CB đề cao mục tiêu phát triển nhưng không thỏa hiệp với tăng trưởng “nóng”

CB đề cao mục tiêu phát triển nhưng không thỏa hiệp với tăng trưởng “nóng”

Ngân hàng Xây dựng 9 năm “vượt sóng cả”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2015, Ngân hàng Xây dựng (CB) đánh dấu sự chuyển đổi của mô hình hoạt động từ ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân sang thuộc sở hữu 100% vốn Nhà nước, với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank. Từ đây, mở ra cơ hội và cũng là thách thức rất lớn đối với CB. Đến nay, CB đã “vượt sóng cả” và gặt hái được những thành công ban đầu.

Đổi mới toàn diện

Tái cơ cấu luôn là một bài toán khó với các doanh nghiệp và đặc biệt khó với ngân hàng. Với CB, chặng đường tái cơ cấu vô cùng gian nan, khi bảng cơ cấu nợ xấu hầu hết là những món nợ lớn, nợ đại án. Trong khi đó, có rất nhiều vấn đề liên quan đến xử lý ngân hàng mua bắt buộc, thậm chí chưa có tiền lệ trong chính sách, hành lang pháp lý. Để đưa Ngân hàng trở về xuất phát điểm như một ngân hàng thương mại bình thường đã khó, để hoạt động hiệu quả, chắt chiu được lợi nhuận sẽ còn khó hơn nữa.

So với thời điểm năm 2015, có thể dùng từ “đổi mới toàn diện” để nói về CB hôm nay. Còn nhớ, tại thời điểm bị mua bắt buộc, CB đối diện với bộn bề khó khăn, từ nguy cơ mất thanh khoản, các hoạt động kinh doanh hầu như đóng băng, những tin tức tiêu cực liên quan đến các vụ đại án từ ngân hàng “tiền nhiệm”…

Với sự chỉ đạo sát sao từ Ngân hàng Nhà nước, các cấp thẩm quyền và sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank, năm 2022 là năm đầu tiên kể từ khi tái cơ cấu, CB chính thức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch kinh doanh và đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu.

Đáng nói là, từ chỗ yếu kém về công nghệ, CB đã tự phát triển, đưa công nghệ vào quản trị hệ thống, đưa ứng dụng ngân hàng số app CBway đến người dùng với đầy đủ tính năng eKYC, các tiện ích và đang hoàn chỉnh những mắt xích cuối nâng cấp hệ thống core banking… Trong điều kiện của ngân hàng tái cơ cấu đầy khó khăn, việc nâng cấp hệ thống công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số là nỗ lực rất lớn của Ngân hàng.

Bước vào năm thứ 9 tái cơ cấu, CB đã đổi mới toàn diện

Bước vào năm thứ 9 tái cơ cấu, CB đã đổi mới toàn diện

Chú trọng chiến lược quản trị rủi ro

Đặc thù của hoạt động ngân hàng là kinh doanh rủi ro. Với những ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu như CB, có thể nói, quản trị rủi ro là yếu tố quyết định sự “sống còn”. Vì thế, mọi quy trình tại Ngân hàng đều có sự giám sát chéo của các bộ phận. Đơn cử, quy trình cho vay tại CB được xây dựng một cách rõ ràng, chặt chẽ với khẩu vị rủi ro được xác định cụ thể. Quy trình ra quyết định phê duyệt cho vay được tổ chức 100% tại Hội sở. Các chi nhánh chỉ có chức năng bán hàng, nhằm hạn chế rủi ro thông qua chuyên môn hóa chức năng, nhiệm vụ từng vị trí tham gia vào quy trình cho vay.

Đặc biệt, CB ứng dụng hoàn toàn công nghệ vào quy trình tín dụng. Cụ thể, các khoản vay tại CB được thực hiện 100% thông qua hệ thống khởi tạo/phê duyệt khoản vay (LOS) - hiện không phải tổ chức tín dụng nào ở Việt Nam cũng có thể áp dụng thành công. Đồng thời, CB cũng có đầy đủ các ứng dụng quản trị hệ thống nội bộ và đã vận hành trên 5 năm như hệ thống quản lý công việc (Eoffice), quản lý bán hàng (CBChoice), hệ thống quản lý rủi ro hoạt động (ORM), hệ thống quản lý tài sản đảm bảo (Collateral), hệ thống theo dõi thu hồi nợ (Collection), hệ thống quản lý nhân sự (HRM)…, qua đó nâng cao khả năng điều hành, quản lý hoạt động nói chung song song với công tác quản trị rủi ro.

Tập trung chuyển đổi số, phát triển bền vững

Phát triển kinh doanh theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước, bám sát các mục tiêu an toàn thanh khoản, tích lũy giá trị và đa dạng hóa nguồn thu luôn là “kim chỉ nam” trong quá trình hoạt động của CB.

Nếu năm 2022 là năm bản lề CB hoàn thành các chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao thì năm 2023, cùng với các công tác triển khai theo tiến độ được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo để chuyển giao bắt buộc về Vietcombank, CB tiếp tục đặt mục tiêu duy trì đà tăng trưởng ổn định ở tất cả các khối kinh doanh bán buôn, bán lẻ, kinh doanh vốn, công nợ… Đồng thời, CB tiếp tục tập trung vào hoạt động chuyển đổi số; trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đưa các sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng lên môi trường số.

Song song đó, CB đề cao mục tiêu phát triển nhưng không thỏa hiệp với tăng trưởng “nóng”. Các chính sách, hành lang pháp lý, quy trình quản trị rủi ro với sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ sẽ tăng cường kiểm soát hệ số rủi ro theo quy mô kinh doanh.

Năm nay, CB kiên định với các mục tiêu kinh doanh như: số dư huy động dự kiến tăng ròng 10.000 tỷ đồng, giữ vững số dư 5.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng năm 2022 và tăng ròng trên 5.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng năm 2023. Quý đầu năm, Ngân hàng đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra trong quý, bước khởi đầu triển vọng cho việc thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2023.

Mục tiêu cao đồng nghĩa với quy mô lớn, tức là sẽ có nhiều sản phẩm và khách hàng hơn. Vì thế, thông điệp chủ đạo trong quản trị CB ở cấp cao nhất là phát triển nhưng phải bền vững, đảm bảo hiệu quả và quản trị rủi ro an toàn.

Tin bài liên quan