Lãi suất tiền gửi ngày càng tăng
Tuần này tiếp tục ghi nhận 4 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm là OCB, Bac A Bank, Techcombank, OceanBank. Hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất đã vượt mức 6%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Song để cạnh tranh thu hút tiền nhàn rỗi, tăng cường thanh khoản đáp ứng cầu vốn tăng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, các nhà băng tăng cường phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi lãi suất lên gần 8%/năm.
Sở dĩ các ngân hàng tăng tiếp lãi suất tiền gửi và phát hành trái phiếu, chứng chỉ lãi suất cao, theo các chuyên gia tài chính, là do họ cần tăng cường thanh khoản trong bối cảnh cầu vốn tín dụng dần trở lại và ngày càng rõ nét về cuối năm. Số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra cho thấy, tín dụng đến cuối tháng 6/2024 đã đạt mức tăng trưởng khoảng 6%, nhưng đến ngày 7/9, dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng lên 7,15% (mục tiêu cả năm là 15%).
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định, các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để giữ nguồn tiền nhàn rỗi và cân đối trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu hồi phục trở lại sẽ hút tiền tiết kiệm.
Vả lại, nhu cầu vốn được dự báo cải thiện trong các tháng còn lại của năm, nên ngân hàng tăng huy động để chuẩn bị tốt thanh khoản, đáp ứng cầu tín dụng. Vì thế, theo ông Huân, khả năng lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ tăng khoảng 1% trong thời gian từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ khó sớm tăng trở lại trong thời gian từ nay đến cuối năm, nhất là đối với lãi suất cho vay doanh nghiệp.
Theo NHNN, đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023. Thực tế, lãi vay thấp vẫn khó kích được cầu tín dụng, nếu tăng sẽ càng khó hơn. Tuy nhiên, trong xu hướng lãi suất tiền gửi tăng tiếp trong năm 2025, thì lãi suất đầu ra khó giữ nguyên, song sẽ có độ trễ và chưa thể sớm tăng trở lại.
Nhưng lãi suất cho vay cần duy trì ổn định
Trong khi lãi suất tiền gửi tăng, mặt bằng lãi suất cho vay được dự báo khó có thể tăng theo, trước mắt là duy trì ổn định theo chủ trương của Chính phủ, NHNN nhằm kích cầu vốn, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân vượt qua giai đoạn khó khăn. Dù dư địa giảm lãi vay không còn nhiều khi lãi suất huy động tăng trở lại, nhưng theo giới phân tích, thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số, tiết giảm chi phí, kỳ vọng các ngân hàng có thể giảm lãi vay thêm 0,5-1% từ nay đến cuối năm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và kinh tế.
Thực tế cũng cho thấy, lãi suất huy động tăng từ đầu năm đến nay, nhưng lãi suất cho vay giữ ổn định. Các chuyên gia cho rằng, việc hạ lãi suất của Fed tạo dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, qua đó giúp lãi suất trong nước ổn định. Mặt bằng lãi suất huy động tăng gần đây là do trước đó đã tạo “đáy” sâu.
Mặc dù không có mối tương quan trực tiếp giữa lãi suất điều hành của Fed với lãi suất tiền gửi VND, nhưng theo giới phân tích, sẽ có tác động gián tiếp thông qua tỷ giá. Do đó, việc Fed hạ lãi suất USD sẽ tác động tích cực ngắn hạn lên chính sách tỷ giá, giúp NHNN duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ cho nền kinh tế.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, tài chính cũng cho rằng, Fed giảm lãi suất sẽ làm cho USD yếu đi, giảm áp lực lên tỷ giá. NHNN có thể tiếp tục giữ biên độ dao động tỷ giá như hiện nay ở mức gần 2% hoặc thấp hơn nữa. Khi đó, lãi suất sẽ ổn định hơn, lãi suất ngân hàng không quá căng thẳng, thậm chí còn giảm thêm để kích cầu tín dụng tăng trưởng, hỗ trợ phát triển kinh tế.
Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, năm nay, với tốc độ và xu hướng chung của nền kinh tế, NHNN tin rằng, có khả năng đạt được 15% tăng trưởng tín dụng. Mục tiêu 15% là con số định hướng trong điều hành, không phải con số áp đặt, quan trọng nhất là làm sao tập trung tăng trưởng chất lượng, tức là mở rộng đầu tư để góp phần tăng trưởng kinh tế, trong đó đã có các biện pháp để từng bước hạ lãi suất cho vay.