Ngân hàng tuần qua: Chặn cửa mua bán chui TPDN; Ngân hàng mỏng vốn; Không để tiền ảo lọt lưới rửa tiền

Sớm phân chia room tín dụng còn lại của năm; Giá vàng có thể tăng những tháng tới; Chặn cửa mua bán chui TPDN; Ngăn tiền ảo lọt lưới rửa tiền... là tâm điểm ngân hàng tuần qua.
Ngân hàng tuần qua: Chặn cửa mua bán chui TPDN; Ngân hàng mỏng vốn; Không để tiền ảo lọt lưới rửa tiền

Bịt lỗ hổng lách luật mua bán trái phiếu doanh nghiệp

Việc lách luật mua bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) dưới dạng hợp đồng góp vốn, ủy thác đầu tư… vẫn tràn lan trên thị trường. Bộ Tài chính đang tìm cách bịt lỗ hổng này.

Bà Nguyễn Thúy Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, mới đây, bà được một nhân viên của tập đoàn S. mời mua TPDN với lãi suất 10,2%/năm. Để lách quy định về điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhân viên này cung cấp cho bà hợp đồng góp vốn đầu tư với công ty tài chính X. là công ty con của tập đoàn S. Theo đó, công ty X. mới là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đứng ra mua TPDN, còn bà Hằng chỉ là bên góp vốn cùng công ty X đầu tư.

Trước đó, như Báo Đầu tư phản ánh, sau sự cố trái phiếu Tân Hoàng Minh, tình trạng lách luật bán chui TPDN vẫn diễn ra tràn lan trên thị trường, thông qua hình thức ủy thác đầu tư, góp vốn đầu tư…

Theo số liệu của Bộ Tài chính, các tổ chức vẫn là đối tượng nắm giữ lớn nhất TPDN, song thực tế, cá nhân mới là đối tượng nắm giữ TPDN nhiều nhất trên thị trường, nếu tính cả các hợp đồng lách luật dạng góp vốn hay ủy thác đầu tư.

Cụ thể, dữ liệu của Bộ Tài chính cho hay, trong quý I/2022, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ mua 9,5% lượng TPDN phát hành, nhưng trên thị trường thứ cấp, tỷ lệ này cao gấp 3 lần, lượng TPDN riêng lẻ mà cá nhân nắm giữ lên tới 33,82% tổng giá trị TPDN đang lưu ký. Nói cách khác, phần lớn TPDN riêng lẻ được các công ty chứng khoán mua trên sơ cấp và phân phối lại cho tổ chức tín dụng, nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức khác.

Nếu như cuối năm 2021, tổng số nhà đầu tư cá nhân nắm giữ TPDN riêng lẻ, theo báo cáo của các tổ chức lưu ký, là gần 289.000 người, thì đến cuối quý I/2022, con số này tăng lên 340.300 người. Nếu tính cả các hợp đồng góp vốn đầu tư, con số này còn cao hơn rất nhiều.

Tình trạng lách luật bán TPDN cho nhà đầu tư cá nhân không chuyên khiến Bộ Tài chính lo lắng. Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua đã xảy ra hiện tượng nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp nhằm đầu tư vào TPDN riêng lẻ. Việc này có sự tiếp tay của các tổ chức phân phối trái phiếu, tổ chức tư vấn là công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại thông qua 2 hình thức.

Một là, sử dụng giấy tờ giả mạo xác nhận nhà đầu tư, sử dụng các hợp đồng mua bán chứng khoản có kỳ hạn hoặc sử dụng tài khoản vay ký quỹ.

Hai là, sử dụng hình thức góp vốn thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư với các tổ chức hoặc cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo luật dân sự như trường hợp Tân Hoàng Minh.

“Các hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư để mua TPDN trong trường hợp vụ việc Tân Hoàng Minh cũng đặt ra vấn đề về việc cần quy định cụ thể hình thức hợp đồng dân sự này để có biện pháp quản lý phù hợp với bản chất của hoạt động đầu tư vào những sản phẩm trên thị trường chứng khoán”, Bộ Tài chính khẳng định.

Theo các luật sư, hình thức góp vốn đầu tư, ủy thác đầu tư mua TPDN không vi phạm pháp luật hiện hành, song tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Nếu doanh nghiệp phát hành không trả được nợ, nhà đầu tư sẽ không được bảo vệ quyền lợi theo pháp luật chứng khoán và Nghị định số 153, vì việc góp vốn, ủy thác đầu tư được điều chỉnh bởi hợp đồng dân sự.

