Mảng dịch vụ mang lại doanh thu cao
Trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng tiếp tục được kiểm soát dưới mức 14% cho năm 2020, các nhà băng không còn đặt nhiều kỳ vọng vào việc đẩy mạnh lợi nhuận bằng thu nhập lãi thuần, mà thay vào đó là nguồn thu đến từ hoạt động dịch vụ.
Thực tế, hoạt động tín dụng đã giảm sự hấp dẫn đối với các nhà băng khi biên lợi nhuận của hoạt động này dễ bị biến động do phụ thuộc vào chênh lệch giữa chi phí đầu vào (lãi suất huy động vốn) và đầu ra (lãi suất cho vay) vốn chứa đựng nhiều rủi ro vì gánh nặng nợ xấu. Trong khi đó, kinh doanh từ dịch vụ mang lại nguồn thu ổn định và ít rủi ro hơn nhờ những khách hàng đã có sẵn. Vì vậy, mặc dù vẫn là hoạt động truyền thống của ngân hàng, nhưng tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần đang thấp hơn tốc độ tăng trưởng của thu nhập từ dịch vụ.
Tại Techcombank, lợi nhuận trước thuế năm 2019 ở mức 12.800 tỷ đồng, tăng 31,5% so với năm 2018 và thu nhập hoạt động đạt 21.100 tỷ đồng, nối tiếp chuỗi tăng trưởng doanh thu 17 quý liên tiếp. Theo đó, thu nhập lãi thuần cả năm qua của Techcombank đạt 14.300 tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2018, trong khi thu nhập ngoài lãi tăng 23,4% lên mức 6.800 tỷ đồng và chiếm 32,3% tổng doanh thu.
Vietcombank là ngân hàng có quy mô thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng lớn nhất hệ thống
Trong năm 2019, Techcombank đã có thêm 1,1 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 7,3 triệu người. Tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử e-banking tăng từ 56% lên 76%. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh di động lần lượt đạt 172 triệu giao dịch (tăng 217% so với cùng kỳ) và 2,6 triệu tỷ đồng (tăng 244% so với cùng kỳ) cho thấy sự ưu tiên của khách hàng đối với các giải pháp giao dịch điện tử của ngân hàng này.
HDBank báo lãi hợp nhất năm 2019 trên 5.018 tỷ đồng, tăng 25,3%; thu nhập lãi thuần hợp nhất đạt 9.747 tỷ đồng, tăng 27,5% so với năm 2018. Biên lãi thuần (NIM) tăng từ mức 4,2% cuối năm 2018 lên 4,8% vào cuối năm 2019 và là một trong những ngân hàng có NIM tốt nhất hệ thống. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 36%, đạt 596 tỷ đồng.
Sự tăng trưởng cao của các nguồn thu nhập chính này giúp tổng thu nhập hoạt động (TOI) của HDBank ở mức cao kỷ lục kể từ khi thành lập, đạt 11.388 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2018, đồng thời tiếp tục nằm trong nhóm ngân hàng dẫn đầu về tỷ suất sinh lời. Cụ thể, trong năm qua, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROA) của HDBank đạt hơn 1,8% và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) đạt 21,6%.
ACB đạt 7.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2019, vượt mục tiêu đặt ra là 7.279 tỷ đồng. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, nguồn thu từ dịch vụ đóng góp tích cực vào lợi nhuận trong năm qua, nên chiến lược năm 2020 của ACB là tiếp tục đẩy mạnh bán lẻ, tăng nguồn thu từ dịch vụ. ACB chủ yếu cho vay nhỏ lẻ và lợi thế cạnh tranh là phân khúc khách hàng cá nhân có thu nhập trung bình cao.
“Để thúc đẩy mạnh hơn mảng bán lẻ, ACB sẽ tăng cường xây dựng sản phẩm đầu ra phù hợp với nhu cầu của nhóm khách hàng này”, ông Toàn nói.
