Ngân hàng vẫn "dè chừng" với tín dụng bất động sản

Ngân hàng vẫn "dè chừng" với tín dụng bất động sản

(ĐTCK) Mặc dù các ngân hàng vẫn đang đau đầu với bài toán làm thế nào để giải ngân vốn, song với tín dụng bất động sản, không phải nhu cầu nào của khách hàng cũng được nhà băng đáp ứng vốn.

Thận trọng giải ngân

Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối khách hàng DN của OCB cho biết, chủ trương của Ngân hàng không những chỉ hỗ trợ vốn cho khách hàng cá nhân mua nhà mà còn cho vay cả với chủ đầu tư các dự án bất động sản.

Nhưng điều đó không có nghĩa là OCB sẽ ồ ạt đẩy vốn vào lĩnh vực này, ngược lại sẽ có sự sàng lọc kỹ. Trong đó, với phân khúc khách hàng DN là các chủ đầu tư dự án bất động sản, OCB chỉ chọn những dự án nhà ở phân khúc căn hộ dành cho người thu nhập trung bình, nhưng ổn định, giá căn hộ vào khoảng 1 tỷ đồng/căn và đầu ra sản phẩm tương đối tốt.

Vì thế, theo ông Linh, trong 2 năm qua, OCB chỉ đàm phán và ký hợp tác hỗ trợ vốn cho một số dự án đáp ứng đủ các tiêu chí của Ngân hàng. Năm 2012, OCB giải ngân được khoảng 80 tỷ đồng cho Nam Long và 100 tỷ đồng cho Hà Đô, dự kiến sẽ giải ngân cho Nam Long khoảng 180 tỷ đồng trong thời gian tới.

Ngân hàng vẫn "dè chừng" với tín dụng bất động sản ảnh 1

Năm 2013, OCB giải ngân được khoảng 80 tỷ đồng cho Nam Long và 100 tỷ đồng cho Hà Đô

Cũng theo ông Linh, tín dụng bất động sản được xem là lĩnh vực chứa đựng rủi ro cao, nên khả năng các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay trong năm sau, nhưng trên cơ sở thận trọng để hạn chế tối đa rủi ro về nợ xấu.

“OCB sẽ tiếp tục tìm kiếm những dự án căn hộ có tính thanh khoản cao để hỗ trợ vốn. Tuy nhiên, nhu cầu vốn của các khách hàng này cũng không cao, chủ đầu tư thường tận dụng nguồn vốn sẵn có để tiết kiệm chi phí. Vì thế, dù muốn đẩy mạnh giải ngân vốn cũng không dễ”, ông Linh nói.

Ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc NamA Bank cũng cho hay, trong tổng dư nợ tín dụng của Ngân hàng tăng trưởng năm 2013 (hơn 30%) thì dư nợ tín dụng bất động sản chiếm tỷ lệ rất ít, khoảng 10%. Nguyên nhân theo ông Vũ, do chủ trương Ngân hàng đẩy mạnh cho cá nhân vay vốn mua nhà trả góp. Còn với các chủ đầu tư dự án, trong bối cảnh thị trường hiện nay cần có sự sàng lọc kỹ hơn. Tuy nhiên, ông Vũ kỳ vọng, với các chính sách kích cầu thị trường, cùng với việc ngân hàng đẩy mạnh cho vay lĩnh vực này, khả năng bất động sản sẽ ấm dần trong năm tới, đặc biệt phân khúc nhà ở, căn hộ.

           

Cả với tín dụng ưu đãi

Ngay cả với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản với mức lãi suất ưu đãi chỉ 6%/năm, nhưng sau 6 tháng triển khai, theo báo cáo mới nhất của NHNN, đến ngày 31/11/2013, 5 nhà băng gồm: Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, MHB mới giải ngân được gần 647 tỷ đồng (chiếm khoảng 2%) cho hơn 1.200 cá nhân và 5 DN.

Sở dĩ, tiến độ giải ngân vốn của gói ưu đãi này chậm, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM, là do vướng thủ tục công chứng đối với tài sản thế chấp nhà ở xã hội (nhà ở được hình thành trong tương lai) không được các phòng công chứng chấp nhận.

Bên cạnh đó, thời hạn trả nợ trong vòng 10 năm theo quy định của Thông tư 07/2013/TT- BXD được cho là quá ngắn, bởi sau khi trừ các chi phí thiết yếu, thu nhập còn lại của khá nhiều đối tượng khách hàng quá thấp, không đủ để đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn, nên cũng hạn chế trong việc tiếp cận vốn vay mua nhà. Về phía ngân hàng, áp lực rủi ro nợ xấu cũng khiến ngân hàng thận trọng hơn trong cho vay.

Theo số liệu báo cáo, tính đến hết tháng 10/2013, nợ có khả năng mất vốn chiếm đến 70% tổng nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố và tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nhà, đất.

“Đối tượng khách hàng vay vốn gói 30.000 tỷ đồng là những người thu nhập thấp nên việc chứng minh khả năng trả nợ không phải khách hàng nào cũng có thể đáp ứng được, mặc dù tài sản thế chấp là chính căn nhà người vay sẽ sở hữu”, đại diện MHB nói và cho rằng, tiến độ giải ngân gói tín dụng này sẽ được đẩy mạnh hơn trong năm sau khi các rào cản dần được gỡ bỏ và đối tượng ngân hàng tham gia giải ngân gói vốn này được mở rộng hơn.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng kỳ vọng năm 2014, tiến độ giải ngân không chỉ với gói vốn ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng, mà ngay cả tín dụng bất động sản nói chung sẽ tốt hơn, khi các rào cản được dần gỡ bỏ và mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ giảm thêm.

Phó tổng giám đốc OCB, ông Phạm Linh cho rằng, chính sách kích cầu đối với lĩnh vực bất động sản sẽ dần phát huy tác động tích cực đến phân khúc tín dụng này.

“Để giảm áp lực cho người thu nhập thấp vay vốn mua nhà, đề nghị Thủ tướng xem xét giảm lãi suất xuống còn 4 - 5%/năm”, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV kiến nghị. 

Tuy nhiên, khó khăn sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ngân hàng trong thời gian tới và nguy cơ gia tăng nợ xấu vẫn còn nên chưa thể kỳ vọng tín dụng nói chung và cho vay bất động sản nói riêng tăng nhanh. Đặc biệt, nếu thời gian áp dụng Thông tư 02 không thay đổi so với dự kiến (1/6/2014) cũng sẽ là hạn chế đối với ngân hàng trong phát triển tín dụng.

>>Tín dụng bất động sản, đầu đã xuôi…

>>Tín dụng bất động sản sẽ tập trung cho người mua