Bộ Tài chính đang hoàn thiện, trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Một trong những trọng tâm của Nghị định sửa đổi này là hướng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vào các sản phẩm trái phiếu có chất lượng cao hơn, nâng cao điều kiện đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ và bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm của các tổ chức có chức năng giám sát trên thị trường.

Cụ thể, Nghị định sẽ nâng chuẩn quy định với nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Theo đó, cá nhân đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải có mệnh giá trái phiếu lên đến 1 tỷ đồng; giá trị đầu tư chứng khoán 2 tỷ đồng, khi xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải là tài sản của chính nhà đầu tư, được duy trì trong tối thiểu 6 tháng; nhà đầu tư có trách nhiệm ký cam kết hiểu rõ về các điều kiện, điều khoản, rủi ro của trái phiếu, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật trước khi mua TPDN riêng lẻ.

Bên cạnh đó, để bịt lỗ hổng mua bán TPDN “chui” thông qua hình thức ủy thác đầu tư, góp vốn, Nghị định sửa đổi Nghị định 153 tới đây cũng quy định nhà đầu tư không được phép bán lại trái phiếu đã mua cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dưới mọi hình thức, bao gồm cả hình thức góp vốn đầu tư để tránh trường hợp như Tân Hoàng Minh.

Bên cạnh việc siết lỗ hổng về nhà đầu tư, để phát triển bền vững thị trường TPDN nói riêng, thị trường vốn nói chung, các chuyên gia đề nghị, Bộ Tài chính cần có giải pháp cụ thể để phát triển các định chế tài chính trung gian (doanh nghiệp bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư, hệ thống quỹ hưu trí) nhằm tăng sức cầu cho thị trường, cũng như tạo kênh đầu tư an toàn cho nhà đầu tư cá nhân.

Ngân hàng Việt vẫn mỏng vốn, nợ xấu tiêu dùng tăng mạnh

Ngân hàng Thế giới cho rằng, chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt vẫn đáng quan ngại, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của một số ngân hàng chỉ đạt 35%, trong khi nợ xấu có nguy cơ tăng.

Trong Báo cáo Điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 8/2022 vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2022, chính sách tiền tệ nới lỏng được duy trì giúp tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ, thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào.

Mặc dù vậy, chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn là một quan ngại và cần phải liên tục theo dõi. Nợ xấu nội bảng quý I/2022 vẫn ở mức thấp (1,53%) song nếu tính cả nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là 3,41%. Trong trường hợp tính cả nợ xầu tiềm ẩn từ các khoản nợ đã được tái cấu trúc, tỷ lệ nợ xấu điều chỉnh ước tính lên đến 5,76%.

Đáng chú ý, chất lượng tín dụng tiêu dùng có vẻ xấu đi đáng kể, với tỷ lệ nợ xấu tại các công ty tài chính tiêu dùng phi ngân hàng tăng vọt lên đến 9,6% trong năm 2021 so với 5,5% trong năm 2020.

Thời gian gần đây, dù nhiều ngân hàng thương mại nâng mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu, song theo nhận định của WB, tình trạng vốn mỏng ở các ngân hàng vẫn đang là vấn đề đáng lo ngại. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu bình quân trong tháng 12/2021 là 142% song ở một số ngân hàng chỉ đạt 35%.

Thực tế, theo khảo sát của Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn, báo cáo tài chính của một số ngân hàng quý II/2022 cho thấy, nhiều ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu dưới 100%. Đơn cử, PGBank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ 8,1%...

Cũng theo WB, dù tỷ lệ an toàn vốn bình quân (CAR) của hệ thống ngân hàng tăng nhẹ lên 11,47% trong quý I/2022 (so với 11,3% trong quý I2021) - cao hơn yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước - nhưng vẫn tương đối thấp. Tỷ lệ CAR ở một số ngân hàng chỉ cao hơn một chút so với yêu cầu tối thiểu.

WB cũng cảnh báo, rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản có thể tăng trong bối cảnh huy động vốn thiếu minh bạch, bị định giá quá cao, phần nào do đầu cơ. Các biện pháp thắt chặt kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thắt chặt tín dụng bất động sản càng làm dấy lên quan ngại rằng rủi ro trên thị trường bất động sản có thể lan sang khu vực ngân hàng.

