Ngân hàng trung ương Trung Quốc lâm vào thế khó

Ngân hàng trung ương Trung Quốc lâm vào thế khó

(ĐTCK) Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang chịu thách thức trước những diễn biến mới nhất từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán đại lục lại có dấu hiệu chao đảo trước các thông tin kinh tế được công bố.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 8 của Trung Quốc tăng 2% so với cùng thời gian năm ngoái, so với mức 1,8% được các chuyên gia dự báo trước đó. Đây là mức tăng nhanh nhất trong 2 năm qua. Trong khi, Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 5,9%, xuống đáy thấp nhất 6 năm và đánh dấu tháng giảm thứ 42 liên tiếp.

Việc các chỉ số phát triển theo chiều hướng khác biệt đang làm phức tạp thêm đối với các chính sách kinh tế của PboC. Lạm phát hiện tại đang cao hơn lãi suất tiền gửi 1 năm tiêu chuẩn, đòi hỏi PboC phải tăng lãi suất, trong khi, điều này lại tiếp tục làm tổn hại tới sự tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất.

“Đây mới là vấn đề thực sự. Đối với các nhà sản xuất, CPI thể hiện chi phí bởi tiền lương tăng lên, và PPI thể hiện giá cả của sản phẩm. Nếu chi phí tăng trong khi giá sản phẩm giảm, lợi nhuận của các công ty sẽ bị ăn mòn”, Zhu Qibing, chuyên gia phân tích tại China Minzu Securities Co cho biết.

Trước thông tin trên, thị trường chứng khoán Trung Quốc ngay lập tức có phản ứng tiêu cực. Chỉ số Shanghai Composite giảm 1,1%, xuống còn 3.206,16 điểm lúc 9h35 theo giờ địa phương. Đây là lần đầu tiên chỉ số này rơi vào đà giảm sau 3 ngày tăng ổn định nhờ chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động mua vào để nâng giá cổ phiếu.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc lâm vào thế khó ảnh 1

Diễn biến của chỉ số Shanghai Composite

Chỉ số Hang Seng giảm 2,3% tại Hong Kong, trong khi chỉ số Hang Seng China Enterprises cũng giảm 2,7%.

Kể từ tháng 11/2015 cho tới nay, BpoC đã 5 lần giảm lãi suất, cũng như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng nhằm kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế vốn đang trong tình trạng trì trệ.

Chuyên gia Zhu tại China Minzu cho biết thêm: “Sẽ không có lối thoát thực sự cho Trung Quốc nếu chỉ dựa vào mình các chính sách tiền tệ. Các chính sách tiền tệ không đủ sức để giải quyết vấn đề về cấu trúc nền kinh tế”.

Tuy nhiên, ông Zhu cho rằng, trước mắt, chính phủ vẫn cần thực hiện thêm nhiều chính sách tài chính khác, bao gồm cắt giảm thuế và phí nhằm hỗ trợ cho các công ty sản xuất.

Trước đà suy giảm của thị trường chứng khoán Đại lục, Trung Quốc có thể sẽ trì hoãn thành lập mối liên kết Thẩm Quyến – Hong Kong từ cuối năm nay sang năm 2016, do các nhà chức trách phải tập trung nỗ lực để bình ổn lại thị trường.

Tin bài liên quan