Tại OCB, lũy kế năm 2019, lãi thuần của Ngân hàng đạt gần 4.115 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với 2018, trong đó lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 62% lên 546 tỷ đồng. Nhờ vậy, cả năm qua, OCB đạt 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Dựa trên báo cáo tài chính của các ngân hàng đã được công bố, xét về con số tuyệt đối, Vietcombank là ngân hàng có quy mô thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng lớn nhất hệ thống. Cả năm 2019, thu nhập lãi thuần của Vietcombank tăng 21,7%, đạt 34.577 tỷ đồng; lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 26,7%, đạt 4.309 tỷ đồng; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 49%, đạt 3.378 tỷ đồng… Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh trong phát triển dịch vụ phi tín dụng giữa các ngân hàng ở Việt Nam hiện rất lớn, nên áp lực đối với Vietcombank cũng ngày càng cao.
Một chuyên gia tài chính cho rằng, giải pháp cho mục tiêu tăng quy mô thu nhập dịch vụ của ngân hàng là thực hiện nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ dịch vụ, phát triển thêm các ứng dụng, tiện ích mới cho khách hàng; tăng tốc độ xử lý giao dịch, tăng mức độ phòng ngừa rủi ro, nâng cao mức độ an toàn cho khách hàng... Với chiến lược này, nguồn thu từ các dịch vụ truyền thống, có thế mạnh của ngân hàng như kinh doanh ngoại tệ, tài trợ thương mại và tài trợ xuất khẩu, thẻ tín dụng, thanh toán trong và ngoài nước… mới có thể tăng trưởng.
Tín dụng 2020 sẽ khó khăn
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến hết 31/3/2020, tín dụng tăng 1,1%. Trước đó, 2 tháng đầu năm, tín dụng tăng chỉ 0,06%, thấp nhất trong 6 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khi đó, quý I/2019, tín dụng tăng 2,28%.
Thực tế, các ngân hàng liên tiếp tung các gói tín dụng ưu đãi cho thấy hệ thống sẵn sàng nguồn vốn lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để được cho vay, các doanh nghiệp cần đáp ứng được các điều kiện từ ngân hàng để kiểm soát rủi ro. Việc ưu đãi lãi suất sử dụng chính nguồn lực của ngân hàng nên việc giải ngân cần đảm bảo hiệu quả, tránh phát sinh nợ xấu. Vả lại, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cầu vốn của khách hàng cũng giảm.
Các ngân hàng đang đưa ra nhiều gói vốn hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do dịch bệnh
“Các ngân hàng đã có giải pháp hỗ trợ thiết thực là giảm lãi suất, đây là điều rất tích cực. Tuy nhiên, ngân hàng cũng cần cân nhắc nhiều yếu tố, vì tiền được huy động từ người dân, doanh nghiệp, nên không thể cho vay rồi không thu hồi được. Với khoản vay cũ, ngân hàng sẽ cân nhắc để giãn thời gian trả nợ, cơ cấu nợ, hoặc miễn giảm lãi. Nhìn chung, các tổ chức tín dụng đã có những chính sách thực tế, dưới nhiều hình thức để hỗ trợ nền kinh tế. Mức độ hỗ trợ tùy vào năng lực tài chính của từng ngân hàng. NHNN kêu gọi, khuyến khích sự hỗ trợ, chứ không ép buộc các tổ chức tín dụng”, ông Hùng nói.
Báo cáo về ảnh hưởng từ dịch Covid-19 lên tăng trưởng các ngân hàng của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhìn nhận, để hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, lãi suất là yếu tố được cân nhắc nhất khi NHNN hướng tới việc ưu tiên mọi nguồn lực để các ngân hàng có thể miễn giảm lãi suất cho khách hàng.
Một số ngân hàng thương mại đã thông báo điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mức giảm lợi nhuận cả ngàn tỷ đồng, cắt giảm lương, thưởng của cán bộ - nhân viên ở các bộ phận… nhằm ứng phó với dịch Covid-19.
