Sau khi chao đảo mạnh bởi tác động của khủng hoảng tài chính vòng hai bùng phát từ đầu quý IV năm ngoái, hiện kinh tế thế giới và trong nước đã ổn định hơn ở trạng thái chớm chạm đáy hoặc đã bước qua đáy. Hiện tại, hầu hết đánh giá của giới phân tích cho rằng, kinh tế thế giới khó có thể hồi phục theo hình thái chữ V (lạc quan: xuống đáy rồi bật mạnh lên ngay sau đó), trong khi rủi ro suy thoái theo chữ L (bi quan: chạm đáy và kéo dài tình trạng trì trệ ở đáy nhiều năm) đã giảm đi rất nhiều. Khả năng cao nhất là sẽ hồi phục theo hình thái chữ U (trung tính: xuống đáy rồi đi ngang hoặc tăng nhẹ trong 1 - 2 quý rồi mới hồi phục mạnh), do quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính - tín dụng của Mỹ và châu Âu, vốn bị suy yếu trầm trọng do khủng hoảng, mới đi được những bước đầu tiên và đây được xem là yếu tố sẽ định dạng trạng thái tiếp sau khi kinh tế chạm đáy.
Với kinh tế Việt Nam, kịch bản hồi phục sau suy giảm có lẽ cũng khó có thể đi khác xu thế chung, do nền kinh tế có độ mở rất lớn nên sự hồi phục của kinh tế trong nước sẽ phụ thuộc vào sự tăng trưởng trở lại của nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu, cũng như dòng FDI lành mạnh trở lại. Mặc dù vậy, nhiều người cũng kỳ vọng vào sự khác biệt về kịch bản hồi phục của Việt Nam với một hệ thống ngân hàng không bị suy yếu do khủng hoảng tài chính quốc tế và tiếp sức cho hồi phục kinh tế.
Trong 4 tháng vừa qua, hệ thống ngân hàng được đánh giá có vai trò tích cực trong việc giảm đà suy thoái kinh tế và trong thời gian tới được kỳ vọng là động lực để hỗ trợ cho sự hồi phục mạnh. Chương trình tín dụng bù lãi suất đã triển khai được 70% khối lượng, góp phần giảm 30 - 35% chi phí vay vốn và giảm 4 - 5% giá thành cho các DN. Các kết quả lợi nhuận khá thuận lợi của một số ngân hàng năm 2008 và đầu năm 2009 càng tiếp sức cho kỳ vọng này.
Song cần có một cái nhìn toàn diện và xuyên suốt về các NHTM từ giai đoạn tiền khủng hoảng đến nay. Thực tế, các NHTM Việt Nam chưa hoàn toàn lành mạnh sau giai đoạn 2007 - 2008 tăng trưởng tín dụng nóng. Việc các ngân hàng tiếp sức cho những hoạt động kinh doanh không có sức cạnh tranh của DN chỉ giúp tránh việc phải cơ cấu lại một cách đau đớn thông qua phá sản, giải thể DN, để trông chờ có phép màu làm DN hồi phục (khả năng rất thấp nếu kinh tế hồi phục theo hình thái chữ U) và ngân hàng tránh mất vốn. Hậu quả là sẽ khiến đà hồi phục của nền kinh tế chậm lại, do làm mất cơ hội phân bổ nguồn lực và tài trợ tín dụng vào các dự án hiệu quả và đóng góp cho tăng trưởng nhiều hơn.
Tăng trưởng dư nợ tín dụng nóng của hệ thống ngân hàng rơi vào cuối quý I/2008 (tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP vào thời điểm đó ước đạt 100%) liệu đã được xử lý dứt điểm? Tỷ lệ nợ xấu theo tiêu chuẩn Việt Nam cuối năm 2008 là khoảng 3,5% tổng dư nợ, song với chuẩn quốc tế, tỷ lệ này có thể cao hơn (Fitch trong báo cáo hồi tháng 2 vừa qua đưa ra ước tính gấp 3 lần con số nói trên). Dư nợ bất động sản và dư nợ cho vay tiêu dùng từ cuối quý I/2008 có thể chiếm đến 16 - 18% tổng dư nợ của hệ thống, là các khoản nợ có rủi ro cao do phần lớn chảy vào TTCK và bất động sản từ quý IV/2007 - quý I/2008 trước khi hai thị trường này sụt giảm mạnh. Ngoài ra, tín dụng của hệ thống ngân hàng cho các ngành kinh doanh thép, đóng tàu và vận tải biển với giá trị rất lớn cũng tiềm tàng khá nhiều rủi ro, khi ngành thép và vận tải biển có 1 năm (2008) cực kỳ biến động, khi sốt cực nóng trong nửa đầu năm và sau đó lại rơi tự do vì tác động của khủng hoảng.
Lợi nhuận của một số NHTM trong năm 2008 vẫn khả quan bất chấp khủng hoảng là do có đến hơn 50% đến từ hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối và trái phiếu. Năm 2009, các NHTM không thể lặp lại kỳ tích đó và phải quay trở lại đẩy tăng trưởng tín dụng lên để có thể lấy thu nhập từ tăng vòng quay tín dụng bù lại. Các NHTM có lợi nhuận khả quan ở quý I/2009 một phần do hiện thực lợi nhuận từ trái phiếu còn lại từ năm 2008. Tuy nhiên, không thể loại trừ có đơn vị mà một phần lợi nhuận có được từ việc đảo các khoản nợ đáng lẽ phải chuyển sang nợ xấu, song lại tiếp tục được che đậy sau khi thu được lãi từ DN và thay thế hợp đồng tín dụng cũ bằng một hợp đồng tín dụng mới, với những thủ thuật để hà hơi tiếp sức cho DN yếu kém cũng như che đậy rủi ro về nợ xấu cho ngân hàng.
Hệ lụy của tình trạng này là ẩn dưới khoản vay đáng lẽ phải chuyển thành nợ xấu mà nay gia hạn tiếp thành nợ bình thường, có thể là một dự án bất động sản đóng băng, các con tàu mua giá cao phải ngừng chạy, tàu đang đóng dở nhưng khách hàng hủy hợp đồng, dây chuyền máy móc vận hành kém hiệu quả không có đầu ra... Các tài sản không có hiệu quả này liệu có thể vận hành và khai thác tốt trong thời gian tới để có tiền trả nợ gốc cho ngân hàng, khi mà nhiều ngành sản xuất dù có hồi phục nhưng vẫn ở mức rất thấp so với đỉnh điểm giữa năm 2008. Hay là các tài sản vẫn tiếp tục tồn đọng, trong khi ngân hàng chỉ thu được lãi bằng thủ thuật mà khó có thể thu được gốc, qua đó vẫn chất gánh nặng lên các ngân hàng để có thể tăng tín dụng cho nền kinh tế. Đặc biệt, tình trạng này còn có thể dẫn tới sự kìm hãm việc tài trợ cho các dự án sản xuất - kinh doanh khác có hiệu quả, lành mạnh hơn, có thể đóng góp nhiều hơn cho phục hồi kinh tế. Nếu điều này xảy ra, hình thái chữ U của phục hồi kinh tế sẽ có đáy dài hơn.