Hôm qua, NHNN thông báo nới room tín dụng toàn hệ thống năm nay thêm 1,5 - 2%.
Theo TS. Cấn Văn Lực, có ba lý do chính khiến NHNN quyết định cấp tiếp hạn mức tăng trưởng tín dụng 1,5 – 2% lúc này đó là áp lực tỷ giá hạ nhiệt, thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt lên và nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao dịp cuối năm.
Việc NHNN nới room tín dụng vào thời điểm thanh khoản nền kinh tế khô cạn được giới chuyên gia đánh giá cao. Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo các tổ chức tín dụng về vấn đề nguồn vốn huy động, đảm bảo thanh khoản. Theo đó, để giải quyết tình trạng nghẽn vốn của nền kinh tế cần thêm các giải pháp từ thị trường trái phiếu và đầu tư công chứ không chỉ dựa vào tín dụng.
Như vậy, cộng cả room mới và room cũ đang còn, hạn mức tín dụng còn lại cho tháng 12/2022 là khoảng 400.000 tỷ đồng. Để giải ngân hết số vốn này, các ngân hàng phải tăng cường huy động vốn. Chỉ tiêu tín dụng phân bổ thêm cho từng ngân hàng thương mại chưa được công bố. Ngân hàng Nhà nước đã nêu nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
"Điều này đồng nghĩa với việc nhóm các ngân hàng thương mại mới thực hiện việc cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn. Tuy nhiên, áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều khi huy động vốn tăng trưởng thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng" – chuyên gia SSI nhận xét.
Thời gian qua, trong khi hàng loạt ngân hàng liên tục dâng lãi suất huy động tăng cao thì đã có một số ngân hàng thông báo giảm lãi suất cho vay, tiêu biểu là Vietcombank, Agribank, HDBank.
Ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, việc nới room tín dụng chỉ có thể xử lý vấn đề thanh khoản nền kinh tế trong ngắn hạn, chủ yếu gỡ khó cho các khách hàng hiện tại nằm trong mục tiêu cấp tín dụng của ngân hàng nhưng vì hạn chế về room nên thời gian qua ngân hàng không thực hiện cho vay được. Việc nới room tín dụng chỉ giúp giải quyết nhu cầu vốn cho lĩnh vực ưu tiên liên quan đến nông nghiệp, thương mại, sản xuất dịch vụ, hàng hóa, không phải hướng tới các lĩnh vực không ưu tiên như chứng khoán, bất động sản.
Mặc dù vậy, ông Bảo Ngọc cũng cho rằng, nới room là động thái kịp thời để giải quyết vấn đề đó là vấn đề thanh khoản gồm cả thanh khoản của ngân hàng và thanh khoản của cả nền kinh tế giai đoạn từ nay cho tới cuối năm, giúp ngân hàng có thêm dư địa cho vay, cải thiện lợi nhuận quý IV/2022; giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn ngân hàng.
Ngoài ra, cùng với việc nới room tín dụng ra, Ngân hàng Nhà nước cũng được chỉ đạo là đảm bảo thanh khoản trong mọi điều kiện, kể cả kéo dài các khoản tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại hơn, thậm chí qua tết âm lịch. Từ đó, nhà đầu tư trên thị trường sẽ không còn quá lo lắng về vấn đề thanh khoản của hệ thống, của nền kinh tế từ nay tới cuối năm.Hay nói cách khác, động thái của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động gián tiếp lên tâm lý của nhà đầu tư.
Giải thích lý do nới room tín dụng, NHNN cho biết tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) cải thiện hơn. Mặc dù vậy, trên thị trường mở phiên hôm qua, NHNN vẫn bơm ròng 2.308,82 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Trước đó, tuần qua, NHNN cũng bơm ròng nhẹ ra thị trường.