Thực tế, mặc dù tăng trưởng tín dụng năm 2018 chỉ ở mức 14%, thấp nhất trong 4 năm qua, nhưng toàn hệ thống ngân hàng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình cao, thậm chí nhiều nhà băng tăng trưởng trên 50%. Tốc độ tăng của lợi nhuận nhanh hơn tốc độ tăng của vốn giúp mặt bằng ROE bình quân đạt từ 19-21%.
Cụ thể hơn, CTCK Bản Việt (VCSC) cho biết, nhóm 6 ngân hàng có ROE năm 2018 cao nhất là MBBank, TPBank, Techcombank, VPBank, ACB và Vietcombank, đạt lần lượt là 19,4%; 20,8%; 21,5%; 22,8%; 25,1% và 27,7%. VPBank là ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao thứ hai trong hệ thống, đứng sau Techcombank, nhưng lại xếp trên Techcombank về tỷ suất sinh lời.
Xét về hiệu suất hoạt động trên quy mô tổng tài sản, Techcombank và VPBank có tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) cao nhất, đạt trên 2% tính đến hết năm 2018, trong khi những nhà băng còn lại phổ biến từ 1,4-1,8%.
Trong báo cáo tài chính quý IV/2018, lợi nhuận của VPBank đạt 3.073 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2017. Yếu tố giúp VPBank duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận cao trong những năm gần đây đến từ công ty con FE Credit.
Công ty tài chính này đã đóng góp khoảng 35% tổng lợi nhuận của VPBank trong năm qua, cần lưu ý là con số này đã giảm so mức đóng góp trung bình khoảng 50% mỗi năm trong vài năm trước.
Cho vay tiêu dùng là hoạt động tín dụng nhỏ lẻ, rủi ro cao, nhưng bù lại có lãi suất cao và không phải trích dự phòng rủi ro nhiều. Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) đối với loại hình tín dụng này cũng cao hơn nhiều lần so với cho vay tổ chức kinh tế. Điều này giúp cho những ngân hàng có công ty tài chính trực thuộc thu lãi tốt hơn.
Tại HDBank, công ty tài chính HD Saison đã đóng góp 900 tỷ đồng trong tổng số 4.005 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đạt được trong năm 2018, tăng 65,7% so với năm 2017 và cũng là mức lợi nhuận cao nhất đạt được từ trước đến nay.
Tính đến 31/12/2018, HDBank có quy mô tổng tài sản đạt 216.108 tỷ đồng, tăng trưởng 14,1%; tổng huy động vốn đạt 191.588 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 16.828 tỷ đồng, tăng trưởng 14%. Các hệ số sinh lời ROE và ROA đạt lần lượt 20,27% và 1,58%.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11/2018, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt trên 10,8 triệu tỷ đồng, tăng 8,23% so với đầu năm; vốn tự có đạt 785.660 tỷ đồng, tăng 10,02%; vốn điều lệ đạt 570.800 tỷ đồng, tăng 11,4%.
Về chỉ tiêu ROA, sau khi đã loại các TCTD có vốn chủ sở hữu âm, cao nhất thuộc về nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính đạt mức 3,02%, đứng thứ hai là nhóm ngân hàng chính sách đạt 1,02%. Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối chỉ đạt 0,52%, thấp hơn so với mức 0,76% của các ngân hàng cổ phần và mức 0,88% của các ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Tính toàn hệ thống, ROA bình quân đạt 0,70% tính đến cuối quý III/2018.
Về chỉ tiêu ROE, nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính cũng dẫn đầu khi đạt 13,83%; tiếp đó là nhóm quỹ tín dụng nhân dân với mức 12,95%. Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối đạt 10,21%, cao hơn so với mức 9,88% của nhóm ngân hàng cổ phần. Đây cũng là 4 nhóm TCTD có ROE cao hơn mức trung bình toàn ngành (9,06%). Còn lại, ROE của nhóm ngân hàng liên doanh đạt 5,7%; ngân hàng hợp tác xã đạt 3,22% và ngân hàng chính sách đạt 5,38%.
Một chỉ tiêu đánh giá về khả năng sinh lời quan trọng khác là tỷ lệ NIM, thì nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính cũng đứng đầu bảng. Theo thống kê của CTCK TP. HCM (HSC), NIM của FE Credit đạt 9% - thuộc nhóm dẫn đầu nhất thị trường và cao hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại. OCB, VIB và TPBank là 3 ngân hàng có NIM tăng ấn tượng trong năm 2018, từ mức dưới 3% vào cuối 2017 tăng lên 3,5-4% trong năm 2018.
Năm 2019, kế hoạch tăng trưởng tín dụng vẫn tương đương năm 2018 là khoảng 14%, nhưng các ngân hàng kỳ vọng đà tăng trưởng lợi nhuận tiếp tục duy trì ở mức cao nhờ NIM cải thiện. Theo nhận định của CTCK Bảo Việt (BVSC), lợi nhuận của nhóm ngân hàng niêm yết sẽ tăng khoảng 13,5% trong năm 2019.