Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) quyết định tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp

Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) quyết định tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 23/3, Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sĩ (SNB) đã quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, lên mức 1,5%. Động thái tăng lãi suất này diễn ra trong bối cảnh lạm phát trong tháng 2 của Thụy Sĩ đã tăng lên mức 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là lần tăng lãi suất thứ tư liên tiếp của ngân hàng này, bất chấp việc ngân hàng Credit Suisse của nước này đang gặp khủng hoảng. Lãi suất của Thuỵ Sĩ lần đầu tiên vượt qua mức âm vào tháng 9/2022. Các thay đổi chính sách lãi suất của SNB xảy ra đúng như những gì các nhà phân tích dự đoán từ trước đó.

Trong thông cáo báo chí mới đây, SNB cho biết rằng, việc thắt chặt chính sách tiền tệ được tiến hành để chống lại áp lực lạm phát gia tăng. Cơ quan này cũng nhấn mạnh không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất để đảm bảo ổn định thị trường trong trung hạn và nếu áp lực lạm phát vẫn còn.

SNB dự đoán lạm phát trung bình hàng năm sẽ ở mức 2,6% trong năm 2023, sau đó giảm xuống mức 2% vào năm 2024. Đến cuối năm 2025, lạm phát dự kiến sẽ ở mức 2,1%. Lần tăng lãi suất mới nhất này diễn ra trong bối cảnh lạm phát trong nước vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu của SNB là 2%.

Cụ thể, lạm phát của Thuỵ Sĩ trong tháng 2 đã tăng lên mức 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt ngoài dự đoán của các nhà phân tích. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng ở Thuỵ Sĩ vẫn thấp nhiều hơn so với các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Trong thời gian gần đây, Thụy Sĩ trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu khi cuộc khủng hoảng chóng vánh của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ - Credit Suisse, đã làm chao đảo thị trường tài chính và gia tăng áp lực cho cuộc khủng hoảng ngân hàng đang nổ ra ở Mỹ với sự sụp đổ của ngân hàng Silion Valley Bank.

SNB sau đó đã đồng ý cho Credit Suisse vay tới 50 tỷ franc Thuỵ Sĩ (khoảng 53 tỷ USD). Cổ phiếu của Credit Suisse đã giảm mạnh khi có tin cổ đông lớn nhất của họ là Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia sẽ không hỗ trợ thêm tài chính. Kết quả là ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS xuất hiện và đồng ý mua lại Credit Suisse với giá khoảng 3,2 tỷ USD với sự trung gian của giới chức Thụy Sĩ.

Ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa rõ liệu Thụy Sĩ có thể kiểm soát hoàn toàn thiệt hại hay không. Việc sở hữu 2 ngân hàng đẳng cấp được xem là một “phao cứu sinh” để duy trì vị thế của quốc gia này trên thị trường toàn cầu. Cuộc sáp nhập mang tính ép buộc giữa hai ngân hàng này đã khiến Thụy Sỹ chỉ còn một “phao cứu sinh” và làm lung lay niềm tin của cả những người dân bình thường về mô hình kinh tế, chính trị của đất nước.

Tuần trước, đại sứ Mỹ tại Thụy Sĩ nói rằng, quốc gia châu Âu này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II. Các nhà đầu tư nước ngoài chịu thiệt hại do sự sụp đổ của Credit Suisse đang cân nhắc lại việc đầu tư của mình.

Từ thời Thế chiến II, Credit Suisse đã trở thành nơi cất giữ tiền cho nhiều khách hàng khách hàng đáng ngờ, bên cạnh những khách hàng hạng A gồm các tỷ phú, quỹ đầu tư quốc gia và các gia đình giàu có. Trong một vụ dàn xếp năm 2014 với Bộ Tư pháp Mỹ, ngân hàng này đã phải trả 2,6 tỷ USD và thừa nhận các nhân viên của mình đã giao tiền mặt và tiêu hủy tài liệu nhằm giúp nhiều người Mỹ che giấu tài sản.

Ngân hàng này cũng vướng phải nhiều vụ bê bối như một nhân viên ở London đã hối lộ để thực hiện khoản cho vay tại Mozambique, hay nhân viên giả mạo chữ ký của khách hàng và tham ô hàng trăm triệu USD. Gần đây hơn, năm 2021, Credit Suisse mất hơn 5 tỷ USD khi quỹ đầu tư Archegos Capital Management sụp đổ - bắt đầu chuỗi khủng hoảng trước khi ngân hàng này về tay UBS.

Tin bài liên quan