Tại BIDV, dư nợ tín dụng đến ngày 11/3/2024 giảm xấp xỉ 1% so với cuối năm 2023

Tại BIDV, dư nợ tín dụng đến ngày 11/3/2024 giảm xấp xỉ 1% so với cuối năm 2023

Ngân hàng thừa tiền nhưng ngại cho vay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh khoản dư thừa, vốn ế, nhưng các ngân hàng thận trọng trong giải ngân để quản trị rủi ro.

Không cho vay lo, cho vay cũng lo

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết, trong gần 80 ngày đầu năm 2024, BIDV đã giải ngân cho vay hơn 470.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức cho vay này vẫn thấp hơn số tiền trả nợ của Ngân hàng (gần 485.000 tỷ đồng) nên dư nợ đến ngày 11/3/2024 giảm xấp xỉ 1% so với cuối năm 2023.

Còn theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, Ngân hàng có hơn 40.000 khách hàng doanh nghiệp, hạn mức cấp là 240.000 tỷ đồng, nhưng hiện mới giải ngân hơn 60.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Agribank thì tiết lộ, chênh lệch giải ngân - thu hồi nợ của Agribank sau gần 3 tháng đầu năm 2024 giảm 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Thông tin được chia sẻ từ lãnh đạo các ngân hàng có quy mô hàng đầu trong hệ thống lý giải được phần nào việc tăng trưởng tín dụng giảm trong những tháng đầu năm. Được biết, tăng trưởng tín dụng toàn ngành tính đến ngày 18/3/2024 giảm 0,33% so cuối năm 2023.

Không giải ngân được, các lý do được viện dẫn như doanh nghiệp vay đủ tiêu chuẩn nhưng không có đầu ra, không có phương án sản xuất. Nguyên nhân chủ quan là cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp hay vấn đề cho vay doanh nghiệp lỗ trong khi không có được sự bảo đảm nào từ cơ quan bảo vệ pháp luật nếu không thu được nợ. Trải nghiệm thực tiễn và có bài học “xương máu” khiến các ngân hàng phải thận trọng trong giải ngân để đảm bảo khả năng thu hồi nợ.

Đáng chú ý, cho vay bất động sản - được đánh giá là “miếng bánh ngon” của hệ thống ngân hàng - theo nhận định của các chuyên gia phân tích tại Hội thảo trực tuyến “Triển vọng môi trường tín nhiệm 2024” do VIS Rating tổ chức cuối tuần qua là, còn nhiều tín hiệu khó khăn.

Cụ thể, khả năng trả nợ, thể hiện qua nguồn tiền và tỷ lệ bao phủ nợ vẫn ở mức yếu, ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024. Tỷ lệ Nợ/EBITDA (tỷ lệ đo lường mức thu nhập được tạo ra và có sẵn để trả nợ trước khi trả lãi, thuế, chi phí khấu hao) của ngành đã tăng lên 8,7 lần trong năm 2023, từ mức 7 lần trước đó do tốc độ tăng trưởng nợ vượt quá tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. Đồng thời, nợ ngắn hạn/tổng nợ năm 2023 đạt 45%, cao nhất trong 5 năm qua. Khoảng 130.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn vào năm 2024, mức cao nhất từ trước đến nay sẽ gây rủi ro tái cấp vốn cho các chủ đầu tư. Các chủ đầu tư vướng vấn đề pháp lý và/hoặc thực hiện các dự án có tính đầu cơ sẽ gặp rủi ro chậm trả gốc, lãi trái phiếu và dòng tiền yếu, do đó, cần tái cấp vốn nhiều nhất.

Trong khi đó, mặc dù kỳ vọng lợi nhuận cải thiện sẽ hỗ trợ trích lập dự phòng và bổ sung vốn, bà Phan Thị Vân Anh, Giám đốc, Chuyên gia Phân tích cao cấp VIS Rating đánh giá, mức vốn của ngành ngân hàng nhìn chung sẽ đi ngang trong năm 2024. Chỉ có một số ngân hàng đã công bố kế hoạch tăng vốn. Nhìn chung, tỷ lệ an toàn vốn của ngành ngân hàng vẫn ở mức thấp, khoảng 11 - 12% trong năm nay.

“Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ vẫn sẽ thấp hơn trung bình ngành do phải mất nhiều thời gian hơn để cải thiện tỷ lệ dự phòng sau khi chất lượng tài sản sụt giảm mạnh vào năm 2023”, bà Vân Anh nhận định.

Gia cố tấm khiên bảo vệ

Nhìn sâu xa, hệ thống ngân hàng bảo vệ mình cũng chính là bảo vệ nền kinh tế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định: “Dòng vốn tín dụng ngân hàng chỉ là dòng vốn bổ sung, không phải dòng vốn chủ lực để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Vậy nhưng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết: “Dòng vốn đến từ ngân hàng vẫn buộc phải là chủ lực do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khi chưa thể thay đổi được thực tế này, hệ thống ngân hàng - xương sống của nền kinh tế - buộc phải tìm cách tự bảo vệ bằng cách này hay cách khác. Trong một góc nhìn sâu xa hơn cũng chính là bảo vệ nền kinh tế”.

Trong một diễn biến có liên quan, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo sửa đổi Thông tư 39, quy định về hoạt động cho vay, nhằm nhất quán với Luật Các tổ chức tín dụng mới. Được biết, dự thảo giữ nguyên quy định về số tiền giải ngân để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó có hoạt động cho vay với mục đích đặt cọc cho các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản/dự án phải được phong tỏa cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm.

Trên thực tế, khi ngân hàng giải ngân cho các doanh nghiệp bất động sản vay để đặt cọc nhận chuyển nhượng dự án, vẫn có trường hợp xảy ra rủi ro khi bên chuyển nhượng dự án không đáp ứng các yêu cầu pháp lý như chưa có giấy phép xây dựng hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến hợp đồng đặt cọc bị hủy. Vì vậy, việc phong tỏa này sẽ đảm bảo an toàn cho ngân hàng, người nhận chuyển nhượng/người vay cũng như đảm bảo tiền giải ngân được sử dụng vào đúng mục đích. Bên cạnh đó, Dự thảo đề xuất biện pháp giám sát chặt chẽ hơn đối với hồ sơ tín dụng. Theo đó, yêu cầu người vay (doanh nghiệp và cá nhân) phải cung cấp thông tin của các bên liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 trong hồ sơ đề nghị vay vốn. Bên vay phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác của thông tin được cung cấp.

Theo bà Nguyễn Thu Hà, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển và tư vấn đầu tư SSI, dự thảo sửa đổi Thông tư 39/2016 cho thấy quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc duy trì quan điểm quản lý chặt chẽ đối với hoạt động cho vay bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó có hoạt động cho vay với mục đích đặt cọc cho các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản/dự án. Theo đó, mặc dù nhận được một số quan điểm trái chiều từ chủ đầu tư bất động sản, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên quy định về việc phong tỏa số tiền cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay đảm bảo cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm. Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung các yêu cầu chặt chẽ hơn về việc công khai thông tin về các bên liên quan trong hợp đồng tín dụng.

“Điều này phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi về việc một trong những trọng tâm chính của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới là nhằm giám sát chặt chẽ các hoạt động cho vay đối với các bên liên quan, đảm bảo an toàn cho hệ thống. Mặc dù mục đích của điều khoản này rất rõ ràng nhưng việc thi hành cơ bản phụ thuộc tính trung thực của người đi vay cũng như cần nhiều thời gian và nỗ lực của ngân hàng trong xác minh thông tin”, bà Hà nói.

Tin bài liên quan