Cho đến nay, ngân hàng đã tham gia rất tích cực vào việc ưu đãi về lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Từ khi NHNN yêu cầu miễn giảm lãi suất cho các đối tượng khách hàng này từ tháng 2, các ngân hàng đã dành một lượng tín dụng không nhỏ để cho vay mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh. Mức giảm lãi suất thông thường từ 0,5-1,5%/năm cho các khoản vay mới, một số ngân hàng còn cắt giảm sâu hơn, từ 2-2,5%/năm như TPBank, HDBank, Vietcombank... Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đưa ra các ưu đãi lãi suất cho các khoản vay hiện hữu cho khách hàng.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ tiếp tục chậm lại trong năm nay. Thu nhập từ lãi và phí đi xuống khi triển khai nhiều gói tín dụng với lãi vay thấp sẽ khiến các ngân hàng bị giảm lợi nhuận.
Báo cáo cập nhật nhanh tác động của dịch Covid-19 tới ngành ngân hàng của Bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ, có thể xuất phát từ việc ngân hàng thận trọng hơn khi giải ngân mới nhằm hạn chế rủi ro tín dụng trong tương lai.
Trước đó, trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2020, Viện Nghiên cứu BIDV nhận định, dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Theo đó, tăng trưởng tín dụng năm 2020 dự báo sẽ ở mức thấp hơn so với các năm trước, đạt từ 9 - 11%.
Trong điều kiện kinh tế không thuận lợi và cầu tín dụng yếu, NHNN đã giao hạn mức tín dụng đầu năm 2020 phổ biến thấp hơn từ 2 - 3 điểm phần trăm so với năm 2019. Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng, việc được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp sẽ hướng tín dụng vào những lĩnh vực an toàn hơn, tránh nguy cơ các ngân hàng đẩy mạnh cho vay vào các phân khúc rủi ro cao và giảm mức độ cạnh tranh về huy động tiền gửi, nhờ đó giảm lãi suất huy động và tạo điều kiện giảm lãi vay. Ngoài ra, việc giảm lãi suất đầu vào cũng giúp phần nào bù đắp cho các ngân hàng khi phải hạ lãi suất đầu ra.
Theo SSI Research, tác động của dịch Covid-19 lên kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong quý I/2020 không lớn, nhưng sẽ tăng lên trong quý II, ảnh hưởng tới thu nhập từ lãi, phí và thu hồi nợ xấu khi các ngân hàng triển khai gói lãi suất cho vay ưu đãi, cắt giảm phí giao dịch và thanh toán. Vì vậy, so với dự báo trước đó, SSI Research đã giảm lợi nhuận trước thuế dự kiến của 10 ngân hàng quy mô lớn ở mức 11,1% trong kịch bản cơ sở (khi dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý II) và giảm 16,4% ở kịch bản xấu nhất (khi dịch bệnh không thể kiểm soát cho tới cuối năm). Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng dự báo sẽ tăng 7,2% và 0,8% tương ứng với hai kịch bản được đề cập.
Hiện một số ngân hàng thương mại đã thông báo điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mức giảm lợi nhuận cả ngàn tỷ đồng, cắt giảm lương, thưởng của cán bộ - nhân viên ở các bộ phận… nhằm ứng phó với dịch Covid-19. Nói về mục tiêu lợi nhuận năm 2020, không ít nhà băng cho rằng, sẽ điều chỉnh so với kế hoạch ban đầu.
Chẳng hạn, lãnh đạo BIDV cho biết, sẽ điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận khi cần thiết so với kế hoạch đưa ra ban đầu là 12.500 tỷ đồng trước thuế. Nam A Bank dự kiến thu về 800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm nay, thấp hơn 100 tỷ đồng so với năm qua. Tại SHB, lãnh đạo giảm 50% lương, Ngân hàng giảm 1.000 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có những ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng. Chẳng hạn, MSB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 1.439 tỷ đồng, tăng 12% so với 2019. Đại hội đồng cổ đông của Kienlongbank đã thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 tăng gần 9 lần so với năm 2019 khi dự kiến đạt 750 tỷ đồng. Năm 2019, Kienlongbank chỉ thu về 86 tỷ đồng lợi nhuận.