Hàng nghìn nhân sự đã được tuyển dụng
Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022 của VIB cho biết, tính đến cuối tháng 6/2022, Ngân hàng có 11.340 nhân viên, tăng 1.115 nhân viên so với cuối năm 2021.
Tại VPBank, số lượng nhân sự tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2022 là 1.416 người, nâng tổng số lên 27.039 người.
Tương tự, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022 của TPBank cho thấy, ngân hàng này có 8.850 người, trong khi cuối năm 2021 là 7.505 người, tức tăng thêm 1.345 người.
LienVietPostBank có 11.975 nhân viên tính đến 30/6/2022, tăng 1.326 nhân viên so với con số 10.649 cuối năm 2021.
Đối với OCB, số lượng nhân sự gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2022 là 1.272 người, đạt 7.064 người.
Trong nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, Vietcombank tăng thêm 700 nhân sự trong nửa đầu năm 2022, từ 21.670 người lên 22.370 người.
Các ngân hàng có số lượng nhân sự tăng vài trăm người trong 6 tháng đầu năm 2022 là MSB, thêm 404 người, đạt 5.594 người; Nam A Bank thêm 383 người, đạt 3.888 người; HDBank thêm 361 người, đạt 15.488 người; SeABank thêm 348 người, đạt 5.320 người; ABBank thêm 205 người, đạt 4.695 người; MBB thêm 198 người, đạt 16.108 người; SHB thêm 179 người, đạt 8.717 người.
Ngược lại, báo cáo tài chính của BIDV cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2022, Ngân hàng có 25.016 nhân viên, giảm 2.207 người so với con số 27.223 người thời điểm cuối năm 2021.
Techcombank có 12.014 nhân viên tính đến 30/6/2022, giảm 492 người so với con số 12.506 người thời điểm cuối năm 2021.
Một số ngân hàng khác có số lượng nhân sự giảm nhẹ là Sacombank, VietinBank, ACB.
Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất của Sacombank và công ty con cho hay, cuối tháng 6/2022 có 18.380 nhân sự, trong khi cuối năm 2021 là 18.659 người, tức giảm 279 người.
VietinBank có 25.076 nhân viên tính đến cuối tháng 6/2022, giảm 78 người so với thời điểm cuối năm 2021 là 25.154 người.
Ngân hàng có số lượng nhân sự giảm ít nhất là ACB khi báo cáo tài chính hợp nhất của ACB và công ty con cho biết, cuối tháng 6/2022 có 12.097 nhân sự, giảm 15 nhân sự so với cuối năm 2021.
Ngân hàng vẫn cần thêm người
Với yêu cầu tuyển dụng ngày càng cao, tập trung vào các kỹ năng, chuyên môn khó và hiếm, nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng khó tuyển dụng, thiếu hụt nhân sự.
Ngay từ đầu quý III, một số ngân hàng đã thông báo tuyển thêm nhân sự như 303 vị trí công việc tại VPBank, 206 cơ hội việc làm tại LienVietPostBank.
Tại VIB, Ngân hàng cần tuyển thêm 117 người vào vị trí quản lý khách hàng/kinh doanh; số lượng tuyển dụng tại các bộ phận khác như dịch vụ khách hàng 45 người, thu hồi nợ 45 người, quản trị rủi ro 25 người, công nghệ thông tin 21 người, công nghệ số 11 người, thẻ tín dụng 7 người…
Trong tháng 7, TPBank thông báo tuyển dụng 100 giao dịch viên làm việc tại Hà Nội. Yêu cầu đối với các ứng viên là tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành kế toán, tài chính - ngân hàng hoặc tương đương.
ABBank tuyển dụng gần 50 người làm việc tại Hà Nội, TP.HCM, Quảng Nam, Bắc Ninh, Gia Lai, Thái Nguyên... Các vị trí tuyển dụng bao gồm chuyên viên quản trị rủi ro, chuyên viên quản lý dự án, chuyên gia kiến trúc tích hợp hệ thống, chuyên viên quản lý chất lượng dữ liệu, chuyên viên quản lý tài sản…
HDBank thông báo tuyển dụng 250 cán bộ, nhân viên ở tất cả các vị trí tại 18 điểm giao dịch mới ở Hậu Giang, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, huyện đảo Phú Quốc, Kon Tum, Nam Định, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Bạc Liêu, Ninh Thuận.
Vietcombank có đợt tuyển dụng lần thứ 6 kể từ đầu năm 2022 với 158 chỉ tiêu không yêu cầu kinh nghiệm và 26 chỉ tiêu có yêu cầu kinh nghiệm.
Tuyển dụng có trọng tâm
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc miền Bắc, Navigos Search cho biết, việc tuyển dụng trong các ngân hàng không hẳn là ồ ạt. Có những vị trí có nhu cầu tuyển dụng cao từ năm 2021 và tiếp diễn trong năm 2022. Tuy nhiên, với yêu cầu tuyển dụng ngày càng cao, tập trung vào các kỹ năng, chuyên môn khó và hiếm, nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng khó tuyển dụng, thiếu hụt nhân sự.
Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 làm đình trệ nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng không thể đình lại nhu cầu về giao dịch tài chính. Ngân hàng là một lĩnh vực thiết yếu nên kể cả trong những giai đoạn đại dịch bệnh diễn biến phức tạp, phải giãn cách xã hội, thì các ngân hàng vẫn được duy trì hoạt động trực tiếp. Hơn nữa, ngân hàng có nhiều nghiệp vụ được thực hiện trên hệ thống, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, tự động hóa nên ngày càng ít phụ thuộc vào các kênh vật lý, giao dịch trực tiếp…
Đứng trước các hành vi tiêu dùng của khách hàng dần thay đổi theo xu hướng số hóa, ngành ngân hàng đã và đang ứng dụng chuyển đổi số nhằm đáp ứng các nhu cầu này.
“Tập trung vào chuyển đổi số, tự động hóa dẫn đến việc tăng nhu cầu về các vị trí liên quan đến công nghệ, dữ liệu…”, ông Gaku Echizenya, CEO Navigos Group nói.
Bà Lan cho biết thêm, định hướng chuyển đổi số được nhiều ngân hàng thực hiện từ 3 - 5 năm trước, nhưng chủ yếu là các nhà băng lớn, có tiềm lực mạnh. Tuy nhiên, giai đoạn 2021 - 2022, hầu hết ngân hàng đều đã bước vào cuộc đua này.
“Những vị trí được tuyển dụng trong lĩnh vực ngân hàng tập trung vào nguồn nhân sự chất lượng cao, nhưng rất khó tìm kiếm và cần đầu tư nhiều chi phí do tính cạnh tranh trên toàn thị trường”, bà Lan nói.
Phó tổng giám đốc kiêm giám đốc khối công nghệ một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ: “Dù sẵn sàng chịu chi trả những khoản tiền đáng kể để săn ứng viên, nhưng nguồn ứng viên trong mảng chuyển đổi số ngành ngân hàng rất hạn chế, cả về số lượng và chất lượng. Về chất lượng, rất hiếm các ứng viên có kinh nghiệm để triển khai áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất. Về số lượng, ngân hàng có nhu cầu tuyển số lượng lớn trong thời gian ngắn, nhưng lượng ứng viên đạt yêu cầu không đủ đáp ứng”.
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2022 được Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước công bố cho biết, liên quan đến tình hình lao động, việc làm của ngành tài chính - ngân hàng được kỳ vọng diễn biến tích cực hơn trong quý III/2022 cũng như cả năm 2022 so với năm 2021.