Dự kiến vượt chỉ tiêu khi tín dụng tăng…
Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank (LPB) cho biết, năm 2021, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2020; tổng tài sản dự kiến đạt 282.600 tỷ đồng, tăng 16,6%; tín dụng thị trường 1 tăng 20%, lên 213.020 tỷ đồng; huy động vốn tăng 15%, lên 237.770 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2021, LPB đạt gần 1.112 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 84% so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, Ngân hàng có khả năng sẽ thực hiện vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2021.
Theo ông Sơn, từ đầu tháng 3/2021 đến nay, LPB thực hiện cơ cấu lại hơn 3.500 tỷ đồng nợ và giảm lãi 400 tỷ đồng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp được cơ cấu đã quay lại trả gốc và lãi đầy đủ. Phần còn lại khoảng 2.500 tỷ đồng, Ngân hàng tiếp tục tái cơ cấu.
Tín dụng của LPB đến hết quý I/2021 tăng 3%, đạt hơn 182.739 tỷ đồng; cho vay các tổ chức tín dụng khác gấp 5,7 lần đầu năm, đạt gần 2.375 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu kinh doanh đề ra cho năm 2021, LPB sẽ tập trung tăng trưởng tín dụng theo định hướng bán lẻ, khai thác hiệu quả hệ thống mạng lưới rộng lớn để đẩy mạnh phát triển khách hàng bán lẻ, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Kinh tế tăng trưởng và môi trường lãi suất thấp được dự báo duy trì trong năm 2021 sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng từ phía các doanh nghiệp.
Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh chia sẻ, trong kế hoạch đề ra cho năm 2021 là tăng 16,6% dư nợ tín dụng, nhưng với nguồn vốn bổ sung từ chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại FE Credit vừa qua, Ngân hàng đang trình Ngân hàng Nhà nước mức tăng trưởng tín dụng 18 - 20%. Năm nay, VPBank sẽ tập trung 80% vào mảng tín dụng khách hàng cá nhân.
Năm 2021, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 16.654 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2020. Kết thúc quý I/2021, lợi nhuận trước và sau thuế của Ngân hàng cùng tăng 38% so với cùng kỳ, lần lượt đạt hơn 4.006 tỷ đồng và gần 3.202 tỷ đồng.
Không ít ngân hàng khác có mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý I/2021, chủ yếu nhờ tín dụng được cải thiện. Chẳng hạn, tín dụng trong quý đầu năm nay của SeABank tăng 14,3%, HDBank tăng 5,2%, ACB tăng 4%, Vietcombank tăng 3,69%.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 của SeABank là 13%; Vietcombank là 10%, kỳ vọng sẽ được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lên 14%; OCB là 23%; VIB là 31%; MB là 10 - 11%...
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 16/4/2021, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020.
Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm cuối quý I/2021, các tổ chức tín dụng nhận định, nhu cầu vay vốn phục hồi mạnh, nhu cầu gửi tiền, thanh toán tiếp tục được cải thiện. Theo đó, các tổ chức tín dụng điều chỉnh tăng kỳ vọng đối với nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng trong quý II/2021, trong đó, nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các tổ chức tín dụng dự báo tăng 5,09% trong quý II/2021 và tăng 14,7% trong năm 2021, điều chỉnh tăng so với mức 13% ở kỳ khảo sát trước đó.
So với kết quả ghi nhận tại kỳ điều tra tháng 12/2020, ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ và nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính, các tổ chức tín dụng trong đợt khảo sát vừa qua đều nâng mức dự báo về tăng trưởng tín dụng của đơn vị mình trong năm 2021. Nhiều tổ chức tín dụng cho biết, tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất đầu vào nên sẽ được hưởng lợi từ chi phí huy động thấp.
Tỷ lệ tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm trong quý II/2021 và cả năm 2021 đạt mức cao hơn so với tỷ lệ tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất tăng.
