Ngân hàng Việt Nam: Tâm thế mới trong “bối cảnh bình thường mới”

(ĐTCK) Một bối cảnh bình thường mới đang hình thành trong đời sống và hoạt động kinh doanh khi Việt Nam cơ bản khống chế được đại dịch Covid-19. Xác định một hướng đi chắc chắn, thích ứng nhanh với tình huống mới của tổ chức mình để vững trụ đỡ cho các khách hàng và cả nền kinh tế là điều mà các lãnh đạo ngân hàng xác định trong cuộc trao đổi với Đặc san Toàn cảnh ngân hàng 2020.  

Đưa giá trị “Ngân hàng vì cộng đồng” làm kim chỉ nam

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc SCB.

Trong năm 2020, SCB tập trung nguồn lực để cơ cấu lại hoạt động tín dụng và nâng cao năng lực tài chính; đầu tư nền tảng công nghệ, nhân sự và phát triển hệ thống khách hàng để tích tụ nguồn lực phát triển Ngân hàng bán lẻ và Ngân hàng số trong tương lai.

Với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng có tốc độ tăng trưởng doanh thu mỗi năm tối thiểu 30% và lấy hệ thống trải nghiệm khách hàng làm nền tảng, SCB đã có kế hoạch chuyên môn hóa mô hình kinh doanh.

Trong đó bao gồm: Một là, tổ chức mô hình kinh doanh với bộ máy độc lập cho hai mảng hoạt động bán lẻ và doanh nghiệp; Hai là, tập trung phát triển dịch vụ khách hàng cao cấp; Ba là, triển khai kênh kinh doanh trực tiếp.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đặt mục tiêu trở thành ngân hàng có chất lượng dịch vụ và quản trị trải nghiệm hàng đầu, tương xứng với vị thế Top 5 về quy mô tổng tài sản.

Vị thế này chính là tài sản quý giá để SCB phát triển chiều sâu trong những năm tiếp theo, chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm 2020 - 2025 với nhận diện hoàn toàn khác biệt trên thị trường, một sự chuyển đổi đột phá của SCB. Đó là SCB - Ngân hàng vì cộng đồng.

Chúng tôi cam kết thúc đẩy, đưa giá trị “Ngân hàng vì cộng đồng” làm kim chỉ nam cho các hoạt động điều hành và phát triển kinh doanh, cùng với khách hàng, đối tác và cán bộ nhân viên kiến tạo giá trị tương lai bền vững.

Đồng hành phát triển bền vững

Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LienVietPostBank.

Toàn hệ thống ngân hàng đang rất quyết liệt triển khai những bước đi quan trọng, chủ động và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho  khách hàng.

LienVietPostBank đã, đang và tiếp tục kế hoạch đồng hành, chia sẻ khó khăn với các khách hàng bị tác động từ dịch Covid-19 như: cho vay ưu đãi tiếp sức sản xuất - kinh doanh với lãi suất giảm 0,5% so với lãi suất thông thường; gói hỗ trợ đặc biệt trị giá 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ưu đãi giảm mạnh tới 2%/năm áp dụng cho cả các khoản vay mới và các khoản vay hiện hữu của khách hàng bị sụt giảm doanh thu/thu nhập…

Đồng thời với đó, Ngân hàng chú trọng đầu tư củng cố và nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm an toàn hoạt động, nhanh nhạy điều chỉnh theo diễn biến thị trường.

Hơn thế, phát huy thế mạnh vốn có về mạng lưới, cung cấp các sản phẩm dịch vụ bán lẻ được thiết kế chuyên biệt, phù hợp với từng khu vực địa lý, từng phân khúc khách hàng.

Thúc đẩy hoạt động dịch vụ, cơ cấu lại danh mục tín dụng, đẩy mạnh bán lẻ, đặc biệt tập trung nhóm khách hàng nông nghiệp nông thôn, sản xuất - kinh doanh thuộc các lĩnh vực ưu tiên.

Với nền tảng 12 năm phát triển liên tục, Ban lãnh đạo LienVietPostBank tin tưởng, dù năm 2020 đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nhưng Ngân hàng vẫn đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh ổn định, tuân thủ các chỉ đạo, quy định của NHNN, đồng hành cùng khách hàng vượt khó, phát triển bền vững.

Cắt giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ khách hàng

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank.

Để thích ứng với bối cảnh mới, Agribank đã xây dựng nhiều kịch bản theo diễn biến của dịch 

Covid-19 và đánh giá mức độ tác động đối với dư nợ hiện tại cũng như khả năng phát sinh nợ xấu tại Ngân hàng. Chúng tôi đang giám sát và bám sát diễn biến của từng khoản nợ vay.

Đồng thời, Agribank cũng đã đánh giá được mức độ ảnh hưởng của khách hàng đến thời điểm hiện tại. Từ đó, các kịch bản về tài chính của Ngân hàng đã được xây dựng theo hướng linh hoạt, tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Cụ thể, trong các kịch bản đã xây dựng, Ngân hàng đã lường trước những khả năng có thể xảy ra để có kế hoạch hành đồng tương ứng.