Theo WB, GDP Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, do xuất phát từ nền thấp năm 2021. Lạm phát bình quân dự kiến rơi vào khoảng 3,8% trong năm 2022 (sẽ tăng mạnh hơn nửa cuối năm 2022).

Trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng, có thể làm suy giảm quá trình phục hồi, nhất là về đầu tư và tiêu dùng tư nhân, các chuyên gia WB cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là phải cân bằng giữa chính sách hỗ trợ phục hồi áp lực kiềm chế lạm phát cũng như rủi ro tài chính đang phát sinh.

Riêng với chính sách tiền tệ, WB cho rằng, rủi ro lạm phát gia tăng đòi hỏi phải có chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Vì lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát và nền kinh tế vẫn nằm dưới mức tiềm năng, nên chính sách tiền tệ nới lỏng có lẽ vẫn phù hợp ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực - khi lạm phát cơ bản gia tốc và lạm phát toàn phần vượt chỉ tiêu 4% của Chính phủ - Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ để kìm áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt lại cung tiền. Các bước đó kết hợp với các biện pháp truyền thông rõ ràng và mang tính dự báo về quyết định chính sách tiền tệ là cách để giúp định hướng cho các thành viên thị trường, đồng thời đảm bảo neo giữ được kỳ vọng lạm phát.

Trong trung hạn, WB cho rằng, cần cải cách căn bản hơn nhằm tăng cường khung chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước theo hướng áp dụng chỉ tiêu lạm phát là cách để nâng cao hiệu quả và tác động truyền dẫn của chính sách tiền tệ. Các bước liên quan có thể bao gồm mở rộng các công cụ hiện có để quản lý thanh khoản cũng như tăng cường các biện pháp an toàn vĩ mô. Rủi ro tài chính phát sinh cũng cần được chủ động quản lý để nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng.

Chất lượng tài sản ngân hàng và nợ xấu bị khủng khoảng Covid-19 gây ảnh hưởng cần được theo dõi chặt chẽ. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường giám sát an toàn và đảm bảo các ngân hàng phải tuân thủ đầy đủ các quy định về dự phòng và báo cáo nợ xấu nhằm nâng cao khả năng chống chịu và năng lực hấp thụ lỗ của các ngân hàng. Biện pháp đó có thể được tăng cường qua tiếp tục triển khai Basel II nhằm hài hòa báo cáo về nợ xấu và dự phòng tổn thất vốn vay với các chuẩn mực quốc tế.

Nếu phát sinh thiếu vốn, các ngân hàng cần được yêu cầu xây dựng kế hoạch bổ sung vốn cụ thể và có thời hạn. Cơ chế xử lý tình trạng mất khả năng trả nợ của doanh nghiệp và cơ chế xử lý trong khu vực ngân hàng hiệu quả cũng có vai trò quan trọng nhằm xử lý tình trạng mất khả năng trả nợ.

Bên cạnh đó, điều quan trọng là cần tăng cường chiều sâu những cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ cho tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn, giúp cho nền kinh tế phát triển bao trùm hơn với khả năng chống chịu cao hơn.

Không để tiền ảo lọt lưới rửa tiền

Liên tiếp những đường dây đánh bạc, rửa tiền thời gian gần đây đều sử dụng tiền ảo. Thế nhưng, tài sản ảo, tiền ảo hiện vẫn nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống rửa tiền.

Chỉ từ năm ngoái tới nay, hàng loạt đường dây đánh bạc trực tuyến được lực lượng công an triệt phá. Đáng chú ý, hầu hết các đường dây đánh bạc này đều có liên quan tới tiền ảo và có dấu hiệu rửa tiền. Điển hình là đường dây đánh bạc qua hệ thống Evol (evol.club) với số tiền khoảng 30.000 tỷ đồng; đường dây tổ chức đánh bạc qua trang Nagaclubs.com với số tiền khoảng 87.000 tỷ đồng; đường dây tổ chức đánh bạcqua trang bong88.com với số tiền khoảng 13.500 tỷ đồng… Hầu hết các nhà cái (sòng bài) đều ở nước ngoài, người chơi lập tài khoản và nạp tiền vào sau đó quy ra tiền ảo để cá cược.

Không chỉ đánh bạc, thời gian qua, hoạt động kinh doanh, giao dịch mua bán tiền ảo, tài sản ảo diễn ra hết sức sôi động ở nước ta. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng nào. Tiền ảo và tài sản ảo vẫn “lọt lưới” do các quy định của Luật phòng chống rửa tiền chưa quy định về vấn đề này.

