hiện Navibank cũng đang xúc tiến bán nợ xấu cho VAMC. Đồng thời, Ngân hàng cũng xin ý kiến cổ đông và xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được hủy niêm yết cổ phiếu. Đại hội đồng cổ đông họp thường niên của Navibank cuối tháng 4/2013 cũng đã thông qua việc thay đổi cơ cấu nhân sự cấp cao.

Trải qua hơn một năm tự tái cấu trúc, kết quả nửa đầu năm nay, tổng thu nhập của Navibank chỉ đạt 295 tỷ đồng, giảm mạnh 26,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế còn lại vỏn vẹn 10,5 tỷ đồng, chỉ bằng 11% so với cùng kỳ năm 2012. Trong khi đó, chất lượng dư nợ của Navibank tiếp tục xấu đi. Nợ xấu của Navibank tiếp tục tăng và tính đến cuối tháng 6/2013 là 854 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cuối năm 2012 và chiếm đến 6,1% tổng dư nợ.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, Navibank đang hoàn tất thủ tục để bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây được xem là giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Bởi thực tế thời gian qua, dù đã nỗ lực thay đổi, song kết quả kinh doanh vẫn không đạt được sự cải thiện như mong muốn. Ngân hàng cần thêm nguồn lực tài chính cũng như kinh nghiệm quản trị, những thứ được kỳ vọng có ở nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài SCB và Navibank, hiện GPBank cũng đang trình một số phương án tái cơ cấu lên NHNN, trong đó có phương án chọn đối tác chiến lược nước ngoài là Tập đoàn tài chính UOB của Singapore. GPBank là một trong 9 ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ phải thực hiện tái cấu trúc theo yêu cầu.

Nhiều khả năng, trong năm tới, sẽ có ít nhất 3 ngân hàng cổ phần đang trong giai đoạn tái cấu trúc thu hút thêm vốn ngoại. Ngoài ra, một số nhà băng khác như Sacombank, DongA Bank… cũng đang đàm phán để tìm đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp. Riêng Sacombank dự kiến sẽ hoàn tất các thủ tục bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cuối năm nay hoặc đầu năm tới.

Tuy nhiên, các nhà băng kỳ vọng, việc nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm được thực thi. Ông Võ Tấn Hoàng Văn, quyền Tổng giám đốc SCB cho rằng, nếu được nới “room”, đó sẽ là cơ hội để Ngân hàng bán một tỷ lệ cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nhằm hỗ trợ quá trình tái cơ cấu.

Còn theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, việc tái cơ cấu sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng tốt hơn cả về tiềm lực vốn cũng như khả năng cạnh tranh, trong đó, một trong các giải pháp quan trọng là tăng vốn, đặc biệt là vốn nước ngoài.

Lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, tính đến thời điểm này, các ngân hàng trên địa bàn đang tái cơ cấu theo đúng mục tiêu và cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn về thanh khoản, từng bước đi vào ổn định.