Vốn ngoại không chỉ “chuộng” ngân hàng lớn
Theo tin của Báo Đầu tư, trong số 11 công ty cho thuê tài chính trên thị trường, chỉ có 8 công ty đang hoạt động và 2 công ty đang được các đối tác nước ngoài đàm phán mua lại. Như vậy, sau miếng bánh béo bở tài chính tiêu dùng, đến lượt các công ty cho thuê tài chính bắt đầu được các nhà đầu nước ngoài quan tâm.
Quy mô thị trường cho thuê tài chính nước ta còn nhỏ (dư nợ mới trên 10.000 tỷ đồng so với quy mô thị trường tài chính tiêu dùng gần 1 triệu tỷ đồng), song vì thế cũng đầy tiềm năng. Năm 2017, Cho thuê tài chính BIDV là công ty cho thuê tài chính đầu tiên bán thành công 49% vốn cho đối tác Nhật.
Việc nhà đầu tư ngoại quan tâm đổ vốn đang mang lại nhiều kỳ vọng lột xác cho các công ty cho thuê tài chính trong nước, vốn hoạt động kém hiệu quả, nhiều công ty rơi vào thua lỗ thời gian qua. Trước đó, các công ty tài chính ở nước ta cũng rơi vào tình trạng tương tự, song nhờ được các nhà đầu tư trong và ngoài nước rót vốn đã nhanh chóng tái cơ cấu, lột xác, như FE Credit, MB Shinsei…
Một số thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng diễn ra từ đầu năm đến nay:
- SeABank mua Công ty Tài chính Bưu điện.
- Công ty Thẻ Shinhan mua lại Công ty Tài chính Prudential.
- Lotte Card mua 100% vốn Techcombank Finance.
- Warburg Pincus rót 370 triệu USD mua cổ phần Techcombank.
Ngoài công ty tài chính, cho thuê tài chính, thời gian gần đây, các ngân hàng nhỏ cũng đang “đắt khách” dần trở lại sau một thời gian dài phải tự nỗ lực tái cơ cấu. Ngân hàng NCB cho biết, với tư vấn của một ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ, NCB đang tiến dần tới lộ trình bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.
“NCB báo cáo chủ trương này trong đề án gửi Ngân hàng Nhà nước và sẽ thực hiện lựa chọn đối tác tiềm năng trong số các nhà đầu tư đã gửi đề xuất để trình phương án trong kỳ Đại hội đồng cổ đông sắp tới”, đại diện NCB cho hay.
Ngoài NCB, cơ hội tìm đối tác của nhiều ngân hàng quy mô nhỏ trên thị trường cũng đang rộng mở. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, ngay cả các ngân hàng “0 đồng” cũng đã đi vào hoạt động ổn định, có ngân hàng đã có lãi và đang nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư nước ngoài.
Rõ ràng, ngoài các thương vụ phát hành vốn “khủng” để tăng vốn như Vietcombank, BIDV, Techcombank…, thị trường M&A đang nóng lên từng ngày bởi các thương vụ gọi vốn ngoại nhằm tái cơ cấu.
Thời điểm vàng để tái cơ cấu
Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm rót vốn vào các ngân hàng có nền tảng tài chính tốt như Vietcombank, BIDV, Techcombank, VPBank, HDBank, TPBank… không có gì khó hiểu. Tuy nhiên, việc một số nhà băng nhỏ hay công ty cho thuê tài chính cũng “đắt khách” cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường tài chính, ngân hàng Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ. Đây chính là cơ hội để các tổ chức tài chính đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.
“Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính. Do đó, các ngân hàng thương mại cần tranh thủ cơ hội dòng vốn đầu tư quốc tế đang tăng lên để bổ sung vốn chủ sở hữu cấp 1 và cấp 2, cải thiện nguồn lực tài chính, đáp ứng các chuẩn mực an toàn, chuẩn mực quản trị mới”, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến cáo.
Theo các chuyên gia kinh tế, hệ thống ngân hàng hồi phục mạnh mẽ hai năm gần đây, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng bán lẻ phát triển tốt, lợi nhuận tăng kỷ lục… đang khiến nhà đầu tư không còn “sợ” ngân hàng nhỏ Việt Nam như trước.
Bên cạnh đó, từ giữa tháng 1/2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực cũng mang lại sự hấp dẫn hơn cho các ngân hàng nhỏ này. Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, với dự luật trên, các ngân hàng yếu kém đang đứng trước cơ hội phục hồi lớn bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường.
“Tóm lại, nếu duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, cùng việc triển khai thực hiện nghiêm túc đề án tái cơ cấu ngân hàng và những nỗ lực kiên trì sáng tạo của các ngân hàng thương mại, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ đạt được mục tiêu, lộ trình đề ra”, TS. Nghĩa tin tưởng.