Cầu tín dụng bất động sản vẫn tăng mạnh
Báo cáo tài chính của các ngân hàng niêm yết cho thấy, trong nửa đầu năm nay, tín dụng bất động sản vẫn tiếp tục tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ cho vay của nhiều ngân hàng.
Tại Techcombank, cho vay doanh nghiệp kinh doanh bất động sản 6 tháng đầu năm đạt 101.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 32,45% tổng dư nợ của ngân hàng.
VPBank cũng là ngân hàng mạnh tay cho vay cá nhân mua nhà. Tính đến ngày 30/6/2021, dư nợ cho vay cá nhân mua nhà ở, quyền sử dụng đất ở của là gần 46.000 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 14,8% tổng dư nợ tín dụng. Cho vay kinh doanh bất động sản đạt hơn 32.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn chiếm 10,43% tổng dư nợ tín dụng.
Tương tự, tại TPBank, cho vay kinh doanh bất động sản tăng gần 11% so với cùng kỳ, chiếm 6,8% tổng dư nợ. Cho vay tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình, trong đó có cho vay cá nhân mua nhà, tăng 13,5% và chiếm hơn 51,2% tổng dư nợ cho vay.
Tại KienLongBank, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chiếm gần 9% tổng dư nợ, chưa kể cho vay hộ gia đình chiếm 26,7% tổng dư nợ. Con số tương tự tại Ngân hàng MSB là 14% và 26,6%.
Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính đến ngày 30/6/2021, tín dụng bất động sản đạt hơn 672.000 tỷ đồng, tăng 11.000 tỷ đồng so với cuối quý I/2021. Trong đó, chiếm tỷ lệ lớn nhất (gần 25%) là dư nợ tín dụng với các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà. Tiếp đến, dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán chiếm 14,8%; dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng cho thuê chiếm tỷ lệ 8,2%...
Như vậy, số liệu tín dụng nửa đầu năm cho thấy, tín dụng với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có vẻ tăng lên, trong khi cho vay với cá nhân chững lại. Covid-19 khiến thu nhập của cá nhân suy giảm, phần nào ảnh hưởng đến cơ cấu tín dụng bất động sản.
Trên thực tế, không chỉ mạnh tay vay vốn ngân hàng, trong nửa đầu năm nay, doanh nghiệp bất động sản cũng rầm rộ phát hành trái phiếu huy động vốn. Trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp bất động sản đang là á quân phát hành trái phiếu, chỉ đứng sau nhóm ngân hàng.
Khó giảm lãi suất cho vay bất động sản
Mặc dù rất nhiều gói ưu đãi được các ngân hàng tung ra, song trung bình, lãi suất cho vay bất động sản vẫn dao động ở mức quanh mức 10 - 11%/năm. Lãi suất cho vay cao và tín dụng vẫn tăng trưởng tốt lý giải phần nào lợi nhuận lớn của ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm cho doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà.
Đồng thời, HoREA đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án. Các ngân hàng thương mại xem xét cho nhà đầu tư, khách hàng mua nhà, mua sản phẩm bất động sản được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký; hỗ trợ cho vay tín dụng đối với các khách hàng mua nhà ở thương mại có giá trung bình, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc giảm lãi suất chung với tín dụng bất động sản là đi ngược với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là siết chặt cho vay lĩnh vực rủi ro. Việc giảm lãi suất cho vay với những đối tượng mua phục vụ nhu cầu thực rất cần thiết, song lại khó ở khâu gạn lọc đối tượng. Nếu làm không cẩn thận sẽ khiến vốn chảy mạnh vào đầu cơ, thổi thêm bong bóng bất động sản.
Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục siết chặt quản lý lĩnh vực này, kể cả tín dụng bất động sản lẫn hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản của các ngân hàng.
Thị trường bất động sản cuối năm còn rất nhiều rủi ro
Tín dụng bất động sản tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm, vì nhiều người vẫn kỳ vọng vào kênh đầu tư bất động sản, coi đây là kênh đầu tư tương đối an toàn. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải rất cẩn trọng.
Tôi cho rằng, từ nay đến cuối năm, dịch bệnh khó kết thúc, nền kinh tế cũng phải mất một thời gian để phục hồi. Nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến căng thẳng, kinh tế ảm đạm, thì thị trường bất động sản cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực.
Việc giãn cách xã hội lan rộng hiện nay đã khiến nhiều dự án bất động sản bị đình trệ, nhiều phân khúc bị ảnh hưởng. Giá bất động sản đã tăng khá nóng thời gian qua và khi nền kinh tế tiếp tục khó khăn, sức cầu giảm, thì giá và thanh khoản có thể giảm mạnh.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế