Có nhiều ý kiến dư luận xung quanh việc quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu (Ảnh minh hoạ).

Có nhiều ý kiến dư luận xung quanh việc quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu (Ảnh minh hoạ).

Ngân hàng tự ý thu nợ 270 tỷ đồng từ Quỹ bình ổn xăng dầu của doanh nghiệp, Bộ Tài chính lên tiếng

(ĐTCK) Lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền làm rõ việc ngân hàng tự ý thu nợ 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ bình ổn xăng dầu do doanh nghiệp mở tại ngân hàng.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2023 của Bộ Tài chính chiều 5/10, lãnh đạo đơn vị này đã thông tin tới báo chí một số nội dung liên quan đến việc quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG), do thời gian qua xuất hiện một số bất cập đối với quỹ này, trong đó có tình trạng doanh nghiệp chiếm dụng quỹ.

Ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, tại Nghị định 95 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Thông tư 103 hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã có quy định rất rõ về việc hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ này.

Theo đó, buộc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải có nghĩa vụ trích lập quỹ bình ổn giá, đồng thời hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bằng tài khoản mở tại ngân hàng. Thương nhân đầu mối phải có trách nhiệm trước pháp luật việc lựa chọn ngân hàng mở tài khoản, đảm bảo bảo toàn số dư quỹ theo đúng quy định về trích lập, chi Quỹ này.

Đồng thời, phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến Bộ Tài chính, Bộ Công thương và công bố thông tin theo quy định.

Có phóng viên đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu trước hàng loạt dấu hiệu vi phạm thời gian qua và làm rõ việc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tự động trừ nợ 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ bình ổn của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà có đúng quy định pháp luật hay không?

Ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - Ảnh: M. Minh

Ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - Ảnh: M. Minh

Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Quản lý giá cho biết, Công ty Hải Hà thực hiện theo quy định về quỹ và báo cáo số tài khoản Quỹ bình ổn giá về Bộ Tài chính và Bộ Công thương hàng tháng, có báo cáo kết chuyển số dư quỹ theo điều hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với việc BIDV cấn nợ gần 270 tỷ đồng từ tài khoản mà Công ty Hải Hà cho là tài khoản Quỹ BOG, đại diện Cục Quản lý giá cho hay, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước để cùng phối hợp thực hiện, có văn bản gửi BIDV về vấn đề này.

"Cơ quan có thẩm quyền sẽ làm rõ trách nhiệm này trong thời gian tới", ông Bình nói.

Ông Phạm Văn Bình cũng cho biết thêm, Bộ Tài chính thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động trích, chi quỹ; qua đó, đã xử lý vi phạm hành chính đối với một số doanh nghiệp liên quan đến Quỹ BOG.

Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 15/9, có 5 doanh nghiệp kết chuyển không đúng quy định về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đó là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà; Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương; Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức; Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam S.W.P và Công ty TNHH Trung Linh Phát.

Ngoài ra, có 3 doanh nghiệp không phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đó là Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương; Công ty TNHH Trung Linh Phát; Công ty Cổ Phần Appollo Oil.

Làm rõ thêm nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, tình hình trích lập, hình thành và quản lý Quỹ bình ổn giá đã triển khai đầy đủ, từ việc xây dựng khung khổ pháp lý, tổ chức quản lý, giám sát.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì buổi họp báo chiều 5/10 (Ảnh: M.Minh)

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì buổi họp báo chiều 5/10 (Ảnh: M.Minh)

Song, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thừa nhận, những diễn biến của tình hình quản lý và sử dụng Quỹ này của các doanh nghiệp trong thời gian gần đây cũng đặt ra một vấn đề là làm sao để làm tốt hơn, chặt chẽ hơn và minh bạch hơn việc hình thành và sử dụng quỹ này.

Lãnh đạo Bộ đã giao Cục Quản lý giá trực tiếp rà soát để có báo cáo cấp thẩm quyền các vấn đề vướng mắc, phát sinh trên thực tiễn.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng cho biết, Bộ Công thương đang được Chính phủ giao việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 và Nghị định 95, trong đó có nội dung về quản lý Quỹ BOG. Bộ Tài chính sẽ quan tâm và sẽ có thêm ý kiến về vấn đề này.

"Chúng ta đánh giá dựa trên thực tế về quản lý Quỹ, xem đã làm được gì. Cái gì tốt thì tiếp tục, cái gì bất cập thì sẽ sửa đổi để chặt chẽ hơn, đúng mục đích, hiệu quả và minh bạch hơn", ông Chi nói.

Trước đó, báo chí đưa tin về một số vụ việc liên quan đến Quỹ BOG. Đó là vụ 2 lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil bị bắt do vi phạm trong sử dụng và không nộp hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ Bình ổn giá. Cùng với đó là việc Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đã bị BIDV chi nhánh Long Biên, trích thu nợ tự động của công ty gần 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được lập tại chi nhánh này.

Câu chuyện này làm lộ ra một số lúng túng, bất cập trong việc quản lý các loại quỹ bình ổn giá, vốn là tiền của dân đóng góp.

Đến thời điểm ngày 29/9, bốn tháng sau khi bị phát hiện, BIDV vẫn chưa trả lại tiền vào Quỹ dù phản ánh đã được gửi lên Bộ Tài chính, Bộ Công thương.

Tin bài liên quan