Mong chờ nới room
Trong kế hoạch tăng vốn điều lệ của không ít ngân hàng năm 2016 cũng như lộ trình cho những năm tiếp theo sẽ thu hút thêm nguồn vốn từ nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để đẩy mạnh chiến lược phát triển, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường khi cánh cửa hội nhập ngày một mở rộng.
Đó cũng chính là một trong những nội dung quan trọng được nhiều nhà băng dự kiến đệ trình cổ đông trong mùa ĐHCĐ thường niên sắp diễn ra cuối tháng 3 và trong tháng 4/2015.
Chẳng hạn tại SCB, vốn điều lệ trong năm qua đã tăng lên 14.500 tỷ đồng, nhưng theo kế hoạch được lãnh đạo của nhà băng này tiết lộ, trong năm 2016, Ngân hàng tiếp tục tăng vốn thêm ít nhất là 1.000 tỷ đồng bằng cách bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài. Đồng thời, SCB đã đề xuất và được chấp thuận về mặt chủ trương bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, với tỷ lệ trên 50%.
Trước đó, tại kỳ ĐHCĐ thường niên năm 2015, SCB đã có kế hoạch trình NHNN xin chủ trương bán trên 50% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là ngân hàng đầu tiên thực hiện chủ trương của đề án tái cơ cấu ngành khi được hợp nhất từ ba ngân hàng là SCB, Ficombank và TinNghiaBank.
Sau khi M&A, SCB đã đẩy mạnh việc bán nợ xấu cho VAMC và từng bước nỗ lực xử lý, thu hồi nợ. Tổng nợ xấu SCB đã bán cho VAMC là 15.000 tỷ đồng và trong năm qua đã xử lý được 1.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của VAMC đến cuối năm 2015 đã về dưới 1%.
Một phần do tình hình thị trường chưa cho phép, một phần do “room” dành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào ngành ngân hàng còn hạn chế khiến cho hai bên nội-ngoại chưa thể gặp nhau, cho dù nhu cầu có thật.
Mục tiêu lâu dài của SCB là tìm mọi cách khắc phục và trích lập tối đa dự phòng rủi ro. Đó cũng chính là lý do mà SCB đã đẩy mạnh việc bán nợ xấu cho VAMC. Quỹ dự phòng của SCB đến thời điểm này (nếu tính tổng thể) đạt mức khoảng 4.500 tỷ đồng. Đại diện của SCB cho biết, việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài là nhằm đẩy mạnh chiến lược bán lẻ. Vì vậy, các đối tác chiến lược mà Ngân hàng kỳ vọng hợp tác phải có cùng định hướng và chiến lược phát triển phù hợp với SCB.
Không chỉ SCB mà ngay cả những nhà băng lớn như Vietcombank, Chủ tịch HĐQT ngân hàng này, ông Nghiêm Xuân Thành cũng từng kiến nghị cần có lộ trình nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM từ 30-35% và xem xét tiếp tục nới lên. Và trên thực tế, tháng 4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM Việt Nam lên trên mức trần 30% như hiện nay.
Trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng và áp lực hội nhập ngày càng cao, các NHTM Việt Nam kỳ vọng sự hỗ trợ từ nhà đầu tư chiến lược nước ngoài về vốn, kinh nghiệm sẽ giúp họ trưởng thành hơn.
Kế hoạch bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài cũng đã được BIDV đưa ra trong năm qua. Dự kiến, ngân hàng này sẽ bán 25% vốn cổ phần cho 2 đối tác ngoại, trong đó 15% vốn cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và 10% vốn cổ phần cho nhà đầu tư tài chính.
Trong tháng 10/2015, VPBank cũng đã đệ trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài, tương đương 20% vốn sau phát hành, dự kiến thực hiện vào quý IV/2015 và năm 2016. Sau khi chia tay với đối tác chiến lược ngoại là Tập đoàn OCBC (Singapore) vào cuối năm 2013 đến nay, VPBank vẫn chưa tìm được đối tác ngoại phù hợp.
Không dễ bán
Hiện đã không ít ngân hàng trong nước bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, với tỷ lệ 15-20%, song theo lãnh đạo các nhà băng, cần nới thêm “room” cho cổ đông ngoại mới kỳ vọng thu hút được nguồn vốn lớn hơn, nhằm nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh của hệ thống ngân hàng nội. Đặc biệt là khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường thế giới, thì cánh cửa tài chính – ngân hàng trong nước không thể khép như trước đây. Đó cũng chính là lý do để các ngân hàng nội muốn dang rộng cánh tay hơn trong việc thu hút nhà đầu tư chiến lược ngoại.
Trong thời gian qua, kế hoạch thu hút nhà đầu tư nước ngoài đã được không ít nhà băng đưa ra trình cổ đông tại các ĐHCĐ. Cụ thể, Sacombank, HDBank, VPBank, BIDV... và kể cả DongA Bank, VietA Bank đã đệ trình cổ đông về chiến lược thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một phần do tình hình thị trường chưa cho phép khi ngành ngân hàng thời gian qua trải qua giai đoạn tái cấu trúc, một phần do “room” dành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào ngành ngân hàng còn hạn chế… chính là những rào cản khiến cho hai bên nội-ngoại chưa thể gặp nhau, cho dù nhu cầu có thật.
Vì vậy, theo lãnh đạo các nhà băng, nới room là điều cần thiết để có thể thu hút được nguồn vốn ngoại. VietinBank cũng đã đề xuất Chính phủ nới room ngoại lên trên mức 30%. Tuy nhiên, mong muốn và kỳ vọng vào khối ngoại của ngân hàng dường như quá lớn, trong khi thực tế việc tìm đối tác ngoại đang ngày càng khó khăn hơn.
Theo CTCK HSC, đầu năm 2015, BIDV có vẻ khá lạc quan về kế hoạch tăng vốn cấp 1 thông qua phát hành cổ phần cho đối tác chiến lược, nhưng cuối cùng đã tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu. Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM Việt Nam lên trên mức trần 30% như hiện nay, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhà băng nội nào được bán 100% vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài, kể cả những nhà băng nhỏ, yếu kém và cần nguồn lực để đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc. Đơn cử như Gbank trước khi phải bán lại 0 đồng cho NHNN đã đàm phán với nhà đầu tư nước ngoài để bán 100% vốn, nhưng bất thành.
Với chính sách mở cửa cho phép ngân hàng nước ngoài có thể thành lập ngân hàng 100% vốn ngoại và nhiều ngân hàng ngoại như HSBC, ANZ, HongleongBank… phát triển rất tốt tại Việt Nam, các tập đoàn tài chính nước ngoài cũng muốn “tự thân vận động”.
Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, ngành ngân hàng Việt Nam đang trải qua quá trình tái cấu trúc và đây chính là thời cơ để các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội rót vốn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư ngoại luôn tìm hiểu rất kỹ lưỡng trước khi quyết định bỏ vốn vào ngân hàng Việt.