2019: chiếm nửa thu nhập dịch vụ
Tại TPBank, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm 2019 đạt hơn 570 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng lãi thuần mảng dịch vụ và tăng 55% so với năm 2018. Con số tuy không quá lớn, nhưng là kết quả đáng ghi nhận nếu xét tới quy mô hệ thống của TPBank với chỉ 75 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc.
Với MB, kết thúc năm 2019, Ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế kỷ lục hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2018 và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 24%, mang về 3.186 tỷ đồng và đóng góp 13% tổng thu nhập hoạt động. Đáng chú ý, riêng hoạt động kinh doanh bảo hiểm đóng góp 1.788 tỷ đồng lãi thuần, chiếm 56% lợi nhuận mảng dịch vụ, tăng 18% so với năm 2018 và gấp gần 5 lần năm 2017.
Như vậy, trong 2 năm qua, lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm của MB tăng trưởng gộp hơn 120%, gấp gần 2 lần tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chung của cả mảng dịch vụ. Ngoài việc hợp tác bán chéo với các công ty bảo hiểm, việc thành lập Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas Life vào năm 2017 đóng góp quan trọng vào thành quả này. MB cho biết, 85 - 90% doanh thu mới của MB Ageas Life đến từ việc phân phối trực tiếp thông qua hệ thống giao dịch của Ngân hàng.
Theo lãnh đạo Techcombank, nhu cầu bảo hiểm của khách hàng đang dần tăng cao. Doanh thu phí bảo hiểm của Ngân hàng tăng hơn 35% trong năm 2019, góp phần vào kết quả lợi nhuận trước thuế 12.800 tỷ đồng và doanh thu 21.100 tỷ đồng, tăng lần lượt 31,5% và 24,7% so với năm 2018. Thu nhập lãi thuần đạt 14.300 tỷ đồng, tăng 25,2%. Thu nhập ngoài lãi đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 23,4% và chiếm 32,3% tổng doanh thu. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, Techcombank đã xây dựng được cơ cấu thu nhập dịch vụ đa dạng với thu phí từ thanh toán, bảo hiểm và dịch vụ trái phiếu. Trong đó, phí bancassurance gần như là động lực tăng trưởng duy nhất của thu nhập dịch vụ trong năm 2019, đóng góp tích cực vào tổng lợi nhuận.
ACB là một trong những doanh nghiệp nhượng quyền bán lẻ tốt nhất hiện nay
VPBank cũng ghi nhận những khoản lợi nhuận không nhỏ từ mảng dịch vụ bảo hiểm. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của VPBank tăng 84% trong năm qua, trong đó lãi thuần bancassurance chiếm 42% với gần 1.250 tỷ đồng và tăng trưởng 42%so với năm trước. Thu nhập mảng bancassurance của VPBank mở rộng chủ yếu nhờ việc phân phối bảo hiểm nhân thọ cho các phân khúc khách hàng ưu tiên theo hợp đồng hợp tác độc quyền với AIA Việt Nam. Theo tính toán của Công ty Chứng khoán VNDirect, khoản tiền hoa hồng từ việc bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng sẽ đóng góp thêm 1.445 tỷ đồng vào thu nhập ngoài lãi của VPBank trong giai đoạn 2018-2020.
Tại VIB, bancassurance cũng là động lực tăng trưởng chính trong mảng dịch vụ những năm gần đây. Sau khi ký hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với Prudential vào cuối năm 2015, thu nhập bancassurance của VIB đã tăng trưởng cao trong 4 năm qua, hiện chiếm gần 80% thị phần mảng bảo hiểm qua kênh ngân hàng của công ty bảo hiểm này.
Theo số liệu của VDSC, số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại VIB trong năm 2018 đã tăng hơn 200% so với năm 2017 và hơn 260% so với năm 2016. Trong năm 2019, phí hoa hồng bảo hiểm của VIB đạt gần 1.112 tỷ đồng, gấp 4,6 lần năm 2018 và đóng góp 50% tổng nguồn thu. Đồng thời, lãi thuần từ hoạt động này chiếm 62% tổng lãi thuần mảng dịch vụ.
2020: Tiếp tục kỳ vọng vào bancassurance
Theo SSI Research, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurancecủa Techcombank tăng trưởng khoảng 30 - 40% trong năm 2019 và đóng góp tỷ trọng 14% vào doanh thu của Ngân hàng. Mục tiêu của Techcombank trong năm 2020 vẫn là đẩy mạnh doanh thu phí từ mảng này.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư tại TP.HCM đầu năm nay, Tổng giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết, năm qua, Ngân hàng đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong mảng bancassurance. Thay vì sử dụng tư vấn của công ty bảo hiểm, Ngân hàng đã đào tạo gần 4.000 cán bộ, nhân viên của mình để vừa có thể tư vấn tốt nhất cho khách hàng trong việc mua bảo hiểm, vừa đảm bảo yêu cầu về chứng chỉ của Bộ Tài chính.