Trước đó, Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) cũng nhiều lần chỉ ra các rủi ro tiềm tàng về rửa tiền, tài trợ khủng bố của tiền ảo và khuyến nghị, yêu cầu các quốc gia phải đảm bảo các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tài sản chịu sự điều chỉnh của pháp luật về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, được đăng ký, cấp phép và chịu sự quản lý giám sát.

Tại dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền công bố tháng 6/2022, NHNN đã bổ sung đối tượng cung cấp dịch vụ tài sản ảo. Theo dự thảo mới nhất được trình Thường vụ Quốc hội, nội dung này lại không được đưa vào. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho hay, sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đánh giá tính khả thi, đồng thời để đảm bảo quy định tại Luật có tính bao quát được các hoạt động phát sinh trong tương lai, dự thảo Luật được điều chỉnh lại theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền.

Nguyên nhân là Luật nguồn chưa có, nên mặc dù có giao dịch về tiển ảo, nhưng cơ quan chức năng không bắt bớ cũng không ngăn cấm, nội dung này lẽ ra phải sửa ở luật dân sự, ông Dũng giải thích.

Cũng theo Phó thống đốc, dự thảo Luật lần này bổ sung quy định đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền đối với các sản phẩm, dịch vụ mới và sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới trước khi đưa vào sử dụng; ban hành chính sách, quy trình về quản lý rủi ro.

Trước đó, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho hay, theo quan điểm của Bộ Tư pháp, các hoạt động kinh doanh tài sản ảo chưa được thừa nhận ở Việt Nam nên việc đưa vào Luật có thể gây ra rất nhiều cái tranh cãi về mặt pháp lý.

“Bộ Tư pháp cho rằng nếu ghi vào Luật thì vô hình chung chúng ta thừa nhận hoạt động kinh doanh này. Ý kiến này chưa hẳn thuyết phục nhưng cho thấy, về mặt pháp lý đây đang là nội dung gây tranh cãi”, ông Hiếu nói.

Trao đổi với Báo Đầu tư, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật Anvi cho rằng, luật pháp Việt Nam không công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán, còn thực chất tiền ảo là một loại tài sản, dù hệ thống pháp lý hiện hành có công nhận và đưa ra các quy định điều chỉnh hay không. Do đó, nếu đưa đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền, theo luật sư Đức, cũng không hề trái với quy định pháp luật hiện hành.

Tuy vậy, việc ban hành các luật nguồn về tài sản ảo, tiền ảo sẽ giúp việc xây dựng luật liên quan chặt chẽ hơn.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, tài sản ảo và dịch vụ tài sản ảo phải được đăng ký hoặc cấp phép bởi có quan có thẩm quyền, phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa về rửa tiền và tài trợ khủng bố, phải được quản lý, giám sát bởi cơ quan có thẩm quyền. Quốc gia phải có hình phạt phù hợp xử lý đối với trường hợp tài sản ảo và dịch vụ tài sản ảo có vi phạm pháp luật...

Thực tế, trong dự thảo trước đó, nội dung về tài sản ảo cũng chỉ được đưa ra dưới dạng luật khung.

Các chuyên gia cho rằng, để tiền ảo không “lọt lưới” rửa tiền, ngoài việc lồng ghép khéo léo vào dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi, cần phải hoàn thiện các quy định khác liên quan đến tài sản ảo để tránh các lỗ hổng pháp luật khác.

Còn nhớ, cách đây 5 năm, Chi cục Thuế Bến Tre thua kiện một cá nhân vì 'đánh thuế' thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng về kinh doanh bitcoin. Tuy nhiên, sau đó, cá nhân này khiếu nại vàTòa án đã phải tuyên hủy quyết định đánh thuế của Chi cục thuế Bến tre. Nguyên nhân là bitcoin chưa được công nhận là hàng hóa, tài sản nên giao dịch không phải nộp thuế.

Mặc dù được Chính phủ chỉ đạo từ lâu song đến nay khung pháp lý về tài sản ảo, tiền ảo vẫn chưa hoàn thiện. Cuối tháng 3/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục giao Bộ Tài chính chủ trì làm việc, trao đổi thống nhất với Bộ Tư pháp, NHNN và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý về tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào Luật Phòng, chống rửa tiền là hết sức cần thiết, không chỉ đáp ứng khuyến nghị của các tổ chức phòng chống rửa tiền thế giới mà còn nhằm đảm bảo an ninh tài chính trong nước, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền, tham nhũng, khủng bố… Tuy vậy, ngay cả khi đưa được tiền ảo vào đối tượng giám sát trong Luật Phòng, chống rửa tiền, theo chuyên gia này, khâu thực thi, giám sát cũng rất khó.

