Riksbank đã hạ lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản điểm xuống 3,75% và cho biết có thể cắt giảm lãi suất thêm hai lần nữa trong nửa cuối năm nay.
Động thái này khiến Riksbank trở thành ngân hàng trung ương thứ hai trong số các ngân hàng trung ương tiên tiến trên thế giới sau Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) khi bắt tay vào thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ sau đại dịch, đồng thời cho thấy các cách tiếp cận khác nhau như thế nào sau khi kế hoạch cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bị chệch hướng bởi áp lực lạm phát dai dẳng và nền kinh tế vẫn mạnh mẽ.
Thống đốc Erik Thedeen cho biết: “Chúng ta đã đi được một chặng đường dài nhưng tôi sẽ không bao giờ nói rằng chúng ta đã đánh bại được lạm phát vì công việc của tôi là luôn cảnh giác…Có chỗ để hành động độc lập và chúng tôi phải sử dụng điều đó vì nhiệm vụ của chúng tôi là đưa lạm phát của Thụy Điển về 2%”.
Động thái cắt giảm lãi suất cho thấy rằng việc hỗ trợ nền kinh tế suy thoái là vấn đề được ưu tiên hơn bất kỳ lo ngại nào rằng việc đi trước các ngân hàng trung ương lớn hơn sẽ dẫn đến một đợt suy yếu khác của đồng krona, từ đó sẽ thúc đẩy giá nhập khẩu.
James Smith, nhà kinh tế tại ING cho biết: “Nền kinh tế Thụy Điển đã suy giảm trong bốn quý liên tiếp, trong khi thị trường việc làm đang hạ nhiệt đáng kể so với những nơi khác”.
Chiến dịch thắt chặt toàn cầu kể từ khi đại dịch giảm bớt đã có tác động to lớn đến nền kinh tế Thụy Điển, vì tỷ lệ cao các khoản vay ở nước này có lãi suất cố định trong các kỳ hạn ngắn. Nhưng đối với tiền tệ, quyết định này lại không được hoan nghênh.
Stefan Mellin, chiến lược gia cấp cao tại Danske Bank A/S cho biết: “Quyết định điều hành trước các ngân hàng trung ương có liên quan khác, như chúng tôi dự đoán, sẽ gây áp lực lên đồng krona…Tất nhiên, điều này cũng không thể gây ngạc nhiên cho Riksbank”.
Tuyên bố của Riksbank cho biết: “Những rủi ro có thể khiến lạm phát ở Thụy Điển tăng trở lại chủ yếu liên quan đến nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ, căng thẳng địa chính trị và tỷ giá hối đoái của đồng krona… Do đó, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ trong tương lai cần được đặc trưng bởi sự thận trọng, với việc cắt giảm dần lãi suất chính sách”.
Người tiêu dùng Thụy Điển đã cắt giảm chi tiêu, hoạt động xây dựng nhà ở sụt giảm và các chủ sở hữu tài sản có đòn bẩy tài chính cao phải chật vật để tái cấp vốn cho các khoản nợ sắp đáo hạn. Sau bốn quý suy thoái liên tiếp, người ta ngày càng hy vọng rằng nền kinh tế Thụy Điển sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối năm nay nhờ lãi suất thấp hơn.