Tiêu chuẩn khắt khe
Basel III là chuẩn mực quản trị rủi ro uy tín, được áp dụng rộng rãi trên quốc tế và đang được hệ thống ngân hàng Việt Nam hướng tới. Tuy nhiên, chuẩn mực này có yêu cầu rất cao và khắt khe, đòi hỏi các ngân hàng Việt Nam phải nỗ lực mới có thể tuân thủ.
Theo đó, đối với cấu phần vốn, chuẩn mực Basel III đòi hỏi các ngân hàng phải đáp ứng đồng thời cả tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và các cấu phần vốn lõi, cùng các cấu phần vốn đệm dự phòng nhằm đảm bảo dự phòng vốn an toàn hoạt động. Ngoài ra,
Basel III còn đưa ra bộ chỉ số quản lý rủi ro thanh khoản bao gồm: Tỷ lệ đảm bảo thanh khoản (LCR), tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (NSFR) và tỷ lệ đòn bẩy (LR) để tăng sức chịu đựng thanh khoản của ngân hàng trước những kịch bản căng thẳng.
Cụ thể, Basel III yêu cầu các ngân hàng nắm giữ lượng vốn cao hơn và với chất lượng cao hơn nhằm bù đắp những thiệt hại không mong muốn. Điển hình như tỷ lệ vốn cấp 1 tăng từ 4% trong Basel II lên 6% trong Basel III; đồng thời, tỷ lệ vốn của cổ đông thường được tăng từ 2% lên 4%. Bên cạnh đó, Basel III cũng yêu cầu bổ sung phần vốn đệm dự phòng tài chính đảm bảo bằng vốn chủ sở hữu là 2,5% và tỷ lệ vốn đệm phòng ngừa sự suy giảm theo chu kỳ kinh tế có thể được thiết lập với tỷ lệ từ 0 - 2,5%, tùy theo từng quốc gia và phải được đảm bảo bằng vốn chủ sở hữu phổ thông.
Việc triển khai Basel III sẽ tạo khung quản trị rủi ro vững chắc, giúp cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng phát triển bền vững trong giai đoạn chiến lược sắp tới.
Như vậy, để áp dụng Basel III, các ngân hàng phải chuẩn bị một lượng vốn dồi dào, chấp nhận một mức đệm dự phòng lớn hơn. Việc này sẽ giúp ngân hàng đảm bảo thanh khoản, có đủ đệm vốn dự trữ chống chịu được các biến động bất thường của thị trường. Đồng thời, qua đó cũng nâng cao được vị thế và uy tín cho ngân hàng. Nhờ vậy, có thể dễ dàng tiếp cận thị trường vốn quốc tế.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, Basel III có những quy định nghiêm ngặt hơn nhằm hạn chế tối đa rủi ro khi khủng hoảng xảy ra, đồng thời giúp ngân hàng cải thiện xếp hạng tín nhiệm và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo đó, ngoài nâng tỷ trọng và chất lượng vốn, Basel III còn nâng cao khả năng nắm bắt rủi ro, trong đó tăng đáng kể yêu cầu về vốn để đối phó với rủi ro thị trường, được tính toán đề phòng áp lực thị trường trong 12 tháng. Đồng thời, Basel III cũng yêu cầu các ngân hàng phải duy trì đủ lượng tài sản có khả năng chuyển đổi sang tiền mặt trong 30 ngày vào thời kỳ khó khăn...
Những nhà băng đã chạm Basel III
Tại Việt Nam, hiện có trên 20 ngân hàng thương mại triển khai Basel II theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thực tế, khung pháp lý của Việt Nam mới chỉ khuyến khích Basel II, vì Basel III có những yêu cầu cao hơn và khắt khe hơn.
Cụ thể, Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng năm 2030 nêu rõ, đến năm 2020, các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II. Đến năm 2025, tất cả ngân hàng thương mại áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm Basel II theo phương pháp nâng cao.