“Chúng ta đều biết các sàn tiền ảo đều lập ở nước ngoài, người chơi trong nước đều là cá nhân nên việc nhận diện và quản lý sẽ rất khó khăn”, ông Trương Thanh Đức nói.

Nâng cao công tác điều tra, xét xử, thu hồi tài sản với tội rửa tiền

Đây là nội dung trong Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 - 2025.

Kế hoạch đưa ra mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản đối với tội rửa tiền.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 941/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL) có hiệu quả ở Việt Nam vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế; thực hiện trách nhiệm thành viên của Việt Nam trong Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG).

Bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, góp phần phòng, chống tội phạm tham nhũng, rửa tiền, TTKB/TTPBVKHDHL, tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính và các đối tượng báo cáo khác, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và hướng tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Nâng cao hiệu quả đánh giá rủi ro quốc gia và hợp tác trong nước trên cơ sở cập nhật đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền (RT)/TTKB/TTPBVKHDHL và xây dựng kế hoạch hành động nhằm giải quyết rủi ro được xác định trong kết quả đánh giá rủi ro quốc gia; sửa đổi, bổ sung, xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực có rủi ro cao về RT/TTKB/TTPBVKHDHL.

Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát đối với tất cả các lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của các bộ, ngành; đưa vào kế hoạch thanh tra hàng năm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL và nghiên cứu, triển khai, áp dụng thanh tra trên cơ sở rủi ro về RT/TTKB/TTPBVKHDHL.

Kế hoạch đưa ra mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản đối với tội rửa tiền/TTKB, đặc biệt đối với các lĩnh vực có rủi ro cao trên cơ sở hợp tác trong và ngoài nước thông qua các cơ chế hợp tác chính thức và phi chính thức; thực hiện có hiệu quả quy trình điều tra, truy tố song song tội rửa tiền với tội phạm nguồn của tội rửa tiền; xây dựng, hoàn thiện quy trình/trình tự điều tra tài chính song song, truy tìm, ngăn chặn, tịch thu tài sản đối với các tội phạm nguồn có rủi ro cao.

Nâng cao hiệu quả công tác PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL trên cơ sở tăng cường nguồn lực, đặc biệt tăng cường nguồn lực cho Cơ quan phòng, chống rửa tiền (Cục Phòng, chống rửa tiền) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; nâng cao nhận thức và tăng cường hiệu quả hoạt động của các đơn vị làm công tác PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL ở các bộ, ngành có liên quan…

Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đã đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu quốc tế và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; nâng cao hiệu quả công tác đánh giá rủi ro RT/TTKB/TTPBVKHDHL và hợp tác trong nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo các đối tượng báo cáo tuân thủ các quy định pháp luật về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL, hướng đến áp dụng cách tiếp cận trên cơ sở rủi ro; tiếp tục tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử và tịch thu, thu hồi tài sản, đặc biệt đối với các tội phạm nguồn được xác định có rủi ro cao về RT/TTKB/TTPBVKHDHL; nâng cao hiệu quả công tác PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL…

Theo Kế hoạch, một số bộ liên quan sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện quy định xử phạt vi phạm hành chính về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL; nghiên cứu đối với lĩnh vực tài sản ảo để ngăn chặn hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam; tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL đối với tất cả các lĩnh vực thuộc quyền quản lý nhà nước của các bộ, ngành.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toàn án nhân dân tối cao tăng cường hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội RT/TTKB đặc biệt với các lĩnh vực được xác định rủi ro cao…

Thống đốc: Rà soát, điều chỉnh phần tăng trưởng tín dụng còn lại của 14%

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, nhưng ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối là điều quan trọng nhất.

Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp diễn ra sáng nay (11/8), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết “cảm nhận áp lực từ nhiều phía”.

Ví dụ đối với lãi suất, doanh nghiệp muốn giảm, nhưng người gửi tiền trong bối cảnh lạm phát tăng cao cũng cần có mức lãi suất phù hợp.