“Đây là quá trình chuẩn bị của Techcombank trong năm 2019 để hướng tới kết quả tốt hơn trong năm 2020 cũng như giai đoạn tới, nên cần phải kỹ lưỡng về nguồn nhân lực. Từ đó, Ngân hàng từng bước thay đổi số hóa quy trình và sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu về bảo hiểm của khách hàng”, ông Quốc Anh nói.
Tại ACB, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), bancassurance sẽ thúc đẩy thu nhập ngoài lãi trong năm nay. Ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung tăng trưởng dư nợ vay bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2019 - 2022 đạt 15,5%/năm; tỷ lệ lãi cận biên (NIM) đạt khoảng 3,57%/năm trong giai đoạn này. Trong đó, bancassurrance sẽ thay thế thu nhập từ thu hồi nợ đã xử lý và trở thành yếu tố dẫn dắt chính cho lợi nhuận ngoài lãi của ACB.
Theo giới phân tích tài chính, ACB là một trong những doanh nghiệp nhượng quyền bán lẻ tốt nhất hiện nay. ACB có vị thế hấp dẫn để đảm bảo một thỏa thuận bancassurance độc quyền với các điều khoản có lợi cho Ngân hàng. Tâm điểm của ACB trong năm 2020 là việc tăng thị phần và hợp tác bancassurance độc quyền. Tổng giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn cho hay, Ngân hàng đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng cơ sở khách hàng nhằm củng cố thu nhập từ phí, tăng cường lợi thế cạnh tranh cho những thương vụ hợp tác bancassurance độc quyền sắp tới và phát triển ngân hàng số trong tương lai.
Theo nhận định của VDSC, Viecombank và ACB là 2 ngân hàng có sự tăng trưởng đáng kể trong thu nhập từ bảo hiểm hàng năm nhờ các thỏa thuận bancassurance mới. Trong năm qua, Vietcombank đã ký độc quyền với hãng bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam vào tháng 11/2019 trong thời hạn 15 năm, trong khi ACB ký không độc quyền với Manulife vào tháng 9/2019 và FWD vào tháng 12/2019.
Vietcombank và FWD Việt Nam đã chính thức triển khai phân phối sản phẩm bancassurance từ giữa tháng 4/2020. Ông Thomas William Tobin, Giám đốc Khối Bán lẻ Vietcombank cho biết, FWD Việt Nam có ưu thế nổi bật trong việc ứng dụng kỹ thuật số vào tất cả quy trình của hoạt động bảo hiểm, có chiến lược phát triển sản phẩm đa dạng, đơn giản, phù hợp với từng phân khúc khách hàng, tương thích với chiến lược chuyển đổi ngân hàng số và chiến lược phát triển hoạt động ngân hàng bán lẻ của Vietcombank.
Những thỏa thuận độc quyền với công ty bảo hiểm sẽ giúp ngân hàng thu về những khoản thu nhập không nhỏ trong một vài năm tới. Bởi vậy, nhiều ngân hàng đang tìm kiếm đối tác bảo hiểm nhân thọ độc quyền với kỳ vọng gia tăng nguồn thu từ dịch vụ. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều nhận định cho rằng, không phải ngân hàng nào cũng có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cao từ bancassurance.
VDSC nhận định, việc phục hồi lại tăng trưởng cao từ hoạt động bancassurance của MB sẽ tương đối khó khăn do bảo hiểm thường được bán chéo với các khoản vay, trong khi tăng trưởng tín dụng năm 2020 nhiều khả năng sẽ giảm so với năm 2019, bên cạnh áp lực cạnh tranh ngày một khốc liệt. Theo VDSC, tăng trưởng thu nhập dịch vụ trong năm qua của MB đã chậm lại sau mỗi quý, kết thúc năm chỉ đạt 24,3%, thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng ban đầu là 50%, trong đó thu nhập ròng từ bảo hiểm chỉ tăng 33,9% (năm 2018 tăng 368%, đạt 1.788 tỷ đồng, tương đương 56,1% thu nhập dịch vụ).
Ngoài ra, trong cơ cấu thu nhập dịch vụ, các khoản phí dịch vụ khác của MB còn hạn chế, chẳng hạn thu nhập từ thanh toán - ngân quỹ chiếm tỷ trọng không cao (24,1%) và tăng trưởng ở mức vừa phải (17%). VDSC ước tính tăng trưởng thu nhập từ thanh toán và bảo hiểm của MB sẽ giảm xuống lần lượt là 15% và 30% trong năm 2020.