Dịch vụ thanh toán qua thẻ là một trong những trọng tâm của “cuộc chiến” CASA

Dịch vụ thanh toán qua thẻ là một trong những trọng tâm của “cuộc chiến” CASA

Ngân hàng với cuộc chiến CASA

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc cạnh tranh về thị phần CASA (tiền gửi không kỳ hạn) sẽ khốc liệt khi các ông lớn đồng loạt giảm phí dịch vụ.

CASA của các ngân hàng tăng mạnh

Với các ngân hàng, việc thu hút được tỷ lệ cao tiền gửi không kỳ hạn đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo ra một nguồn vốn giá rẻ, nếu ngân hàng có thể duy trì được lượng tiền gửi không kỳ hạn tăng trưởng tốt so với tổng huy động thì sẽ có khả năng bù đắp cho việc tăng chi phí từ huy động có kỳ hạn và phát hành trái phiếu. Điều này giúp các ngân hàng có cơ hội mở rộng biên lợi nhuận dù tăng chi phí huy động. Thế nên, ngân hàng nào có tỷ lệ CASA càng tăng thì sẽ có lợi thế cạnh tranh càng cao. Bởi thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở quanh mức 0,2%/năm.

Nếu như nhiều năm trước, các ngân hàng thương mại cổ phần có yếu tố Nhà nước luôn ở tốp đầu trong huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) thì vài năm trở lại đây, cuộc đua này đã chứng kiến những cuộc “soán ngôi” của các ngân hàng tư nhân.

Tính đến thời điểm này, Techcombank là ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống, đạt 50,5% với số dư CASA đạt 158.900 tỷ đồng, chủ yếu do CASA từ khách hàng cá nhân tăng 30,8% so với cuối năm ngoái.

Trong năm 2021, tổng tiền gửi khách hàng của MB tăng 23,7% lên 384.692 tỷ đồng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn tăng gấp rưỡi lên 171.396 tỷ đồng, là một trong những ngân hàng có tăng trưởng mạnh nhất. Bên cạnh đó, tiền gửi ký quỹ cũng tăng vọt 66%, lên 11.728 tỷ đồng, tiền gửi vốn chuyên dùng ở mức 4.388 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ CASA của ngân hàng này ở mức 49%, tăng mạnh so với mức 41% cuối năm 2020. Đây cũng là mức cao nhất về CASA mà MB đạt được từ trước đến nay và gần đuổi kịp Techcombank.

Tiếp đến là Vietcombank có tỷ lệ CASA đạt 32,2%, tăng 3,3%. Tuy nhiên, đây vẫn là ngân hàng có tiền gửi không kỳ hạn cao nhất hệ thống. Tính đến cuối năm 2021, tiền gửi thanh toán tại ngân hàng này đạt 367.149 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cuối năm 2020. Tiền gửi vốn chuyên dùng và tiền gửi cũng có tăng trưởng ấn tượng, lần lượt tăng 16% và 52%, lên 31.642 tỷ đồng và 6.309 tỷ đồng.

Trước khi Techcombank vươn lên mạnh mẽ về CASA trong vài năm trở lại đây, 4 năm trước, MB và Vietcombank luôn là những nhà băng dẫn đầu với những lợi thế vượt trội. Năm 2019, tỷ lệ CASA tại Vietcombank, Techcombank, MB ở quanh mức 30%. Đến năm 2020, Techcombank bất ngờ bứt tốc vượt xa hai thành viên còn lại trong Top 3, với tỷ lệ CASA lên tới 46,1%.

Một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ CASA cao trong năm qua như: MSB đạt 36%, VietinBank đạt 20%, VIB đạt trên 16% (năm 2020 tỷ lệ này là 11%).

Cuộc đua ngày càng khốc liệt

Tổng giám đốc Techcombank - ông Jens Lottner cho biết, mặc dù phải hy sinh lợi nhuận để giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhưng nhờ chiến lược đẩy mạnh huy động tiền gửi không kỳ hạn, với chi phí vốn thấp nên Ngân hàng vẫn giữ được mức tăng trưởng lợi nhuận cao.

Ngân hàng nào có tỷ lệ CASA càng cao càng có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay và có nhiều cơ hội cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, hơn 11.500 tỷ đồng dư nợ đã được Techcombank tái cấu trúc cho khách hàng, đồng thời hỗ trợ khách hàng thông qua giảm lãi suất lên tới 600 tỷ đồng trong năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng vẫn vượt 1 tỷ USD, tăng 45%.