Theo đó, thứ nhất, Agribank xác định nợ xấu rất có thể sẽ tăng so với kế hoạch đã đề ra. Thứ hai, Agribank đã xây dựng nhiều phương án tài chính khác nhau, trong đó có cắt giảm các khoản chi phí như chi phí hoạt động để có thể hỗ trợ khách hàng nhiều hơn như hỗ trợ về lãi suất cho vay hay phí dịch vụ thanh toán.

Thứ ba, Agribank cũng xác định phải làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ nhân viên Ngân hàng về chế độ lương thưởng, bởi các chế độ này cũng có những điều chỉnh để chia sẻ khó khăn chung với nền kinh tế.

Trong hoạt động hỗ trợ khách hàng, Agribank kỳ vọng nhiều vào chính sách cơ cấu lại nợ và điều chỉnh giảm lãi tiền vay.

Chúng tôi xác định, đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, việc duy trì được dòng tiền để có thể trở lại hoạt động và khách hàng sau khi cơ cấu được các khoản nợ thì vẫn có khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng do không bị chuyển nhóm nợ xấu.

Như vậy, doanh nghiệp sẽ có cơ hội phục hồi trong tương lai. Và các chính sách này sẽ được Ngân hàng tiếp tục duy trì trong thời gian tới, bởi diễn biến dịch bệnh vẫn còn tương đối khó lường.

Có thể nói, kết quả kinh doanh 2020 không chỉ của Agribank mà các ngân hàng sẽ là một câu hỏi lớn. Chúng tôi rất mong, dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam sẽ sớm được ngăn chặn, đẩy lùi để các hoạt động của doanh nghiệp, cá  nhân, đặc biệt là hoạt động du lịch và giao thương, tiêu thụ hàng nông sản, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ trở lại bình thường. Như vậy, dòng vốn của ngân hàng mới không bị nghẽn và tín dụng sẽ tăng trưởng, phục hồi trở lại.

Cần đơn giản hóa thủ tục cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank.

Hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, TPBank đã ban hành các chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách giải ngân mới với tổng dư nợ lên tới 14.000 tỷ đồng với lãi suất giảm 1,5 - 2,5%/năm so với lãi suất hiện hành.

Bên cạnh việc cơ cấu lại nợ, giãn nợ gốc và lãi cho khách hàng theo quy định, TPBank còn thực hiện giảm lãi suất từ 0,5 - 1%/năm với các khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch, với tổng số dư nợ có thể được xem xét lên tới 30.000 tỷ đồng.

Trước mắt, các biện pháp hỗ trợ này sẽ được áp dụng từ nay đến hết tháng 6/2020, sau đó sẽ tuỳ theo thực tế để xem xét triển khai tiếp.

Các thủ tục để tiếp cận các gói vay mới cũng như các việc xem xét cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi... sẽ được TPBank đơn giản hoá tối đa nhưng vẫn đúng quy định.

Ngoài ra, TPBank cũng vừa quyết định miễn toàn bộ phí giao dịch, chuyển tiền tại quầy và trên các kênh online, VTM/ATM đối với tất cả khách hàng doanh nghiệp SME và khách hàng cá nhân. Và TPBank cũng đã đóng góp 5 tỷ đồng cùng với NHNN để chung tay góp sức đẩy lùi dịch bệnh.

Thời gian qua, khối lượng hồ sơ phải xử lý trong việc cơ cấu lại nợ này rất lớn, đặc biệt những ngân hàng có dư nợ bán lẻ và khách hàng cá nhân nhiều.

Nếu như NHNN cho phép sử dụng thủ tục đơn giản, gọn nhẹ hơn, đồng thời được sử dụng các chứng từ điện tử, các kênh online hay các đề nghị của khách hàng thông qua email, thông qua các dữ liệu điện tử khác cho thủ tục đó cũng sẽ giúp cho ngân hàng thuận lợi hơn.

Trong giai đoạn vừa qua, nếu như ngân hàng nào chưa sẵn sàng nền tảng để triển khai eKYC và hoạt động trên kênh online thì mức độ ảnh hưởng rất lớn.

TPBank là ngân hàng ứng dụng công nghệ khá nhiều, trên kênh ngân hàng tự động, chúng tôi hiện có khoảng hơn 200 trạm LiveBank và thực tế là thời gian vừa rồi vẫn duy trì được hoạt động bình thường cho khách hàng trên các kênh này.

Để sớm thúc đẩy triển khai eKYC trong ngân hàng, theo tôi, rất cần sự hỗ trợ và phối hợp nhanh chóng, hiệu quả từ phía các bộ, ngành liên quan trong cung cấp và chia sẻ thông tin về dữ liệu dân cư.

Cần sự thấu hiểu, chia sẻ để cùng vượt khó

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank.

Chủ động đánh giá những tác động tiêu cực của dịch bệnh, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN); Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng như hệ thống NHTM đã triển khai có kết quả các giải pháp ứng phó với dịch Covid-19.

