Ngân hàng trích bao nhiêu dự phòng sau 9 tháng?

Ngân hàng trích bao nhiêu dự phòng sau 9 tháng?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tình hình xử lý nợ xấu khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch buộc các nhà băng tăng trích lập dự phòng rủi ro và tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu.

Tăng dự phòng, nợ xấu giảm nhẹ

Tổng nợ xấu của LienVietPostBank (LPB) đến cuối quý III/2021 tăng 10% so với đầu năm, lên 2.783 tỷ đồng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ nghi ngờ, gấp 2,7 lần đầu năm. Mặc dù vậy, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 1,43% đầu năm xuống còn 1,42%.

Tuy nhiên, trong quý III/2021, ngân hàng này trích hơn 271 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,6 lần cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, LPB dành hơn 887 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,8 lần cùng kỳ. Tuy vậy, lãi trước và sau thuế vẫn tăng mạnh 61% và 60%, ghi nhận 2.802 tỷ đồng và 2.228 tỷ đồng. Nếu so với mục tiêu 3.200 tỷ đồng lãi trước thuế cho cả năm 2021, Ngân hàng đã thực hiện được 88% sau 9 tháng.

Tại TPBank, tính đến ngày 30/09/2021, tổng nợ xấu ngân hàng giảm nhẹ 3% so với đầu năm, còn 1.378 tỷ đồng. Có sự dịch chuyển từ nợ có khả năng mất vốn sang nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 1,18% đầu năm xuống còn 1,04%.

Trong quý III/2021 dự phòng rủi ro tín dụng của nhà băng này tăng 223% so cùng kỳ lên 1.345 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, TPBank tăng 99% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ, trích gần 2.349 tỷ đồng.

Ngân hàng vẫn báo lãi trước và sau thuế sau 9 tháng tăng 45%, đạt 4.394 tỷ đồng và 3.515 tỷ đồng. Nếu so với con số 5.500 tỷ đồng kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2021, TPBank đã thực hiện được gần 80% sau 9 tháng đầu năm.

Còn tại SeABank, tính đến 30/09/2021, chất lượng nợ vay có cải thiện so với đầu năm khi tổng nợ xấu giảm 6%, chỉ còn 1.897 tỷ đồng và giảm mạnh nhất là nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 1,86% xuống còn 1,68%.

Thế nhưng, SeABank phải dành ra 380 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, Ngân hàng tăng 71% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, lên 798 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi trước và sau thuế của SeABank vẫn gấp 2,2 lần so cùng kỳ, ghi nhận trước, sau thuế lần lượt 2.530 tỷ đồng và 2.015 tỷ đồng.

Như vậy, so với kế hoạch 2.414 tỷ đồng lãi trước thuế đã đề ra cho cả năm 2021, SeABank đã vượt 5% kế hoạch chỉ sau 9 tháng.

Tổng nợ xấu của BacA Bank đến cuối quý III/2021 tăng nhẹ 2% so với đầu năm, lên hơn 642 tỷ đồng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ dưới tiêu chuẩn. Kết quả, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,79% lên 0,82%.

9 tháng đầu năm 2021, BacA Bank dành 55 tỷ đồng trích dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 69% so với cùng kỳ, đồng thời được hoàn nhập 4,7 tỷ đồng chi phí, do đó, Ngân hàng báo lãi trước và sau thuế tăng 34%, đạt 702 tỷ đồng và 562 tỷ đồng.

Chất lượng nợ vay của Saigonbank cũng có xu hướng đi lùi so với đầu năm khi tổng nợ xấu tăng 38%, lên mức 309 tỷ đồng tại ngày 30/09/2021. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ dưới tiêu chuẩn, trong khi dù có giảm nhẹ, nhưng nợ có khả năng mất vốn vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nợ xấu. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,44% đầu năm lên 2,05%.

Vì thế, 9 tháng đầu năm 2021, Saigonbank dành gần 43 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 57% so cùng kỳ.

Trong quý III/2021, OCB cũng giảm nhẹ 5% chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, còn hơn 267 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, OCB giảm đến 30% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích gần 661 tỷ đồng. Do đó, Ngân hàng báo lãi trước và sau thuế tăng 50% so với cùng kỳ, ghi nhận 3.768 tỷ đồng và 3.004 tỷ đồng.

