Ngân hàng tranh thủ mua vàng

Ngân hàng tranh thủ mua vàng

(ĐTCK) Các NHTM chưa đủ lượng vàng tồn quỹ chi trả cho người dân đang tận dụng cơ hội giá xuống để chốt mua vàng, nhằm bù đắp trạng thái trước thời hạn cho phép 30/6.

> Vàng vào giai đoạn… lung lay 

> Không lùi thời hạn đóng trạng thái vàng

 

Chớp cơ hội giá giảm

Theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến thời điểm này, các ngân hàng đã gần hoàn tất việc đóng trạng thái đối với huy động vàng, song số dư nợ cho vay bằng vàng sẽ có khó khăn. Một số NHTM có kiến nghị gia hạn thời gian, nhưng NHNN kiên quyết yêu cầu phải đóng trạng thái đúng thời hạn quy định.

Tính đến ngày 27/6, lượng vàng tồn quỹ trong kho của các NHTM đã gần đủ để chi trả cho khách hàng trước ngày đóng trạng thái 30/6. Điều may mắn đối với các ngân hàng có cầu về vàng để đóng trạng thái, nhưng chưa mua đủ trước đó là giá vàng thế giới liên tục giảm trong tuần cuối tháng 6. Tuy giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 5 - 6 triệu đồng/lượng, nhưng so với thời điểm đầu tháng hoặc giữa tháng 6, thì giá vàng trong nước hiện đã giảm 6 - 7 triệu đồng/lượng. Tính ra, nếu mua vàng lúc này, nhiều ngân hàng sẽ giảm lỗ đáng kể.

Ngân hàng tranh thủ mua vàng ảnh 1

Trong vài tuần qua, giá vàng giảm khoảng 6 - 7 triệu đồng/lượng - Ảnh: Hoài Nam

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM cho biết, trên địa bàn TP. HCM, hiện ngoài SCB cũng có 1 - 3 ngân hàng còn số dư huy động bằng vàng. Các ngân hàng này đang chờ cơ hội giá vàng giảm thêm để mua vào đủ số lượng đóng trạng thái. Số vàng còn thiếu để các NHTM tất toán đến ngày 27/6 chỉ còn 2 - 3 tấn, nhiều khả năng sẽ hoàn tất đúng vào ngày 30/6.

Tuy nhiên, theo ông Minh, điều đáng quan tâm là số dư cho vay bằng vàng của các ngân hàng vẫn còn khoảng 7 - 10% trên tổng dư nợ của các NHTM trên địa bàn Thành phố. Vì thế, việc các ngân hàng có tất toán được trạng thái dư nợ cho vay bằng vàng đúng thời hạn hay không vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi lẽ, không phải khách hàng nào cũng đồng ý chuyển sang tiền đồng trả nợ cho ngân hàng, cho dù đã được ngân hàng thỏa thuận. Trong những ngày qua, giá vàng giảm là điều kiện tốt để khách hàng mua vàng trả nợ vay bằng vàng trước đây. Phía ngân hàng cũng khuyến khích người vay trả trước hạn, thế nhưng, nhiều khách hàng kỳ vọng giá vàng giảm thêm mới mua trả nợ.

 

Chuyển đổi và kinh doanh vàng vẫn có lãi

Trên thực tế, việc chuyển đổi từ vàng huy động sang tiền đồng của các ngân hàng trong những năm qua đã thu về không ít lợi nhuận cho ngân hàng. Hoạt động chuyển đổi vàng sang VND theo chủ trương bình ổn của NHNN trước đây đặt ra tình huống rủi ro về giá và thanh khoản. Các ngân hàng nhóm “G5+1” đã bán vàng vật chất giá thấp, nay phải mua vào đóng trạng thái với giá cao. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các ngân hàng hoàn toàn lỗ, vì đã chuyển đổi vàng mà trước đây khi chuyển đổi từ vàng sang tiền đồng, các nhà băng đã cho vay ra, với mức lãi suất cao hơn nhiều so với hiện nay. Quy mô chuyển đổi trước đây cũng không phải quá lớn, ngân hàng chỉ được chuyển đổi tối đa 40% lượng vàng tồn quỹ, mà lượng tồn quỹ thường chỉ từ 5 - 10% tổng lượng vàng huy động tại mỗi ngân hàng, nên ngân hàng vẫn có lãi trong chuyển đổi và kinh doanh vàng. Đến năm 2011 và bước sang năm 2012, khi NHNN quyết liệt trong việc tất toán trạng thái vàng để bình ổn thị trường, thì các ngân hàng mới chịu lỗ khi phải mua vàng tất toán.

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng lớn tại TP.HCM chia sẻ, để tất toán trạng thái vàng đúng ngày 30/6, ngân hàng ông có thể phải chịu lỗ khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước đây, NHNN có cơ chế cho phép chuyển đổi từ vàng sang tiền đồng cho vay nên không hẳn ngân hàng đã lỗ hoàn toàn con số đó. Mặt khác, trong bối cảnh vàng đang giảm giá, ngân hàng kỳ vọng giá vàng sẽ giảm thêm để mua đủ số lượng bù đắp trạng thái thiếu hụt.

Là ngân hàng lỗ 1.863 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối năm 2012, do phải mua vàng trong nước với giá cao hơn giá thế giới để bù đắp trạng thái và tất toán theo yêu cầu của NHNN, nhưng theo ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, đến cuối tháng 4/2013, ACB đã tất toán và cân bằng được trạng thái vàng. Đặc biệt, mảng kinh doanh vàng đóng góp tỷ lệ tương đối cao vào tổng lợi nhuận của ACB trong những tháng đầu năm.

Ông Toàn cho biết, ACB sẽ đẩy mạnh hoạt động này, Ngân hàng đã có kế hoạch thành lập công ty vàng, với vốn điều lệ khoảng 100 tỷ đồng, tập trung vào sản xuất - kinh doanh vàng trang sức.