Đại diện Maritime Bank cho biết, Ngân hàng “chưa công bố thông tin về đợt phát hành này”. Tuy nhiên, theo nguồn tin liên quan tới đợt phát hành trái phiếu của Maritime Bank, đợt phát hành đã thành công với khối lượng khoảng 1.000 tỷ đồng, lãi suất phát hành cho kỳ tính lãi đầu tiên xấp xỉ 10%/năm và biên lãi suất cho các kỳ tính lãi tiếp theo khoảng 2%/năm.
Mức lãi suất này tương đương với ngân hàng phát hành trước đó là VPBank và thấp hơn một chút so với lãi suất trái phiếu của HDBank.
“Maritime Bank dự kiến sử dụng tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu năm 2013 để gia tăng nguồn vốn huy động trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của Maritime Bank và tài trợ cho các dự án trung và dài hạn”, Ngân hàng viết trong bản công bố thông tin chào bán trái phiếu hồi đầu tháng 11.
Đợt phát hành nêu trên của Maritime Bank đã nâng tổng số ngân hàng phát hành trái phiếu thường tiền đồng của năm 2013 lên 4 ngân hàng (cộng cả đợt phát hành trái phiếu 10 năm của BIDV), so với duy nhất một ngân hàng đã phát hành năm ngoái là BIDV.
Lần phát hành trái phiếu gần nhất của VPBank và HDBank đều là vào năm 2010. Bên cạnh 4 ngân hàng này, Eximbank đang làm thủ tục xin cấp phép cho đợt phát hành trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng.
Việc các ngân hàng thương mại cổ phần tăng cường phát hành trái phiếu, gồm cả trái phiếu để huy động vốn trung - dài hạn và phát hành trái phiếu để tăng vốn tự có, được đánh giá là động thái huy động vốn giá rẻ, tận dụng mặt bằng lãi suất xuống thấp đến mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Làn sóng này diễn ra tương tự làn sóng cuối năm 2009, đầu năm 2010, khi mặt bằng lãi suất rơi từ mức cao xuống xấp xỉ 9%/năm.
Đợt phát hành năm 2010 của HDBank có lãi suất năm đầu 13%/năm và biên lãi suất 2%/năm cho các kỳ tiếp theo.
Sau khi huy động với biên lãi suất chỉ khoảng 2 - 2,5%/năm như các đợt phát hành của Maritime Bank, HDBank hay VPBank, đến khi tín dụng phục hồi, các ngân hàng có thể cho vay ra với biên lãi suất 3 - 4%/năm để thu lời.
Tuy nhiên, không phải ngân hàng thương mại cổ phần nào cũng có thể tận dụng cơ hội thu lợi nhuận này.
“Chỉ một số ít ngân hàng có uy tín lớn mới có thể phát hành trái phiếu với giá trị ngàn tỷ đồng”, lãnh đạo một ngân hàng nói. “Nhưng những ngân hàng lớn như Vietinbank, Vietcombank dường như đã đủ vốn và không có nhu cầu huy động thêm qua trái phiếu”, vị này nói thêm.
Trong khi đó, báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, tỷ lệ lãi biên ròng (NIM) - chỉ số đánh giá khả năng sinh lợi của ngân hàng - đã giảm mạnh, đặc biệt trong khối ngân hàng thương mại cổ phần. Theo báo cáo ngày 3/12 của CTCK Sài Gòn, tỷ lệ lãi biên ròng cuối quý III/2013 so với đầu năm của STB giảm 30 điểm, MBB giảm 80 điểm, ACB giảm 60 điểm, EIB giảm 100 điểm, so với mức giảm 20 - 30 điểm của hai ngân hàng mà Nhà nước sở hữu vốn chi phối là CTG và VCB.
“Toàn bộ hệ thống ngân hàng đang chịu áp lực NIM giảm do tốc độ cắt giảm lãi suất cho vay nhanh hơn tốc độ giảm lãi suất tiền gửi, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực cho vay để thu hút các khách hàng tốt, cộng với các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khối doanh nghiệp”, CTCK Sài Gòn nhận xét.
Ở góc độ khác, làn sóng phát hành trái phiếu trong khối ngân hàng thương mại cổ phần cũng có thể là sự tiếp diễn của việc một loạt khoản huy động bằng giấy tờ có giá cũ đáo hạn. Số dư nợ phát hành giấy tờ có giá của các ngân hàng đã giảm rất nhanh: tại HDBank, số dư phát hành giấy tờ có giá đã giảm từ 1.800 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2010 xuống còn 850 tỷ đồng vào đầu năm nay; số dư này của VPBank giảm từ 15.000 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2011 xuống 4.800 tỷ đồng vào cuối năm 2012 và xuống 3.500 tỷ đồng vào ngày 30/6/2013.
Tại Maritime Bank, dư nợ giấy tờ có giá đã giảm từ con số gần 12.200 tỷ đồng hồi cuối năm 2010 xuống 2.300 tỷ đồng vào cuối năm 2012. Trong đó, số dư trái phiếu chỉ còn 850 tỷ đồng.