Trong tổng hợp báo cáo của các đơn vị gửi ngân hàng, có doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị phá giá đồng Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu lại phản ánh nếu đồng Việt Nam phá giá thì làm cho các doanh nghiệp nhậu khẩu bị nhỡ.

Thống đốc cho biết, có thời điểm trước khi giảm giá đồng Việt Nam 9,2%, có nhiều doanh nghiệp phải phân bổ điều chỉnh tỷ giá trong nhiều năm. Về tín dụng, tháo gỡ tín dụng cho thị trường bất động sản nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn muốn tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

“Đây là áp lực lớn đối với NHNN và đặc biệt là với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô”, bà nói.

Do đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN điều hành chính sách tiền tệ với các mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Thống đốc nhắc lại bài học về giai đoạn lạm phát tăng cao, tỷ giá biến động mạnh, cuộc đua lãi suất, hệ thống tổ chức tín dụng đối mặt với khó khăn về thanh khoản chi trả cho người gửi tiền. “Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quên giai đoạn đó. Vì vậy, sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối là điều quan trọng, tạo lập sự ổn định vĩ mô để phục hồi nhanh và phát triển bền vững”, bà nhấn mạnh.

Thống đốc cho biết, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù tình hình khó khăn chung nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, hằng ngày, hằng giờ, NHNN đã cố gắng điều hành cơ bản ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và kinh tế vĩ mô. Trong thời gian tới vẫn phải triển khai những công việc còn tồn đọng, khó khăn trước như tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng…

Riêng về tín dụng, việc xác định tăng trưởng tín dụng như thế nào để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiềm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hoạt động cho các ngân hàng, NHNN khẳng định tín dụng phải đạt được mục tiêu như vậy. Việc cấp tín dụng do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và phải bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Đối với tăng trưởng tín dụng, thời gian tới NHNN sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng còn lại của 14%; tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ đạt những mục tiêu đề ra.

Đối với thị trường bất động sản, nguồn vốn của bất động sản giải quyết được rất nhiều "kênh" từ FDI, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng chỉ là 1 kênh. Trong bối cảnh tỷ giá USD mạnh lên, lãi suất quốc tế tăng lên trong khi chúng ta yêu cầu trong nước phải ổn định lãi suất thì dòng kiều hối sẽ hạn chế vào, thậm chí còn chuyển ra. Như vậy đặt áp lực cho NHNN về điều hành tỷ giá. Câu chuyện đó là bài toán tổng thể, chính sách tiền tệ là một trong những chính sách về kinh tế vĩ mô đó.

Nhu cầu vàng sẽ tăng trong những tháng tới

Đó là nhận định của ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không gồm Trung Quốc) của Hội đồng Vàng thế giới - WGC.

Theo ông Andrew Naylor, vàng được xem là “hầm trú ẩn” trong bối cảnh lạm phát và suy thoái kinh tế.

Trong nửa đầu năm 2022, các yếu tố kinh tế vĩ mô như lạm phát tràn lan và bất ổn địa chính trị đã thúc đẩy thị trường vàng toàn cầu. Dù giá đã giảm nhẹ từ mức rất cao trong quý I/2022, vàng vẫn là một trong những tài sản tăng trưởng tốt nhất trong năm nay.

Mặc dù đà tăng của vàng bị cản bởi lộ trình tăng mạnh lãi suất USD của Fed thời gian qua, song thực tế, vàng vẫn tăng giá sau mỗi lần lãi suất USD điều chỉnh. Thị trường vàng được cho là sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức trong nửa cuối năm 2022. Nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn sẽ tiếp tục khuyến khích hoạt động đầu tư vàng.

Dự báo, năm 2022 là một cuộc chiến gay go của lãi suất và lạm phát. Lãi suất USD tăng có thể là một cơn gió thổi ngược đối với vàng, vì sẽ làm tăng chi phí cơ hội của khoản đầu tư vào vàng thỏi. Tuy nhiên, lạm phát lại có thể trở thành một ngọn gió xuôi với những người coi vàng là một mặt hàng phòng thủ tiềm năng để chống lại lạm phát.

Sau đợt phục hồi vào tháng 4/2022, giá vàng đã sụt giảm trong quý II/2022 khi các nhà đầu tư chuyển hướng tập trung sang USD. Giá vàng giảm 6% trong quý đã tác động đến các quỹ ETF vàng. Tính chung, dòng vốn vào ròng của các quỹ ETF vàng trong nửa đầu năm nay lên tới 234 tấn, so với dòng vốn ra 127 tấn trong nửa đầu năm 2021.

