Ông Louis Taylor

Ông Louis Taylor

Ngân hàng Việt Nam: Đã đến lúc cần hành động

(ĐTCK) Mọi khâu trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng đều bắt nguồn từ việc ghi nhận tổn thất ban đầu. Chừng nào công việc ban đầu này chưa đạt được hiệu quả, nền kinh tế sẽ còn chịu gánh nặng.

Trao đổi với ĐTCK, ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered (Việt Nam) nhận định, năm 2013 sẽ vẫn là một năm khó khăn đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam bởi những vấn đề còn tồn tại của năm 2012, nhưng có thuận lợi là Chính phủ đã hoàn toàn nhận ra những khó khăn và đang nỗ lực giải quyết.

Chỉ còn 2 tuần nữa là kết thúc năm 2012, liệu hệ thống ngân hàng Việt Nam đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, thưa ông?

Hệ thống ngân hàng Việt Nam hoàn toàn chưa vượt qua được những khó khăn của năm 2012. Vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Mặc dù vậy, hệ thống ngân hàng đã có những điểm tích cực.

Thứ nhất, có hàng chục nước khác cũng đã gặp phải những vấn đề tương tự như hệ thống ngân hàng Việt Nam và họ đã giải quyết tốt. Vì vậy, tôi tin chắc rằng, Việt Nam có thể làm được điều này.

Thứ hai, dù đây là tình huống rất khó khăn, nhưng nó chưa dẫn tới một cuộc khủng hoảng như chúng ta đã nhìn thấy cách đây 15 năm ở Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc và gần đây nhất là các nền kinh tế phương Tây.

Chúng tôi nghĩ, Việt Nam vẫn còn thời gian để hành động và có những lựa chọn về mặt chính sách. Mặc dù vậy, những tiến triển rõ rệt hơn là cần thiết để thực thi quyết định này. Chúng ta đã nghe quá nhiều về nó và bây giờ là thời điểm để hành động.

 

Ông có nghĩ rằng, Chính phủ Việt Nam đã nhận ra những tồn tại của hệ thống?

Chính phủ đã hoàn toàn nhận ra những tồn tại này và tôi tin ở Chính phủ trong việc giải quyết vấn đề. Những khó khăn mà Việt Nam đang đối mặt thực tế là những quyết định về quản lý cần thực hiện. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ quyết định một cách can đảm và dứt khoát.

Xử lý nợ xấu có thể mất hơn 1 năm, thậm chí hơn 2 năm. Chúng tôi cho rằng, công ty mua bán nợ đang được đề xuất thành lập sẽ có tuổi thọ từ 5 - 7 năm. Và để nợ xấu ra khỏi hệ thống ngân hàng, có thể mất từ 1 - 2 năm.

Việc quan trọng nhất cần làm trước là nhận diện và phân bổ thiệt hại. Nếu quá trình này không được thực hiện, chúng tôi tin rằng, không có giải pháp đáng tin cậy nào khác có thể đưa nền kinh tế về mức tăng trưởng hàng năm trên 6% một cách bền vững.

Nhưng con số nợ xấu được đánh giá là khá lớn, nên việc xử lý có lẽ cũng không đơn giản. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Mặc dù có rất nhiều bàn luận về vấn đề nợ xấu, nhưng bản chất và mức độ cũng như quy mô của vấn đề thì chưa ai biết rõ. Các ngân hàng đưa ra con số 4,3% nợ xấu, trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định khoảng 8,8%. Tuy nhiên, có nhiều đồn đoán là con số có thể gấp đôi và nếu chúng ta lấy số của NHNN để tính toán thì nợ xấu vào khoảng 12 tỷ USD. Nếu áp dụng tiền lệ của các thị trường khác với tỷ lệ tổn thất khoảng 60% số nợ không đòi được, thì tổng thiệt hại sẽ khoảng 7 tỷ USD, tương đương 5% GDP. Nếu so sánh với các cuộc tái cơ cấu của các nước khác, thì con số này nằm trong tầm kiểm soát. Thực tế, ngay cả khi nợ xấu gấp đôi con số 8,8%, thì chúng tôi vẫn cho rằng, có thể giải quyết được.

 

Hướng xử lý nợ xấu của cơ quan quản lý có hợp lý?

Như tôi đã nói, bước đầu tiên để tái cơ cấu, theo chúng tôi, là nhà chức trách phải có sự đánh giá toàn diện, thực chất và phải đạt được sự chấp nhận rộng rãi. Bài phát biểu của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại Quốc hội gần đây cho thấy, cơ quan quản lý đang đi đúng hướng. Một bước đi đúng đắn khác là NHNN đã bắt đầu thanh tra toàn diện hồ sơ nợ của các ngân hàng. Các dữ liệu thu thập được sẽ giúp chúng ta đánh giá rõ ràng cả trên bình diện hệ thống lẫn từng ngân hàng. Bước đi tiếp theo là cần nhận diện và giải quyết những tổn thất đã được đánh giá.

 

Thách thức nào có thể gặp khi giải quyết những tổn thất đó, thưa ông?

Mọi khâu trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng đều bắt nguồn từ việc ghi nhận tổn thất ban đầu. Chừng nào công việc ban đầu này chưa đạt được hiệu quả, nền kinh tế sẽ còn chịu gánh nặng. Khi đã đánh giá được tổn thất, mặc dù tốc độ nhanh là quan trọng, nhưng không phải mọi tổn thất đều có thể được bù đắp ngay lập tức. Quá trình tái cơ cấu cần phải xảy ra đủ nhanh để khôi phục khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhưng vẫn phải duy trì được niềm tin trong hệ thống. Nếu hành động quá chậm thì niềm tin sẽ giảm dần. Nếu đi quá nhanh thì có thể xảy ra khủng hoảng mất niềm tin, mà đó là điều ta cần tránh. Mỗi ngân hàng cần phải phát triển một kế hoạch đáng tin cậy để xử lý nợ xấu của mình. Một lộ trình cụ thể bao giờ cũng gây được niềm tin hơn là chỉ đưa ra những lời hứa.

Sau khi ghi nhận và phân bổ tổn thất nợ xấu, có 2 câu hỏi lớn được đưa ra: một là, làm thế nào để quản lý và giải quyết nợ xấu; hai là, làm thế nào để tái cấp vốn ngân hàng và đảm bảo sai lầm như vậy sẽ không lặp lại.

 

Dự cảm của ông về những khó khăn mà hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2013?

Năm sau sẽ là một năm khó khăn. Tôi nghĩ, hầu hết ngân hàng ở Việt Nam sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng tín dụng danh nghĩa trong năm tới. Trong thực tế, đây có thể được coi là một sự suy giảm. Kể cả khi các vấn đề về bảng cân đối tài chính và nợ xấu được nhận biết đúng mức, tôi tin rằng, tín dụng cũng chỉ có thể được tăng trưởng ở mức rất khiêm tốn.