NamABank vẫn đang trong kế hoạch chào bán cho cổ đông nước ngoài.

NamABank vẫn đang trong kế hoạch chào bán cho cổ đông nước ngoài.

Ngân hàng Việt ngày càng hấp dẫn vốn Nhật

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tài chính - ngân hàng Việt Nam luôn là lĩnh vực có sức hấp dẫn lớn với nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư Nhật Bản.

Những thương vụ tỷ USD

Ngân hàng SMBC (Nhật Bản) vừa rót 1,5 tỷ USD để mua 15% cổ phần VPBank, trở thành thương vụ có giá trị kỷ lục trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam từ trước tới nay, phá vỡ kỷ lục mà chính VPBank tạo ra trước đó. Năm ngoái, VPBank cũng đã có thương vụ kỷ lục với đối tác Nhật Bản khi bán 49% vốn FE Credit với giá trị gần 1,4 tỷ USD cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản. Các thương vụ tỷ đô này cho thấy, nhà đầu tư Nhật Bản rất lạc quan vào triển vọng kinh tế Việt Nam.

Ông Jun Ohta, Giám đốc điều hành SMBC khẳng định, Việt Nam là thị trường rất quan trọng trong chiến lược phát triển của tập đoàn này. Theo ông Ohta, mặc dù thế giới đang có nhiều bất ổn, song SMBC tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam, cũng như tin rằng, VPBank sẽ trở thành ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam trong tương lai và SMBC cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện để VPBank đạt mục tiêu này.

Với thương vụ này, VPBank trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam. Trong khi đó, thông qua VPBank, SMBC cũng có thể tăng cường sự hiện diện và mở ra cơ hội cung cấp vốn cho các dự án đầu tư lớn tại Việt Nam.

Nhiều năm qua, nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN luôn tìm kiếm cơ hội đặt chân vào thị trường ngân hàng Việt Nam. Hiện Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam. Ba ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản là Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, Mizuho và SMBC đều đã trở thành cổ đông chiến lược tại 3 ngân hàng lớn của Việt Nam là VietinBank, Vietcombank và VPBank. Ngoài ra, một ngân hàng khác của Nhật Bản là Aozora đã mua lại 15% cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài của Ngân hàng Phương Đông (OCB) trong năm 2021.

Ngoài các thương vụ lớn có sự góp mặt của các nhà đầu tư Nhật Bản trên, SHB và đối tác Krungsri (tập đoàn tài chính lớn thứ 5 của Thái Lan về tổng tài sản) cũng đang hoàn tất các thủ tục hành chính cuối cùng trong thương vụ bán SHB Finance. Dự kiến, đối tác sẽ trả 50% giá trị thương vụ cho SHB, 50% còn lại sẽ thanh toán vào 3 năm sau.

Ông Yoshizawa Toshiki, thành viên HĐQT OCB cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu các ngân yếu kém, đây chính là cơ hội để cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này. Trong đó, các ngân hàng cỡ trung và vừa của Nhật Bản đang tìm hiểu nhiều về thị trường tài chính Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán - sáp nhập (M&A) xuyên quốc gia của RECOF Corp (Nhật Bản) cho biết thêm, các tổ chức tài chính lớn ở các nền kinh tế phát triển trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đang phải đối mặt với những thách thức ở trong nước, bao gồm việc dân số giảm, tiềm năng tăng trưởng hạn chế và chính sách lãi suất thấp.

Ảnh tác giả

Các tổ chức tài chính Nhật Bản với sự vượt trội trong công nghệ tín dụng, sản phẩm, kinh nghiệm quản lý, đã góp phần giúp các ngân hàng Việt Nam nâng cao năng lực công nghệ, năng suất lao động, quản trị doanh nghiệp.

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu M&A xuyên quốc gia, RECOF Corporation

Do đó, các tổ chức này đang nỗ lực thực hiện các hoạt động M&A xuyên quốc gia, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, nhằm tìm kiếm sự tăng trưởng trong dài hạn. Trong đó, nhờ nền tảng kinh tế xã hội vững chắc, tăng trưởng nhanh, ổn định chính trị và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với các tập đoàn tài chính nước ngoài, nhất là các tập đoàn tài chính Nhật Bản.

