Mong manh hệ số an toàn vốn
Trong cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư cuối tuần qua, đại diện VietinBank cho hay, CAR của ngân hàng tính đến cuối năm 2015 là 10,3%% (mức tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 9%). Nếu Basel II được áp dụng, hệ số CAR của VietinBank có thể giảm 1%.
Còn nếu NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng nâng cao tỷ lệ tỷ lệ rủi ro mới đối với cho vay bất động sản lên 250%, thì hệ số CAR có thể giảm thêm 0,5-0,7%. Như vậy, nếu không khẩn trương tăng vốn chủ sở hữu (CAR = vốn chủ sở hữu/tổng tài sản ngân hàng), hệ số CAR của VietinBank sẽ có nguy cơ bị tụt xuống dưới mức tối thiểu.
Vì áp lực tăng vốn, nên tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm nay, rất nhiều ngân hàng đã trình hoặc lên kế hoạch trình cổ đông phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Tương tự, hệ số CAR của BIDV cũng đang ở mức tối thiểu 9%. Với hệ số CAR “sát nút” như hiện nay, chắc chắn BIDV sẽ phải đẩy nhanh việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài hoặc phát hành thêm cổ phiếu.
Ngay cả ông lớn Vietcombank cũng chưa thể lạc quan với hệ số CAR ở khoảng 11-12%. Đây là lý do khiến ngân hàng này đang lên kế hoạch tăng vốn năm 2016. Bà Lê Thị Hoa, thành viên HĐQT Vietcombank cho hay, Ngân hàng đang chuẩn bị đợt phát hành riêng lẻ tỷ lệ 10%, thậm chí tỷ lệ này có thể nâng lên 20%.
Rõ ràng, hệ số CAR quá mỏng khiến áp lực tăng vốn đối với 10 ngân hàng thí điểm Hiệp ước Basel II đang ngày càng bộc lộ rõ, kể cả với ngân hàng lớn. Trong số 10 ngân hàng thí điểm Basel II (Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB, Maritime Bank), nhiều ngân hàng có hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) chỉ bằng hoặc cao hơn mức tối thiểu chút ít.
Theo ước tính, việc áp dụng Basel II có thể sẽ khiến hệ số CAR của các ngân hàng giảm 1-3%. “Mức CAR hiện hành của các ngân hàng thương mại chắc chắn sẽ giảm mạnh khi áp dụng Basel II, vậy nên việc tăng vốn dường như là yêu cầu bắt buộc”, Nhóm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Bùi Như Ý, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Khối Quản lý rủi ro VietinBank khẳng định: “Áp lực tăng vốn để cải thiện CAR là rõ ràng, nhưng tôi cho rằng, Basel II đưa ra các yêu cầu khắt khe về vốn, nhằm tạo động lực cho các ngân hàng nâng cao chất lượng quản lý rủi ro, đưa các ứng dụng từ hệ thống quản lý rủi ro vào các hoạt động kinh doanh của ngân hàng để đảm bảo sự phát triển an toàn và lành mạnh. Đây là giá trị và là mục tiêu lớn nhất khi áp dụng Basel II".
Cổ đông bị cắt cổ tức bằng tiền mặt
Chính vì áp lực tăng vốn, nên tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm nay, rất nhiều ngân hàng đã trình hoặc lên kế hoạch trình cổ đông phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu. Đơn cử, tại buổi gặp gỡ với nhà đầu tư lớn cuối tuần qua, VietinBank đã đề xuất phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu để cải thiện hệ số CAR.
Phương án cụ thể sẽ được lãnh đạo Ngân hàng trình bày tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vào cuối tháng 4 này. Nếu được tăng vốn, cộng với số vốn chủ sở hữu tăng thêm nhờ thương vụ sáp nhập PGBank (dự kiến hoàn thành quý II/2016), chắc chắn hệ số CAR của VietinBank sẽ được cải thiện đáng kể.
Tương tự, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông tổ chức tuần qua, lãnh đạo ACB cũng trình phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu. Theo HĐQT ngân hàng này, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết đối với ACB, do đây là ngân hàng thí điểm áp dụng chuẩn mực Basel II đợt đầu tiên, dự kiến từ tháng 2/2017, với những yêu cầu cao hơn so với quy định tỷ lệ an toàn vốn hiện hành.
Trong khi đó, dù tỷ lệ CAR đang ở mức khá an toàn (14,7%), lãi trước thuế năm 2015 tăng tới 92% (đạt gần 3.100 tỷ đồng), song VPBank cũng “chốt” trả cổ tức bằng cổ phiếu với mục đích tương tự. Theo ông Bùi Hải Quân, Phó chủ tịch VPBank, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp Ngân hàng tăng vốn điều lệ, qua đó cải thiện các chỉ số an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Không chỉ các ngân hàng thí điểm thực hiện Basel II, mà ngay cả với những ngân hàng nhỏ, có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng, áp lực quy mô vốn chủ sở hữu cũng rất cấp thiết. Việc tăng vốn không chỉ đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của cơ quan quản lý, mà còn là điều kiện bắt buộc để các ngân hàng tăng trưởng tín dụng.
Hiện nhiều ngân hàng nhỏ như OCB, BacABank, SaigonBank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ trong năm nay.
Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra ngày 11/4, lãnh đạo BacABank đã trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức 5,3% bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt. Năm 2015, tổng tài sản BacABank đạt 63.471 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch đề ra. Vốn điều lệ tăng thêm 700 tỷ đồng, lên 4.400 tỷ đồng, song mới chỉ đạt 88% kế hoạch đề ra. Do đó, nhiều khả năng, cổ tức 5,3% mà cổ đông nhận được thời gian tới cũng sẽ được trả bằng cổ phiếu.