Đối với Basel III, hiện chưa có bất kỳ quy định nào bắt buộc phải áp dụng toàn bộ tiêu chuẩn này cho các ngân hàng ở Việt Nam. Tuy nhiên, một số ngân hàng thương mại đã tiên phong trong việc triển khai Basel III, vì việc tuân thủ các chuẩn mực Basel có ý nghĩa quan trọng với các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, khi NHNN sẽ ưu tiên xét duyệt room tín dụng cho những ngân hàng dồi dào vốn chủ sở hữu, CAR cao, năng lực quản trị rủi ro tốt hơn (thể hiện qua việc thực hiện Basel II, Basel III, IFRS 9…). Ngoài ra, điều này còn giúp ngân hàng cải thiện xếp hạng tín nhiệm và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Chẳng hạn, VIB đã triển khai áp dụng các chỉ số quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel III từ năm 2020. Giữa tháng 6/2021, HDBank thông báo đã triển khai việc nâng cấp áp dụng tiêu chuẩn Basel II lên Basel III. TPBank, MSB tuyên bố đã hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III vào cuối năm 2021. Sau đó, ngày 24/2/2022, Nam A Bank cũng công bố triển khai và áp dụng các yêu cầu quản trị rủi ro theo Basel III, sau khi được công nhận tuân thủ cả 3 trụ cột theo chuẩn mực Basel II vào cuối năm 2021.
Tương tự, SeABank công bố kết quả triển khai và áp dụng các chuẩn mực Basel III vào hoạt động kinh doanh cũng như hoạt động quản trị rủi ro của Ngân hàng vào tháng 5/2022. Việc trở thành một trong số ít ngân hàng tại Việt Nam triển khai và áp dụng Basel III giúp SeABank nâng cao năng lực quản trị, lành mạnh tài chính và minh bạch trong quản lý rủi ro. Hay vào ngày 7/12/2022, ACB công bố chính thức hoàn thành triển khai các nội dung trọng yếu ILAAP và chuẩn mực
Basel III - một trong những chuẩn mực yêu cầu cao về vốn và quản trị rủi ro thanh khoản. Với thành công này, ACB tiếp tục nâng cao mức độ của bộ tiêu chuẩn về quản lý rủi ro.
Mới đây nhất, ngày 22/12/2022, LPBank đã công bố hoàn thành Chuẩn mực quản trị rủi ro Basel III và Chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS 9, trở thành một trong các tổ chức tín dụng tại Việt Nam áp dụng đồng thời hai chuẩn mực quản trị rủi ro và báo cáo tài chính quốc tế khắt khe trong lĩnh vực ngân hàng trên toàn thế giới.
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, việc chủ động triển khai và áp dụng Basel III là bước đi nhằm thực hiện cam kết của Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc Ngân hàng trong nhiều năm qua là luôn ưu tiên áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động quản lý, kinh doanh của Ngân hàng. Việc ứng dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế sớm là trách nhiệm của Nam A Bank.
Cũng theo ông Tâm, việc triển khai và áp dụng Basel III sẽ tạo khung quản trị rủi ro vững chắc, giúp cho hoạt động kinh doanh của Ngân hàng phát triển bền vững trong giai đoạn chiến lược sắp tới.
Nhờ chú trọng quản trị rủi ro mà những ngân hàng đi đầu trong triển khai Basel II, Basel III, IFRS đang là những ngân hàng thuộc Top đầu về khả năng sinh lời, Top đầu về chất lượng tài sản và được xếp hạng cao không chỉ trong nước mà quốc tế.
Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn từ việc áp dụng IFRS hay Basel III, nhưng việc thực hiện các tiêu chuẩn khắt khe lại không dễ dàng với phần lớn các ngân hàng Việt Nam. Điều này thể hiện, sau hơn 12 năm ban hành Hiệp ước Basel III, chỉ một số ít ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã triển khai và áp dụng thành công một hoặc cả hai tiêu chuẩn này hoặc đang trong quá trình áp dụng.
Một số rào cản đối với ngân hàng thương mại Việt Nam khi triển khai thực hiện Basel III được các chuyên gia tài chính chỉ ra là, cần một lượng vốn dồi dào, chấp nhận mức đệm dự phòng lớn hơn để giảm rủi ro trong hoạt động. Đồng thời, Việt Nam đang thiếu một trung tâm dữ liệu ngân hàng chính xác, đáng tin cậy và được cập nhật thường xuyên. Do đó, để áp dụng thành công các trụ cột Basel III, đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải có số liệu chính xác, đáng tin cậy và kịp thời.