Ngân hàng Việt vẫn mỏng vốn, nợ xấu tiêu dùng tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Thế giới cho rằng, chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt vẫn đáng quan ngại, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của một số ngân hàng chỉ đạt 35%, trong khi nợ xấu có nguy cơ tăng.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhiều ngân hàng vẫn ở mức rất thấp.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhiều ngân hàng vẫn ở mức rất thấp.

CAR thấp, nợ xấu cho vay tiêu dùng và bất động sản tăng cao

Trong Báo cáo Điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 8/2022 vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2022, chính sách tiền tệ nới lỏng được duy trì giúp tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ, thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào.

Mặc dù vậy, chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn là một quan ngại và cần phải liên tục theo dõi. Nợ xấu nội bảng quý I/2022 vẫn ở mức thấp (1,53%) song nếu tính cả nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là 3,41%. Trong trường hợp tính cả nợ xầu tiềm ẩn từ các khoản nợ đã được tái cấu trúc, tỷ lệ nợ xấu điều chỉnh ước tính lên đến 5,76%.

Đáng chú ý, chất lượng tín dụng tiêu dùng có vẻ xấu đi đáng kể, với tỷ lệ nợ xấu tại các công ty tài chính tiêu dùng phi ngân hàng tăng vọt lên đến 9,6% trong năm 2021 so với 5,5% trong năm 2020.

Thời gian gần đây, dù nhiều ngân hàng thương mại nâng mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu, song theo nhận định của WB, tình trạng vốn mỏng ở các ngân hàng vẫn đang là vấn đề đáng lo ngại. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu bình quân trong tháng 12/2021 là 142% song ở một số ngân hàng chỉ đạt 35%.

Thực tế, theo khảo sát của Báo Đầu tư, báo cáo tài chính của một số ngân hàng quý II/2022 cho thấy, nhiều ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu dưới 100%. Đơn cử, PGBank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ 8,1%...

Cũng theo WB, dù tỷ lệ an toàn vốn bình quân (CAR) của hệ thống ngân hàng tăng nhẹ lên 11,47% trong quý I/2022 (so với 11,3% trong quý I2021) - cao hơn yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước - nhưng vẫn tương đối thấp. Tỷ lệ CAR ở một số ngân hàng chỉ cao hơn một chút so với yêu cầu tối thiểu

WB cũng cảnh báo, rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản có thể tăng trong bối cảnh huy động vốn thiếu minh bạch, bị định giá quá cao, phần nào do đầu cơ. Các biện pháp thắt chặt kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thắt chặt tín dụng bất động sản càng làm dấy lên quan ngại rằng rủi ro trên thị trường bất động sản có thể lan sang khu vực ngân hàng.

Chính sách nới lỏng phù hợp với hiện tại, song thắt chặt ngay nếu lạm phát vượt 4%

Theo WB, GDP Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, do xuất phát từ nền thấp năm 2021. Lạm phát bình quân dự kiến rơi vào khoảng 3,8% trong năm 2022 (sẽ tăng mạnh hơn nửa cuối năm 2022).

Trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng, có thể làm suy giảm quá trình phục hồi, nhất là về đầu tư và tiêu dùng tư nhân, các chuyên gia WB cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là phải cân bằng giữa chính sách hỗ trợ phục hồi áp lực kiềm chế lạm phát cũng như rủi ro tài chính đang phát sinh.

Riêng với chính sách tiền tệ, WB cho rằng, rủi ro lạm phát gia tăng đòi hỏi phải có chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Vì lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát và nền kinh tế vẫn nằm dưới mức tiềm năng, nên chính sách tiền tệ nới lỏng có lẽ vẫn phù hợp ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực - khi lạm phát cơ bản gia tốc và lạm phát toàn phần vượt chỉ tiêu 4% của Chính phủ - Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ để kìm áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt lại cung tiền. Các bước đó kết hợp với các biện pháp truyền thông rõ ràng và mang tính dự báo về quyết định chính sách tiền tệ là cách để giúp định hướng cho các thành viên thị trường, đồng thời đảm bảo neo giữ được kỳ vọng lạm phát.

Trong trung hạn, WB cho rằng, cần cải cách căn bản hơn nhằm tăng cường khung chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước theo hướng áp dụng chỉ tiêu lạm phát là cách để nâng cao hiệu quả và tác động truyền dẫn của chính sách tiền tệ. Các bước liên quan có thể bao gồm mở rộng các công cụ hiện có để quản lý thanh khoản cũng như tăng cường các biện pháp an toàn vĩ mô. Rủi ro tài chính phát sinh cũng cần được chủ động quản lý để nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng.

Chất lượng tài sản ngân hàng và nợ xấu bị khủng khoảng Covid-19 gây ảnh hưởng cần được theo dõi chặt chẽ. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường giám sát an toàn và đảm bảo các ngân hàng phải tuân thủ đầy đủ các quy định về dự phòng và báo cáo nợ xấu nhằm nâng cao khả năng chống chịu và năng lực hấp thụ lỗ của các ngân hàng. Biện pháp đó có thể được tăng cường qua tiếp tục triển khai Basel II nhằm hài hòa báo cáo về nợ xấu và dự phòng tổn thất vốn vay với các chuẩn mực quốc tế.

Nếu phát sinh thiếu vốn, các ngân hàng cần được yêu cầu xây dựng kế hoạch bổ sung vốn cụ thể và có thời hạn. Cơ chế xử lý tình trạng mất khả năng trả nợ của doanh nghiệp và cơ chế xử lý trong khu vực ngân hàng hiệu quả cũng có vai trò quan trọng nhằm xử lý tình trạng mất khả năng trả nợ.

Bên cạnh đó, điều quan trọng là cần tăng cường chiều sâu những cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ cho tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn, giúp cho nền kinh tế phát triển bao trùm hơn với khả năng chống chịu cao hơn.

Tin bài liên quan