Nói về chiến lược 5 năm của Techcombank, từ 2021 - 2025, ông Jens Lottner cho biết, Ngân hàng sẽ tập trung vào nguồn vốn rẻ, đặc biệt là tăng trưởng CASA.

“Mức CASA 50,5% vừa đạt được trong năm 2021 chưa phải là đỉnh, mục tiêu CASA của Techcombank lên tới 55% và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới”, Tổng giám đốc Techcombank cho biết.

Tuy nhiên, để duy trì CASA tăng dài hạn trong bối cảnh cạnh tranh với các ngân hàng khác, theo ông Jens Lottner, Ngân hàng cần phải đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, đưa ra các sản phẩm dịch vụ bám sát nhu cầu của khách hàng. Techcombank sẽ cập nhật đổi mới ứng dụng cho dịch vụ mobile banking đối với khách hàng cá nhân, đồng thời ra mắt ứng dụng mobile banking cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào đầu năm 2022.

Lãnh đạo Techcombank chia sẻ thêm, Ngân hàng sẽ quản lý chi phí cùng với việc áp dụng điện toán đám mây, đầu tư vào công nghệ để đưa ra những đổi mới về nền tảng. Chiến lược của Techcombank là đẩy mạnh giao dịch trực tuyến cho khách hàng, eKYC. Tỷ lệ giao dịch của NAPAS đóng góp vào giao dịch Techcombank khoảng 30% so với mức 20 - 23% trước đây.

Tính đến thời điểm này, Techcombank là ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống

Tính đến thời điểm này, Techcombank là ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống

Bên cạnh đó, cũng thông qua chi phí nguồn vốn thấp, tăng tỷ lệ CASA và kiểm soát chi phí vốn nên một số ngân hàng khác cũng ghi nhận kết quả tích cực.

Tại ACB, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, lợi nhuận hợp nhất quý I/2022 ước đạt khoảng 4.200 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.

Đến hết quý I/2022, tín dụng ngân hàng này tăng 5,2% so với đầu năm, huy động tăng 1,6%, tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) đạt 27%, mảng dịch vụ và bảo hiểm đều tăng trưởng tốt, thu nhập ngoài lãi đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, bancassurance dẫn đầu thị trường.

“Hiện tỷ lệ CASA của Ngân hàng khoảng 24%. Với lợi thế về ngân hàng số, mục tiêu cuối năm CASA khoảng 28 - 29% là khả thi. Trong năm nay, Ngân hàng phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 16% (đầu năm NHNN giao chỉ tiêu 10%), phí dịch vụ, bancassurance tăng trưởng tốt. Tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0,74%, bao phủ nợ xấu khoảng 200%”, ông Phát cho biết thêm.

CASA có chi phí vốn gần như bằng 0, khiến ngân hàng đẩy mạnh đầu tư hệ thống thanh toán hiện đại, nhằm thu hút và giữ chân khách hàng dựa trên nền tảng số hóa. Thực tế cho thấy, ngân hàng nào có tỷ lệ CASA càng cao, càng có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay và có nhiều cơ hội cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần.

Do đó, ngay từ đầu năm 2022, các ngân hàng cổ phần lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank đã chính thức miễn phí toàn bộ trên ứng dụng ngân hàng số như phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền nội, ngoại mạng… Như vậy, cuộc đua “zero fee” đã có sự tham gia của nhóm “Big4” trong ngành ngân hàng và cả tư nhân.

Các chuyên gia đánh giá, cuộc cạnh tranh về CASA vẫn còn rất gay gắt trong thời gian tới, đặc biệt là khi các nhà băng mạnh tay miễn phí dịch vụ, đồng thời liên tục cập nhật các công nghệ mới để đem lại trải nghiệm tốt hơn trên ứng dụng ngân hàng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, nếu một ngân hàng không chú trọng phát triển dịch vụ số, kết nối được nhiều hệ sinh thái hơn phục vụ cho những nhu cầu phong phú của khách hàng thì tự khắc họ sẽ lựa chọn một ngân hàng khác có dịch vụ tốt hơn, hoặc rút tiền ra để đầu tư những kênh khác và CASA sẽ sụt giảm.

“Đặc biệt, ở những nhà băng có quy mô nhỏ, khó mà chạy đua tăng trưởng CASA cao như các ngân hàng lớn thì việc quan tâm tới chất lượng phục vụ khách hàng cũng sẽ là lợi thế cạnh tranh về CASA”, ông Hiếu nhấn mạnh thêm.

Tin bài liên quan