Nếu so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5.500 tỷ đồng cho cả năm 2021 được ĐHĐCĐ thông qua, OCB đã thực hiện được 81% sau 3 quý đầu năm.

Đến hết quý III/2021, nợ xấu của MSB là 1.844 tỷ đồng, tăng 2% tăng nhẹ so với mức 1,9% cuối năm 2020. Nhưng trong quý III/2021, ngân hàng chỉ phải trích lập dự phòng rủi ro 241 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thế nhưng, lũy kế, MSB đã trích lập dự phòng 1.152 tỷ đồng cho các khoản vay khách hàng tính đến hết quý III/2021, tăng 8,6% so với cuối quý II, nâng cao mức độ an toàn vốn cho giai đoạn có nhiều rủi ro do dịch bệnh.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ra sao?

Tại ACB, về chất lượng cho vay, số dư nợ xấu của ngân hàng mẹ tại thời điểm cuối tháng 9/2021 là 2.792 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tương đương tăng từ 0,6% lên 0,8%, nhưng vẫn ở mức thấp so với toàn ngành.

ACB đã trích trước hơn 2.000 tỷ đồng để dự phòng cho các khoản nợ xấu tái cơ cấu cho khách hàng ảnh hưởng dịch Covid-19. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu được đẩy mạnh lên mức 195%.

Đến cuối tháng 9/2021, nợ xấu Techcombank tăng 41% so với đầu năm, lên mức 1.829 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất đến 74%, các nhóm nợ xấu còn lại cũng tăng trên 20%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,47% đầu năm lên 0,57%.

9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Techcombank giảm 9% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trích 2.037 tỷ đồng. Tuy nhiên, Techcombank vẫn duy trì quan điểm thận trọng, giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối quý III/2021 ở mức cao 184%, giảm so với mức 259% cuối quý II, tuy nhiên vẫn cao hơn mức 148% cùng kỳ năm ngoái.

Chi phí dự phòng tín dụng của Kienlongbank giảm 36%, chỉ còn trích 53 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Kết quả, Ngân hàng báo lãi trước và sau thuế gần 879 tỷ đồng và 664 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ. Như vậy, 9 tháng, Kienlongbank đã thực hiện được gần 88% kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng đề ra cho cả năm 2021.

Một yếu tố khác giúp lợi nhuận của Kienlongbank tăng mạnh trong thời gian qua đó là trong quý I/2021, Ngân hàng đã xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay được bảo đảm bằng cổ phiếu Sacombank.

Đây cũng là nhân tố chính giúp Ngân hàng giảm tới 63% tổng nợ xấu đến cuối tháng 9/2021, chỉ còn hơn 697 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu của Ngân hàng Bản Việt (BVB) đến cuối tháng 9/2021 tăng 19% so với đầu năm, lên 1.318 tỷ đồng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ có khả năng mất vốn. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ 2,79% đầu năm lên 2,94%.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng Bản Việt trong quý III lên mức trên 171 tỷ đồng (tương đương tăng 174%) so với cùng kỳ năm trước chỉ có hơn 62,7 tỷ đồng. Chính điều này khiến lợi nhuận trước thuế quý III/2021 BVB giảm 48%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Ngân hàng lại giảm nhẹ 3% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích gần 243 tỷ đồng. Kết quả, Ngân hàng báo lãi trước thuế 9 tháng gấp 2,8 lần cùng kỳ, ghi nhận gần 386 tỷ đồng.

Áp lực trích dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng đối với các khoản nợ cơ cấu cho khách hàng là rất lớn. Theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN, ngân hàng bắt buộc phải trích 30% dự phòng phần dư nợ tái cơ cấu vào cuối năm nay và 100% trong 2 năm tới.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định, sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ về lợi nhuận giữa các ngân hàng. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có chất lượng tài sản tốt, nắm giữ danh mục khách hàng ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ có nhiều tiềm năng hơn.

Dẫu vậy, ngành ngân hàng được nhận định sẽ vẫn là điểm sáng về lợi nhuận trong bối cảnh dịch bệnh.

Tin bài liên quan