Dù đã có Thông tư hướng dẫn, nhưng việc tự thu giữ tài sản đảm bảo của ngân hàng vẫn khó thực thi

Dù đã có Thông tư hướng dẫn, nhưng việc tự thu giữ tài sản đảm bảo của ngân hàng vẫn khó thực thi

Ngân hàng tự xử lý tài sản đảm bảo: quy định có, thực thi khó

(ĐTCK) Pháp luật dân sự đã ghi nhận quyền được xử lý tài sản bảo đảm của bên cho vay bằng việc quy định rõ 7 biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự như cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký quỹ, bảo lãnh… Trường hợp bên có nghĩa vụ thanh toán không thực hiện, bên nhận tài sản bảo đảm được quyền xử lý tài sản.

Sau khi Bộ luật Dân sự 2005 có hiệu lực, Chính phủ ban hành Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm, hướng dẫn việc xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm. Theo đó, đến hạn trả nợ mà bên vay không thực hiện việc trả nợ hoặc trả nợ không đúng với thỏa thuận trước đó thì bên cho vay được quyền xử lý tài sản bảo đảm.

Điều 63 Nghị định 163 ghi nhận quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên cho vay, hết thời hạn ấn định theo thông báo mà bên đang giữ nhà đất không bàn giao thì ngân hàng có quyền thu giữ. Điều luật này cũng quy định về việc thực hiện thu giữ ra sao, về chi phí liên quan đến việc thu giữ, quy định về sự phối hợp của cơ quan chính quyền…

Tuy nhiên, kể từ khi được ban hành vào năm 2006, Nghị định 163 hầu như không có tác dụng đối với hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng, bởi thiếu Thông tư hướng dẫn thi hành.

Văn bản này đã được đưa vào lịch trình xây dựng văn bản pháp quy của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và môi trường từ vài năm trước nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện để ban hành.

Trước tình hình cấp bách trong khó khăn xử lý nợ của ngân hàng, liên ngành gồm 3 bộ nói trên đã cho ra đời Thông tư liên tịch số 16 hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm vào cuối năm 2014.

Ngay sau khi Thông tư 16 được ban hành, nhiều ngân hàng bắt đầu ngóng trông sự chuyển biến trong hoạt động xử lý tài sản bảo đảm với chiều hướng ngân hàng tự tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm nếu khách hàng không hợp tác trả nợ thay vì phải khởi kiện như trước đây.

Bộ phận pháp chế và các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc các ngân hàng bắt tay vào nghiên cứu văn bản này, cân nhắc khả năng thực thi và lựa chọn những trường hợp đầu tiên để áp dụng.

Đầu năm 2015, Ngân hàng V. đã thực hiện việc thu giữ một căn hộ tại Chung cư 17T2, Trung Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội), vốn được khách hàng thế chấp cho khoản vay 5 tỷ đồng theo trình tự, thủ tục được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 16.

Cụ thể, ngân hàng này đã gửi các văn bản thông báo tới chủ tài sản là ông Sỹ Minh, bà Phương Thoa và các cơ quan chính quyền địa phương bao gồm: Thông báo yêu cầu chủ tài sản tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm; Thông báo về việc sẽ tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm; Thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm; Thông báo về thời gian, địa điểm, thành phần dự kiến tham gia tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc thu giữ này đã không nhận được sự đồng thuận của chủ tài sản cũng như dư luận, người dân. Nhiều quan điểm cho rằng, ngân hàng không thể “xông” vào “cướp” nhà dân, không thể làm thay vai trò của cơ quan thi hành án và khi có tranh chấp các bên cần đưa ra Tòa án giải quyết.

Sau đó 1 tháng, Ngân hàng T. tiến hành một vụ thu giữ tài sản bảo đảm tương tự. Khách hàng đã vay của Ngân hàng T. 1,9 tỷ đồng từ năm 2011 và không trả được nợ. Việc thu giữ tài sản bảo đảm được ngân hàng thực hiện theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định, có sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương.

Bên cạnh phản ứng chưa đồng tình của dư luận, cả hai vụ việc nói trên đều đi đến kết quả không hài lòng cho ngân hàng. Ngân hàng V. đã phải trả lại căn hộ cho khách hàng dưới sự chứng kiến của Viện Kiểm sát nhân dân địa phương bởi Ngân hàng đã khởi kiện ra Tòa án và sau đó, khoản nợ này đã được ngân hàng bán cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC). Theo đó, VAMC sẽ thế quyền Ngân hàng V. trong việc giải quyết ở Tòa án. Còn Ngân hàng T. cũng bị phát hiện tự thu giữ tài sản bảo đảm trong khi đã khởi kiện ra Tòa án.

Gần đây nhất, Ngân hàng T. đã tiến hành thu giữ một căn nhà ở quận Đống Đa (Hà Nội) và ngay sau đó khách hàng đơn thư kêu cứu khắp nơi, khiến ngân hàng này phải khốn khổ giải trình với các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí.

Một lãnh đạo công ty xử lý nợ và khai thác tài sản của ngân hàng này cho hay, bà B. đã được ngân hàng giải ngân hơn 6 tỷ đồng, nhưng mới trả nợ được khoảng 300 triệu đồng.

Ngân hàng gửi thông báo yêu cầu trả nợ, mời lên làm việc thì đều không nhận được phản hồi. Giằng co qua mấy năm, Ngân hàng quyết định thu giữ tài sản bảo đảm - vốn là căn nhà đang cho thuê, với sự có mặt của đại diện chính quyền địa phương. Mặc dù vậy, vụ việc vẫn không đi đến đâu khi bà B không chịu hợp tác, từ chối làm việc với ngân hàng...

Tin bài liên quan