Hút vốn dài ngày
Hiện mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên được áp dụng tại các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ vào khoảng 7,5 - 8%/năm. Bên cạnh đó, nhằm chạy đua thu hút vốn, một số ngân hàng cộng thêm biên độ lãi suất từ 0,5 - 1%/năm cho khách hàng gửi số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn từ 13 - 15 tháng. Cụ thể, tại NCB, lãi suất kỳ hạn 12 tháng được áp dụng mức 7,6%/năm cho cá nhân và 7,7%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Kỳ hạn dài hơn 18 tháng lãi suất 7,8%/năm, thậm chí cán mốc 8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.
Tương tự, VietA Bank cũng đang áp dụng mức lãi suất 7,7%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,9%/năm đối với kỳ hạn từ 15 - 36 tháng. Mức lãi suất này được VietA Bank dành cho sản phẩm tiết kiệm online và lĩnh lãi cuối kỳ. Đối với tiết kiệm thông thường, mức lãi suất thấp hơn khoảng 1%/năm tùy từng kỳ hạn, song mức cao nhất vẫn duy trì là 7,8%/năm với tiền gửi dài ngày.
Ngoài VietA Bank, NCB, các nhà băng quy mô vừa và nhỏ khác như Viet Capital Bank, VietBank, CB Bank, Saigonbank…cũng đang áp dụng mức lãi suất cạnh tranh trên thị trường hiện nay. Tại Viet Capital Bank, dù đã giảm nhẹ lãi suất huy động so với thời điểm đầu năm, nhưng lãi suất cho kỳ hạn 18 tháng vẫn ở mức 7,8%/năm. Với VietBank, Ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao nhất 7,9%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, nhưng chỉ với giá trị khoản tiền gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên.
Bên cạnh kỳ hạn tiền gửi dài ngày, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn dưới 1 năm và từ 6 tháng trở xuống cũng được các nhà băng nhỏ áp dụng mức tương đối cao, khoảng 5,5 - 6,7%/năm, kèm theo đó là khuyến mãi, quà tặng, cộng biên độ lãi suất nếu khoản tiền gửi giá trị lớn.
Chưa kể, trước đó không lâu, để cơ cấu lại nguồn vốn theo quy định của Thông tư 06, nhiều nhà băng đã đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn với lãi suất gần 9%/năm nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân, trong đó có VPBank với lãi suất 9%/năm và Sacombank ở mức 8,88%/năm cho kỳ hạn 7 năm.
Cơ cấu lại nguồn vốn
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng, giảm lãi suất là chuyện bình thường, phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh và điều kiện thị trường, còn thực tế, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn đang trong trạng thái khá dồi dào, không có áp lực tăng lãi suất.
Tuy nhiên, theo báo cáo thị trường tiền tệ hàng tuần vừa được Công ty Chứng khoán SSI công bố, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục đứng ở mức cao với lãi suất qua đêm tăng 35 điểm cơ bản, khôi phục toàn bộ mức giảm trong tuần trước và chốt ở mức cao nhất tuần là 4,6%. Kỳ hạn 1 tuần cũng tăng 30 điểm cơ bản lên 4,7%/năm.
Như vậy, sau một thời gian ngắn hạ nhiệt, lãi suất liên ngân hàng đã quay trở lại mặt bằng 4,6% - 4,9%/năm được thiết lập từ tháng 3. Không chỉ thị trường liên ngân hàng, lãi suất thị trường 1 cũng tăng ở các kỳ hạn ngắn.
Theo ghi nhận của SSI, lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng đã tăng nhẹ 20 điểm cơ bản, cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 4,7%/năm và lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng lên 5,7%/năm. Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn dài vẫn ổn định ở mức cao.
Trong năm 2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đối với các nhà băng ở mức 50%, thay vì 60% như năm 2016, do đó việc ngân hàng áp dụng lãi suất kỳ hạn dài ở mức cao là dễ hiểu. Cũng trong quý I/2017, theo báo cáo của một số tổ chức tín dụng tại TP. HCM, lãi suất huy động tăng 0,07 - 0,2%/năm đối với các kỳ hạn dài trên 12 tháng và lãi suất cho vay trung, dài hạn điều chỉnh tăng khoảng 0,03 - 0,1%/năm so với cuối năm trước.
Diễn biến điều chỉnh tăng nhẹ này là nhằm cơ cấu lại nguồn vốn, cũng như sử dụng vốn cho phù hợp với diễn biến thị trường, đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Lãnh đạo các nhà băng cho biết đang từng bước kéo giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Đơn cử tại Eximbank, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, đến ngày 31/3/2017, tỷ lệ vốn ngắn cho vay trung dài hạn đã được kéo giảm từ 55% xuống 45%, dưới mức Ngân hàng Nhà nước yêu cầu. Huy động vốn tăng trưởng 7,7% so với cuối năm 2016, thực hiện được một nửa kế hoạch năm.
Không riêng Eximbank, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay của nhiều ngân hàng là đẩy mạnh cho vay vốn ngắn hạn và từng bước cơ cấu lại nguồn vốn để đáp ứng lộ trình đầu năm 2018, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống còn 40% theo quy định. Đây chính là một trong những lý do mặt bằng lãi suất tiền gửi tăng lên trong những tháng gần đây.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia trong ngành ngân hàng, một nguyên nhân khác khiến mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ là các ngân hàng phải chuẩn bị tốt thanh khoản để đáp ứng cầu tín dụng đang dần cải thiện. Theo đó, tín dụng toàn ngành ngân hàng đến cuối tháng 3/2017 đã tăng trên 4% so với đầu năm. Các nhà băng cần phải có sự chuẩn bị để đón đầu nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh này, một số ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động sẽ kéo theo xu hướng đi lên của lãi suất cho vay, trái với mục tiêu hạ lãi suất nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, do phải cạnh tranh gay gắt để giữ thị phần tín dụng, các nhà băng sẽ khó có thể nâng lãi suất đầu ra. Thay vào đó, ngân hàng khi huy động phải có tính toán làm thế nào để sử dụng được nguồn vốn này hiệu quả.
Theo thông tin về hoạt động ngành tháng 3/2017 vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, trong 3 tháng đầu năm 2017, cơ quan này tiếp tục duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành thông qua điều tiết thanh khoản hợp lý để hỗ trợ các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất; chỉ đạo tổ chức tín dụng thực hiện tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất thị trường trong quý I/2017 diễn biến tương đối ổn định.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến 4,8 - 5,4%/năm; 5,6 - 6,7%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,7 - 7,4%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6 - 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và dao động 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.