Tập trung cho bán lẻ
Trao đổi bên lề tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh quý IV/2019 mới đây, ông Đỗ Tuấn Anh, Phó chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, trước diễn biến dịch Covid-19 hiện nay, Techcombank đã nhanh chóng vào cuộc chia sẻ khó khăn với khách hàng, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, hàng không, du lịch..., nhưng lợi nhuận quý đầu năm nay sẽ vẫn theo kế hoạch.
“Lý do bởi hoạt động kinh doanh tháng 2 và 3 diễn ra trong mùa dịch, nhưng tháng cao điểm là tháng 1/2020 - thời điểm tín dụng tăng mạnh do nhu cầu vốn tăng cao dịp Tết, nên sẽ bù đắp cho các tháng còn lại trong quý”, lãnh đạo Techcombank giải thích.
Năm 2019, Techcombank đạt gần 13.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và hiện chưa hé lộ kế hoạch lợi nhuận năm 2020 cho đến trước Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm nay. Đại diện Techcombank chia sẻ, tiếp tục đẩy mạnh bán lẻ là một trong những chiến lược nhằm giúp Ngân hàng đạt mục đích kỳ vọng trong năm nay.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc Khối tiếp thị của Techcombank cho biết, Ngân hàng chia khách hàng cá nhân thành 3 phân khúc (từ thu nhập bình quân đến thu nhập cao) để từ đó có thể đưa ra sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Trong đó, lượng khách hàng có thu nhập cao chiếm khoảng 50% tổng số khách hàng cá nhân.
Đối tượng khách hàng này không chỉ có nhu cầu giao dịch, mà còn cả nhu cầu đầu tư, nên Techcombank cung cấp các sản phẩm liên quan tới nhu cầu này.
“Trước đây, bình quân mỗi năm Techcombank có khoảng 400-500 khách hàng mới, thì nay đã tăng lên hơn 1.000 khách hàng”, bà Vân thông tin.
Với số lượng lớn khách hàng phân khúc trung và cao cấp, Techcombank có thể đẩy mạnh cho vay mua nhà để ở, mua ô tô, cũng như doanh thu bảo hiểm.
Hiện nhà băng này có 4.000 nhân viên đáp ứng đủ điều kiện chuyên môn để trực tiếp bán bảo hiểm cho khách hàng, thay vì qua công ty bảo hiểm.
Tại Vietcombank, trong tổng lợi nhuận thu về của năm 2019, bán lẻ đóng góp tỷ trọng tới 40%. Kế hoạch năm 2020, Vietcombank dự kiến tăng trưởng lợi nhuận cao hơn 15% so với năm 2019.
Đến 2025, lợi nhuận Vietcombank dự kiến đạt 2 tỷ USD, trong đó lợi nhuận từ bán lẻ chiếm 50%.
Theo đại diện Vietcombank, ước tính quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 30.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng của khoảng 300 khách hàng là tổ chức kinh doanh lớn, số tiền giảm lãi suất mà Vietcombank chia sẻ với doanh nghiệp ước đạt 300-450 tỷ đồng.
Tuy vậy, Vietcombank hiện vẫn giữ nguyên kế hoạch kinh doanh 2020.
Với ACB, ngân hàng này sẽ trình ĐHCĐ thường niên thông qua lợi nhuận năm 2020 ở mức 8.700 tỷ đồng trước thuế. Đại hội dự kiến diễn ra trong quý I hoặc quý II/2020.
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, chiến lược năm 2020 là tiếp tục đẩy mạnh mạng bán lẻ, tăng nguồn thu từ dịch vụ. Riêng với nhóm khách hàng cá nhân, ACB hướng đến phân khúc trung và cao cấp.
Lãi cận biên cải thiện
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) vừa công bố báo cáo triển vọng ngành ngân hàng với nhận định tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) toàn ngành sẽ cải thiện nhẹ trong năm 2020.
Theo BSC, trong năm 2019, NIM toàn ngành ngân hàng ước đạt 3,56% (tăng 0,03 điểm phần trăm) do ảnh hưởng từ các yếu tố: Tăng trưởng tín dụng chậm lại, lãi suất huy động tăng ở các kỳ hạn dài trong khi lãi suất cho vay ổn định và hoạt động cơ cấu lại các khoản vay với lãi suất cao hơn của các nhà băng.
Dự báo của BSC, NIM toàn ngành trong năm 2020 sẽ cải thiện nhẹ lên mức 3,62% (tức tăng 0,06 điểm %) khi các ngân hàng cơ cấu lại các khoản vay sang cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân.
Ngoài ra, việc Thông tư 22/2019/TT-NHNN chính thức có hiệu lực đầu tháng 10/2020, với việc nới mức trần quy định tỷ lệ LDR (dư nợ cho vay/tổng tiền gửi) đối với các ngân hàng hàng thương mại cổ phần giúp giảm bớt áp lực huy động trong hệ thống.
Đối với các khoản thu ngoài lãi, BSC nhận định, tỷ trọng thu nhập ngoài lãi trong tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng tiếp tục tăng trong năm 2020.
Hiện nay, cơ cấu thu nhập ngoài lãi đang chiếm 24,6% (tăng từ mức 20,4% tổng thu nhập năm 2014) nhờ sự tăng trưởng ấn tượng từ thu phí dịch vụ (tăng trưởng gộp 30% trong giai đoạn 2014-2019) và thu hồi từ các khoản nợ xấu, kinh doanh trái phiếu và ngoại hối (tăng trưởng gộp 22% trong giai đoạn 2014-2019).
Trên cơ sở này, BSC kỳ vọng việc tăng trưởng phí sẽ tiếp tục ở mức cao, từ 20-25% trong năm 2020 khi các ngân hàng đẩy mạnh thu phí từ dịch vụ thanh toán, bancassurance.
Chẳng hạn, Techcombank cho biết, doanh thu phí bảo hiểm năm qua tăng hơn 35% và kỳ vọng năm nay tăng cao hơn con số này.
Bên cạnh đó, một vài ngân hàng dự kiến sẽ ghi nhận các khoản lãi lớn đến từ thu một lần phí bancassurance như Vietcombank, TPBank… Đó cũng là cơ sở để các nhà băng xây dựng kế hoạch kinh doanh năm nay cao hơn năm trước.
VietinBank xác định, năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng vì là năm cuối thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Ngân hàng giai đoạn 2016-2020, chuẩn bị và tạo đà cho việc triển khai Chiến lược phát triển 10 năm giai đoạn 2021-2030.
Trong năm nay, VietinBank đặt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản từ 6-8%; tín dụng tăng trưởng khoảng 8-10%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế tăng 10% trở lên so với năm 2019.
BIDV đặt mục tiêu huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, tăng trưởng khoảng 14,5%. Tín dụng tăng trưởng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước khoảng 13%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất kế hoạch 12.600 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,6%...
Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2020, đại diện của VietBank cho biết, mặc dù đối diện với không ít khó khăn, nhưng các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 vẫn ở mức cao, trong đó lợi nhuận mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 40%.
SSI Research dự báo, lãi trước thuế năm 2020 của các ngân hàng có thể tăng 22,5% nhờ sự phục hồi tại một số ngân hàng và thu nhập từ phí dịch vụ tăng lên.
Các ngân hàng được SSI Research dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất là Vietcombank, BIDV, VPBank, MBBank, Techcombank.
Theo phân tích của SSI Research, tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 của ngành ngân hàng sẽ cải thiện nhờ hoàn thành trích dự phòng cho trái phiếu VAMC; cải thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi nhờ tăng NIM, tăng thu nhập từ bảo hiểm (bancassurance) và thu nhập từ phí thanh toán.
Bên cạnh đó, tín dụng- hoạt động gắn liền với ngành ước tính sẽ tăng thấp hơn năm 2019, khoảng 13-13,5%.
Theo báo cáo mới phát hành Công ty cổ phần FiinGroup, ngành ngân hàng về cơ bản đã xử lý xong nợ xấu từ giai đoạn khủng hoảng trước đó.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của 18 ngân hàng niêm yết đã giảm về 2,82% - mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Hơn nữa, tính đến hết quý IV/2019, chỉ còn 7/18 ngân hàng niêm yết chưa giải quyết xong trái phiếu tại VAMC, với tổng dư nợ là hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó Eximbank chiếm 70% tổng dư nợ.
“Đây là tín hiệu đáng mừng cho toàn ngành ngân hàng khi chất lượng tài sản đang ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, để đánh giá chất lượng tài sản thì cần tìm hiểu thêm nhiều yếu tố khác như chất lượng của các danh mục đầu tư chứng khoán và trái phiếu”, chuyên gia của FiinGroup lưu ý.