Nguồn vốn Nhật Bản đổ vào Việt Nam những năm qua đã góp phần giúp các tổ chức tài chính trong nước cải thiện việc quản lý nợ xấu, tăng tỷ lệ an toàn vốn và đẩy nhanh việc áp dụng các tiêu chuẩn Basel. Ngoài ra, theo ông Sam, các tổ chức tài chính Nhật Bản với sự vượt trội trong công nghệ tín dụng, sản phẩm, kinh nghiệm quản lý, đã góp phần giúp các ngân hàng trong nước nâng cao năng lực công nghệ, năng suất lao động, quản trị doanh nghiệp và rộng hơn là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Thúc đẩy làn sóng M&A ngân hàng

Giám đốc RECOF Corporation cho rằng, sự tăng trưởng nhanh trong hoạt động M&A toàn cầu là điều khó có thể xảy ra trong tương lai gần do những biến động của thị trường chứng khoán, việc lãi suất tăng cao, cũng như bất ổn trong nền kinh tế hiện nay. Đối với các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, trong hơn một thập kỷ qua, cả 3 ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản đều đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của những ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Việc này khiến các ngân hàng và định chế tài chính khác của Nhật Bản có thể gặp khó khăn trong việc bắt kịp thị trường.

Tuy nhiên, khi lĩnh vực tài chính tại Việt Nam còn rất nhiều dư địa tăng trưởng, RECOF Corp dự đoán rằng, các nhà bán lẻ Nhật Bản, chẳng hạn như các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, có sự liên quan chặt chẽ đến ngành tài chính tiêu dùng tại Nhật Bản, sẽ tìm cách thiết lập và phát triển hoạt động tài chính của mình tại thị trường Việt Nam, dựa trên chuỗi cửa hàng bán lẻ đang tăng trưởng của họ.

“Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực từng bước tái cấu trúc ngành tài chính - ngân hàng. Do đó, các ngân hàng yếu kém và ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu sẽ khó tránh khỏi việc M&A”, ông Sam đánh giá và cho biết, Việt Nam dùng nhiều chiến lược, giải pháp khác nhau trong việc tái cơ cấu ngành ngân hàng, trong đó có những chiến lược được cho là cách ít tốn kém nhất. Tuy nhiên, các giai đoạn đầu tiên của quá trình tái cấu trúc có thể không làm tăng hiệu quả hoạt động của các ngân hàng ngay lập tức, mà mọi thứ cần có thời gian.

Ngoài thương vụ kể trên, thị trường M&A ngân hàng năm nay dự kiến tiếp tục sôi động với các thương vụ chuyển nhượng bắt buộc OceanBank, CB, DongABank, GP Bank, bên cạnh các thương vụ thoái vốn của Petrolimex tại PGBank (đã thực hiện ngày 7/4 vừa qua), hay VNPost tại LienVietPostBank.

Trong đó, sau khi Petrolimex thoái vốn, room ngoại của PGBank sẽ được mở lại lên 28% (trước đó bị giới hạn ở mức 2% để đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia đợt thoái vốn của Petrolimex). Đây là cơ hội tốt cho nhà đầu tư ngoại trong việc đặt chân vào thị trường Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch PGBank kỳ vọng, với sự xuất hiện của nhà đầu tư mới, cùng với xu hướng phát triển của ngành ngân hàng, PGBank sẽ có bước phát triển đột phá hơn.

Ngoài PGBank, hiện vẫn còn khá nhiều ngân hàng trống room vốn ngoại như SHB, LPBank, SeABank, Bac A Bank, Nam A Bank, KienLongBank, VietABank, VietBank… Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, một loạt ngân hàng như SHB, SeABank, NamABank… cho biết, vẫn đang trong kế hoạch chào bán cho cổ đông nước ngoài.

Theo đánh giá của ông Yoshizawa Toshiki, làn sóng M&A sẽ tăng trưởng rất mạnh sau giai đoạn ảnh hưởng do Covid vừa qua. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp Nhật Bản muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, họ phải thực sự hiểu, nhìn tận mắt hoặc là gặp trực tiếp các đối tác Việt Nam rồi mới quyết định đầu tư.

“Cũng như chúng tôi khi đầu tư vào OCB, đã phải có rất nhiều cuộc họp trực tiếp với Ban lãnh đạo của OCB, tìm được tiếng nói chung thì mới đi đến quyết định đầu tư. Các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm tới thị trường Việt Nam và Aozora đang hỗ trợ rất nhiều đối tác Nhật Bản sang tìm hiểu cơ hội tại Việt Nam”, ông Toshiki cho hay.

Các chuyên gia đánh giá, bức tranh kinh tế vĩ mô cho thấy còn nhiều biến động phức tạp trong ngắn hạn, không chỉ đối với thị trường tài chính ở Việt Nam, mà còn ở tầm khu vực và trên toàn cầu do môi trường lãi suất cao, lạm phát kéo dài. Tuy nhiên, dù những thách thức đang hiện hữu, nhưng M&A lĩnh vực tài chính ngân hàng của Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng tốt trong dài hạn, bởi các động lực tăng trưởng chính vẫn còn và quá trình chuyển đổi số trong ngành sẽ thúc đẩy hoạt động M&A nhiều hơn nữa.

Tin bài liên quan