... Và nguồn thu ngoài lãi được đẩy mạnh
Các nhà băng kỳ vọng sẽ có nhiều biến chuyển trong hoạt động cho vay nên đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay tăng trưởng cao: SHB tăng 70%, Eximbank tăng hơn 60%, BIDV tăng hơn 40%, SeABank tăng 40%...
Xét về giá trị tuyệt đối, mục tiêu lợi nhuận của SeABank là 2.414 tỷ đồng, VIB là 7.500 tỷ đồng, Techcombank là gần 20.000 tỷ đồng, Vietcombank là 25.000 tỷ đồng, MB là 13.200 tỷ đồng, ACB là 10.600 tỷ đồng, HDBank là 7.000 tỷ đồng, Sacombank là 4.000 tỷ đồng…
Sở dĩ các nhà băng kỳ vọng cao về lợi nhuận, ngoài việc tín dụng dần cải thiện, được giãn trích lập dự phòng các khoản nợ tái cơ cấu trong 3 năm theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN, thì một cơ sở quan trọng khác là nguồn thu ngoài lãi dự kiến tăng mạnh, nhất là nguồn thu từ mảng phân phối bảo hiểm (Bancassurance).
Theo ông Sơn, năm 2021, LPB dự kiến doanh thu phí bảo hiểm đạt 700 tỷ đồng, tăng trên 55% so với năm 2020. LPB đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh bảo hiểm độc quyền với Dai-Ichi Life trong 5 năm, nhưng đến năm 2022 hết hạn hợp đồng và Ngân hàng sẽ đàm phán để ký hợp đồng bảo hiểm độc quyền với các đối tác khác.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, nguồn thu từ kênh Bancassurance đạt hơn 400 tỷ đồng và kỳ vọng tăng trưởng. Trong quý I/2021, tăng trưởng huy động vốn của Sacombank đạt 3,5%, cho vay đạt 5,8%; thu từ dịch vụ đạt 1.200 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo cho hay, mục tiêu năm nay, nguồn thu về phí dịch vụ Bancassurance sẽ đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng vào chỉ tiêu tổng lợi nhuận 7.281 tỷ đồng của Ngân hàng.
Được biết, 3 - 4 năm trước, giá trị hợp đồng Bancassurance dao động quanh mức 100 triệu USD cho 15 năm hợp tác. Khi có nhiều ngân hàng tham gia, giá trị hợp đồng Bancassurance không những không giảm, mà còn tăng mạnh.
Chẳng hạn, đầu năm 2020, Vietcombank chốt thương vụ hợp tác Bancassurance với FWD trị giá 400 triệu USD; tháng 11/2020, ACB ký hợp đồng Bancassurance với SunLife trị giá 370 triệu USD.
Trong tháng 1/2021, ACB đã giành vị trí số 1 trong hệ thống ngân hàng về doanh thu phí bảo hiểm khi đạt 137 tỷ đồng (tính theo APE - phí phải đóng tương đương cho cả năm).
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, lợi nhuận của Ngân hàng dự kiến sẽ bứt phá trong các năm tới, đến năm 2025 đạt 2 tỷ USD, gấp đôi so với năm 2020. Quý I/2021, Vietcombank đạt trên 8.000 tỷ đồng lợi nhuận, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Về Bancassurance, doanh thu hoa hồng bảo hiểm trong quý đầu năm đạt 390 tỷ đồng. Theo kế hoạch, ngoài 1.700 tỷ đồng phí trả trước từ hợp đồng Bancassurance, Vietcombank còn có kế hoạch thu về 1.110 tỷ đồng hoa hồng bảo hiểm trong năm 2021. Năm ngoái, Vietcombank đứng thứ 13 về phân phối bảo hiểm nhân thọ, nhưng quý I năm nay, Ngân hàng đã vươn lên vị trí thứ 8.
Tại VietinBank, với giả định năm 2021 bắt đầu ghi nhận 1/5 phí trả trước từ các hợp đồng bảo hiểm độc quyền được ký kết với Manulife trong năm 2020, con số thu về khoảng 1.600 tỷ đồng. Theo đó, thu nhập phí ròng từ Bancassurance sẽ tăng khoảng 50% so với năm 2020.