Đến cuối tháng 4/2020,VietinBank đã giải ngân cho hơn 6.000 khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh với doanh số giải ngân mới trên 130.000 tỷ đồng. Hạ lãi suất cho vay khách hàng, giảm từ 2 - 2,5%/năm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế.

Năm 2020, VietinBank dự kiến dành khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng từ cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất và giảm phí, đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Từ ngày 23/1/2020 đến nay, VietinBank đã giảm hơn 800 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ các khách hàng.

Về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng vay vốn. VietinBank thực hiện công khai, minh bạch thủ tục, điều kiện cơ cấu nợ; đơn giản hóa quy trình, hồ sơ cho vay.

Đến hết tháng 4/2020, VietinBank đã thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 1.500 khách hàng với dư nợ 50.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ đến hạn cần cơ cấu lại trên 5.000 tỷ đồng.

Cùng với đó là việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ quy trình, thủ tục, tăng khả năng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng đối với các doanh nghiệp và cá nhân; ứng dụng rộng rãi các giải pháp ngân hàng trên kênh điện tử, thuận tiện, an toàn, bảo mật; triển khai tích hợp thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp đa dạng các dịch vụ công không dùng tiền mặt cho người dân.

Đặc biệt là hệ thống ngân hàng đã triển khai đường dây nóng, các kênh thông tin trực tiếp để chủ động ghi nhận và giải quyết kịp thời những nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Đến nay, về cơ bản chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, nhưng tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Với độ mở kinh tế cao, dự báo kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn và ngành ngân hàng là một trong những ngành chịu tác động lớn nhất của dịch bệnh do sụt giảm nhu cầu tín dụng và khách hàng giảm khả năng trả nợ đến hạn, tăng nguy cơ phát sinh nợ xấu.

Vì vậy, VietinBank và các NHTM rất cần sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ từ các doanh nghiệp và sự hỗ trợ bằng các giải pháp, chính sách kịp thời của Chính phủ và các ngành, các cấp.

Củng cố nền tảng và tăng trưởng hiệu quả là ưu tiên hàng đầu

Đại diện VPBank

2019 là năm rất thành công của VPBank với chất lượng tài sản được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất xuống dưới 3%. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ là 2,18%. Đồng thời, ngân hàng mẹ đã tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu tại VAMC.

Huy động khách hàng vượt kế hoạch 8%, tăng trưởng 24% so với năm ngoái. Việc phát hành thành công trái phiếu quốc tế trị giá 300 triệu USD là một trong những điểm sáng, đưa VPBank trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên huy động được một lượng vốn lớn như vậy trên thị trường trái phiếu quốc tế.

Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng lần đầu tiên vượt mức 10.000 tỷ đồng (đạt 10.324 tỷ đồng), hoàn thành 109% kế hoạch đề ra.

Các khối kinh doanh trọng tâm tiếp tục khẳng định hướng đi đúng trong việc chọn lựa mô hình và phân khúc chiến lược, khi tỷ trọng lợi nhuận đến từ các khối chiến lược đã chiếm tới 66% tổng lợi nhuận hợp nhất (năm 2018 là 59%).

Bước sang năm 2020, nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn khi cuộc thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục ẩn chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên toàn cầu. Ngành ngân hàng cũng sẽ chịu những tác động trực diện từ những yếu tố trên.

Trong bối cảnh đó, VPBank đã đặt ra hai mục tiêu cơ bản cho năm 2020: Thứ nhất là tăng trưởng đi đôi với hiệu quả. Ngân hàng sẽ tiếp tục các nỗ lực duy trì tăng trưởng ở tất cả các khối kinh doanh, đặc biệt là các phân khúc chiến lược.

Chúng tôi xác định rõ tăng trưởng về quy mô (cho vay, huy động, doanh thu…) phải đi đôi với nâng cao hiệu quả (năng suất bán, hiệu suất vận hành, quản trị rủi ro…).

Trong giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, VPBank sẽ duy trì các hoạt động kinh doanh cốt lõi và đảm bảo sự hỗ trợ cho khách hàng, song song với việc theo sát diễn biến của xã hội nói chung và thị trường nói riêng để đưa ra các kịch bản ứng phó phù hợp.

Thứ hai là củng cố nền tảng. Cụ thể, Ngân hàng sẽ tập trung củng cố và nâng cấp các hệ thống nền tảng trọng yếu về công nghệ, vận hành và quản trị rủi ro…, nhằm tạo được sức bật phát triển trong tương lai.

Bên cạnh đó, xây dựng thành công một nền tảng ngân hàng số và hệ sinh thái hoàn chỉnh nhằm triển khai chiến lược Open Banking cũng sẽ là một ưu tiên. Qua đó, đem lại các giá trị hiện hữu cho Ngân hàng, đồng thời đảm bảo tìm kiếm và lựa chọn được các cơ hội kinh doanh mới.

Tin bài liên quan