Đồ họa: Đan Nguyễn

Đồ họa: Đan Nguyễn

Ngân hàng tiếp tục mạnh tay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu năm 2022, song quy mô trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng nắm giữ tiếp tục tăng mạnh.

Ngân hàng khẳng định an toàn

Báo cáo tài chính quý I/2022 cho thấy, số lượng nắm giữ trái phiếu của các ngân hàng tiếp tục tăng mạnh. Techcombank, VPBank và MB vẫn là 3 ngân hàng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất.

Cụ thể, tại thời điểm cuối quý I/2022, Techcombank đang nắm giữ 76.582 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 22,3% so với cuối năm 2021. Cùng thời điểm, con số này tại VPBank là 41.593 tỷ đồng, tăng 50% và tại MB là 46.319 tỷ đồng, tăng 26% so với cuối năm.

Dù tiếp tục gia tăng lượng trái phiếu nắm giữ, song đa phần ngân hàng đều khẳng định an toàn.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2021, 41 ngân hàng trong toàn hệ thống đang nắm giữ 274.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, chiếm 2,16% tổng tài sản sinh lời và 2,63% tổng dư nợ tín dụng.

Tuy vậy, theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, hơn 75% trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ chỉ tập trung ở 10 ngân hàng lớn gồm: Techcombank, MB, VPBank, TPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, ABBank, SeABank. Tại một số ngân hàng, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ đã vượt 10% tổng tài sản.

Do ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn, nên khi “quả bom” trái phiếu Tân Hoàng Minh nổ ra, cổ đông hết sức lo lắng. Mặc dù vậy, lãnh đạo các ngân hàng thương mại đều khẳng định, đến nay các khoản nắm giữ đều an toàn.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank - ngân hàng quán quân về nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, lý giải, nguyên nhân khiến ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu vì tự tin vào khả năng quản lý rủi ro của mình.

“Với trái phiếu doanh nghiệp, Techcombank cũng thẩm định như một khoản vay trung và dài hạn, trong đó sẽ có những cấu phần như phương án kinh doanh, nguồn tiền, khả năng trả nợ…”, Chủ tịch Techcombank nói.

Trong khi đó, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng cho hay, tính đến ngày 31/3/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Vietcombank ở mức 11.400 tỷ đồng (chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay).

“Toàn bộ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Vietcombank hiện đều được phân loại nợ nhóm 1, các doanh nghiệp phát hành đều kinh doanh hiệu quả và thanh toán đúng hạn”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là yêu cầu và đòi hỏi chính đáng của doanh nghiệp, huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu giúp doanh nghiệp có được nguồn vốn trung và dài hạn với khối lượng lớn, chi phí hợp lý, cơ cấu linh hoạt. Do đó, Vietcombank luôn chủ động, tích cực tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp với vai trò đa dạng như nhà đầu tư chuyên nghiệp, tổ chức tư vấn, tổ chức bảo lãnh phát hành, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán...

Nhìn nhận về “bom nợ” Tân Hoàng Minh, lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho rằng, động thái quyết liệt của Chính phủ không phải siết trái phiếu doanh nghiệp, mà nhằm làm lành mạnh, thúc đẩy thị trường phát triển.

Rủi ro trái phiếu sẽ giảm bớt

Tuy quy mô trái phiếu doanh nghiệp được các ngân hàng nắm giữ đang tăng lên, song theo các chuyên gia, rủi ro trái phiếu doanh nghiệp đối với ngân hàng lại đang giảm.

Từ đầu năm nay, Thông tư 16/2021/TT-NHNN (Thông tư 16) quy định về việc các tổ chức tín dụng mua bán trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực đã góp phần ngăn chặn tình trạng đảo nợ.

Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn phải dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung và dài hạn (năm 2021, quy mô tín dụng đạt 124,3% GDP). Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn (tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn chiếm khoảng 82% tổng huy động vốn). Vì vậy, cần phát triển đồng bộ các phân khúc của thị trường tài chính (thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán phái sinh…) và rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, triển khai các giải pháp tạo điều kiện phát triển thị trường vốn (trong đó có thị trường TPDN), giảm áp lực cho tín dụng ngân hàng, nhất là vốn trung dài hạn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, các quy định chặt chẽ trong Thông tư 16 bắt buộc ngân hàng gia tăng trích lập dự phòng, tăng chất lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ, từ đó giảm bớt rủi ro.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cũng nhận định, các quy định của Thông tư 16 ngoài ngăn chặn tình trạng đảo nợ, lách room tín dụng, còn giúp ngân hàng chặn bớt các rủi ro từ nghiệp vụ đầu tư, ví dụ như quy định không cho ngân hàng mua trái phiếu của nhà phát hành với mục đích đầu tư vào doanh nghiệp khác.

Theo FiinGroup, sự kiện Tân Hoàng Minh ít tác động lớn đến chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy vậy, nếu nhà phát hành, đơn vị bảo lãnh thanh toán không thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ, khiến khủng hoảng trái phiếu trở thành “vết dầu loang”, thì tình hình sẽ rất khó đoán. Được biết, thời gian qua, không ít nhà đầu tư đã đến ngân hàng yêu cầu trả lại trái phiếu doanh nghiệp, dù sản phẩm trái phiếu không hề liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Mặc dù vậy, với việc giám sát chặt chẽ, thường xuyên của Ngân hàng Nhà nước, rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp với hệ thống ngân hàng là chưa đáng ngại.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, từ đó chỉ đạo, cảnh báo, yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực và cần phải phát triển mạnh hơn nữa để giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng.

Tin bài liên quan