Dư nợ trái phiếu có tỷ trọng nhỏ
Lãnh đạo MB cho biết, tỷ trọng trái phiếu bất động sản mà Ngân hàng nắm giữ so với tổng dư nợ là 3,98%; dư nợ cho vay bất động sản dưới 10% tổng dư nợ, trong đó chủ yếu cho cá nhân vay vốn mua nhà.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị HDBank cho hay, trái phiếu doanh nghiệp chiếm 4% tổng dư nợ tín dụng của Ngân hàng.
Tại VIB, số dư trái phiếu doanh nghiệp tính đến ngày 31/3/2022 là 2.612 tỷ đồng, tương đương 1,2% tổng danh mục tín dụng. Theo VIB, trái phiếu do Ngân hàng đầu tư phần lớn của doanh nghiệp sản xuất và có kết quả kinh doanh tốt, tài sản đảm bảo chất lượng, kiểm soát rủi ro chặt chẽ, mục đích sử dụng vốn rõ ràng.
Trả lời cổ đông trong cuộc họp thường niên 2022 về khoản 62.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank Hồ Hùng Anh khẳng định, các khoản đầu tư trái phiếu và cho vay bất động sản của Ngân hàng đều vào các dự án có chủ đầu tư uy tín, pháp lý rõ ràng, đang triển khai bán hàng.
Lý do Ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu vì tin tưởng vào khả năng quản lý rủi ro của mình và sẵn sàng cung cấp nguồn trái phiếu đó cho các cá nhân và doanh nghiệp nếu họ có nhu cầu.
Techcombank là một trong những tổ chức phát hành trái phiếu nhiều nhất thị trường, đồng thời tham gia tích cực vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ nợ xấu ở mảng này rất thấp. Ngân hàng thẩm định trái phiếu doanh nghiệp như khoản cho vay trung và dài hạn, trong đó có những cấu phần như phương án kinh doanh, nguồn tiền, khả năng trả nợ.
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho hay, trong thời gian qua, OCB không tham gia phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho khách hàng của Ngân hàng và khoản tiền đầu tư chứng khoán của OCB tăng là do Ngân hàng đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
Số liệu của FiinGroup cho thấy, tính đến cuối năm 2021, quy mô tín dụng trái phiếu ở mức 273.900 tỷ đồng, chiếm 2,16% tổng tài sản sinh lời và 2,63% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Trong phạm vi 15 ngân hàng thương mại được SSI Research theo dõi, với tổng dư nợ tín dụng chiếm khoảng 75% thị phần tín dụng toàn hệ thống, tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các ngân hàng này đầu tư tính đến hết năm 2021 là 214.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2020.
Ngân hàng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất là Techcombank, tiếp đến là MB, VPBank, TPBank...
Trong đó, xét về giá trị tuyệt đối, ngân hàng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất là Techcombank, với 62.809 tỷ đồng, tăng 34,4%; tiếp đến là MB với gần 43.000 tỷ đồng, VPBank với 27.782 tỷ đồng, TPBank với 18.577 tỷ đồng; các ngân hàng sở hữu trên 10.000 tỷ đồng trái phiếu gồm có BIDV, Vietcombank, VietinBank...
FiinGroup kỳ vọng, quy mô tín dụng trái phiếu có thể được duy trì trong thời gian tới, thậm chí gia tăng, song sẽ tập trung vào các nhà băng có hạn mức tăng trưởng tín dụng cao, được hỗ trợ bởi chất lượng tài sản tốt (nợ xấu dưới 3%) và có mức độ tín dụng phân bổ cho ngành bất động sản ở mức thấp theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước nói chung và những yêu cầu cụ thể của Thông tư 16/2021/TT-NHNN (quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp) nói riêng.
Phát triển thị trường trái phiếu song song với kiểm soát rủi ro
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp những năm gần đây tăng nhanh, từ 4,93% GDP năm 2017 lên 16,6% GDP năm 2021 (14,75% GDP sau điều chỉnh). Trong đó, năm 2021, các doanh nghiệp phát hành 722.700 tỷ đồng trái phiếu, tăng 65,7% so với năm 2020.
Các doanh nghiệp bất động sản thường xuyên là đối tượng phát hành trái phiếu nhiều nhất. Báo cáo của SSI Research cho thấy, khối doanh nghiệp này phát hành 318.200 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021, chiếm 44% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020.
Thị trường trái phiếu được nhìn nhận là kênh dẫn vốn hiệu quả dành cho các doanh nghiệp, giúp giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, hàng năm, hệ thống ngân hàng đưa ra nền kinh tế 1,4 - 1,5 triệu tỷ đồng và 45% trong số đó là vốn trung và dài hạn.
Việc cung ứng vốn trung và dài hạn qua kênh ngân hàng thương mại nếu kéo dài sẽ gây bất ổn cho hệ thống ngân hàng, bởi ngân hàng huy động vốn của người dân để cho vay và chủ yếu huy động được vốn ngắn hạn.
Ông Lực đánh giá, nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế rất lớn. Ước tính, giai đoạn 2022 - 2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỷ đồng/năm để đầu tư.
Vốn nhà nước chỉ chiếm 25 - 26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài, cho thấy vai trò quan trọng của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng. Vấn đề là thị trường trái phiếu phải phát triển lành mạnh. Kiến tạo phát triển thị trường song song với kiểm soát rủi ro.
Trước thực tế phát triển “nóng” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp kéo theo rủi ro gia tăng, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm…
Lãnh đạo một ngân hàng nhận định, với các thay đổi chính sách như Thông tư 16 đã có hiệu lực, Nghị định 153/2020/NĐ-CP về trái phiếu riêng lẻ dự kiến được sửa đổi, bổ sung theo hướng chặt chẽ hơn có thể sẽ làm cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp giảm đáng kể về quy mô phát hành trong năm 2022.
Tuy nhiên, sự suy giảm có khả năng diễn ra đối với hoạt động phát hành riêng lẻ, bởi hoạt động này có rủi ro cao hơn, mức độ công bố thông tin và chất lượng thông tin của tổ chức phát hành nhìn chung còn nhiều hạn chế.