Mức sụt giảm trong quý II/2022 có thể tạo nên bầu không khí ảm đạm hơn cho các quỹ ETF vào nửa cuối năm 2022, trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và lãi suất USD tiếp tục được Fed điều chỉnh tăng. Nhu cầu vàng duy trì tình trạng ổn định so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 245 tấn trong quý II/2022. Đáng chú ý, nhu cầu tăng mạnh tại Ấn Độ, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ, giúp cân bằng tình hình nhu cầu vàng thấp tại Trung Quốc do phần nào bị ảnh hưởng bởi việc tiếp tục phong tỏa để phòng chống Covid-19

Lũy kế nửa đầu năm nay, nhu cầu vàng toàn cầu đã giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 526 tấn. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua ròng trong quý II/2022, tăng dự trữ chính thức toàn cầu lên 180 tấn. Lũy kế, các ngân hàng trung ương trên thế giới mua ròng đạt 270 tấn trong nửa đầu năm nay, phù hợp với kết quả khảo sát ngân hàng trung ương gần đây, trong đó 25% số người được hỏi cho biết, họ dự định tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tiếp theo.

Do nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tiếp tục siết chặt chi tiêu, nên nhu cầu của người tiêu dùng có thể sẽ giảm xuống.

Nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng từ 12,6 tấn trong quý II/2021, lên 14 tấn trong quý II/2022, tương ứng tăng 11% theo số liệu của WGC. Nguyên nhân đến từ tổng nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng tăng 5%, từ 9,1 tấn lên 9,6 tấn; nhu cầu vàng trang sức tăng 28%, từ 3,5 tấn lên 4,5 tấn.

Do lo ngại về tình trạng lạm phát leo thang và sự suy yếu của đồng Việt Nam, các nhà đầu tư đã tìm đến vàng để phòng rủi ro. Điều này được phản ánh qua mức phí bảo hiểm cao kỷ lục đối với đầu tư vàng miếng trong nước. Không chỉ có vàng miếng, vàng thỏi, nhu cầu trang sức vàng cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, do giá vàng trong nước giảm và tâm lý lạc quan của người tiêu dùng trong bối cảnh phục hồi kinh tế toàn cầu, cùng với gói kích cầu 350.000 tỷ đồng (tương đương 15 tỷ USD) mà Chính phủ Việt Nam đề ra.

Kỳ vọng nhu cầu bán lẻ vàng sẽ tiếp tục phục hồi khi tăng trưởng kinh tế trở thành động lực lớn khiến người tiêu dùng quan tâm đến vàng nhiều hơn. Khi các nền kinh tế tiếp tục phục hồi và mở cửa, nhu cầu bán lẻ vàng được dự đoán có khả năng tăng. Lạm phát là điều người tiêu dùng luôn lo ngại và vàng đã được công nhận là tài sản giúp bảo vệ khỏi những lo ngại đó. Nghiên cứu của WGC thực hiện tại Việt Nam cho thấy, 79% người Việt Nam tin rằng, vàng là biện pháp phòng hộ tốt nhất trước lạm phát và biến động tiền tệ. 81% người dùng đang cân nhắc mua vàng là minh chứng cho sức mua mạnh mẽ của Việt Nam.

Có một số yếu tố cần được xem xét: thị trường vàng là thị trường mang tính toàn cầu, nhưng các chuỗi cung ứng địa phương và các kích cỡ thanh vàng khác nhau có thể tạo ra chênh lệch giá giữa các thị trường. Vì thế, người tiêu dùng cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng để có giá tốt nhất.

Đồ trang sức bằng vàng chiếm khoảng 33% nhu cầu hàng năm về vàng trên toàn thế giới và nó thường được xem như một khoản đầu tư. Dù có thể phục vụ nhu cầu thẩm mỹ, trang sức vàng thường được mua với động cơ tài chính. Chúng tôi kỳ vọng, nhu cầu của người tiêu dùng vẫn nằm ở mức cao trong bối cảnh các nền kinh tế tiếp tục phục hồi và mở cửa.

Theo nghiên cứu thị trường của WGC, vàng trang sức là khoản đầu tư được sở hữu nhiều thứ ba tại Việt Nam. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của vàng trang sức với vị thế như một tài sản tài chính và vai trò của nó trong nền kinh tế Việt Nam.

Tin bài liên quan