Một số nền kinh tế mới nổi đã không thể khai thác thị trường quốc tế khi lãi suất toàn cầu tăng cao và không chắc chắn về việc khi nào Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt hiện tại.
Một đợt bán tháo gần đây của trái phiếu Kho bạc Mỹ đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm lên mức cao nhất trong 16 năm, từ đó làm tăng chi phí đi vay đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Bên lề cuộc họp thường niên diễn ra trong tuần này của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giám đốc điều hành cấp cao của Ngân hàng Thế giới Axel van Trotsenburg cho biết: “Chúng tôi đang xem xét rất có hệ thống về cách có thể mở rộng hợp tác với khu vực tư nhân. Điều đó bao gồm nhiều hình thức bảo lãnh”.
Nhưng một trong những thách thức lớn nhất là làm thế nào để cung cấp thêm kinh phí cho các sáng kiến về biến đổi khí hậu.
“Nguồn tài chính thiếu hụt và các chính phủ không có đủ hỏa lực để làm điều đó. Vì vậy, chúng tôi cần bổ sung một cách thông minh cho khu vực tư nhân”, ông cho biết.
Theo trang web của Ngân hàng Thế giới, các khoản bảo lãnh của Ngân hàng Thế giới đã huy động hơn 42 tỷ USD vốn thương mại và đầu tư tư nhân, từ các dự án năng lượng đến tài trợ chính phủ trong hai thập kỷ qua.
Ngân hàng Thế giới đã cung cấp bảo lãnh một phần cho trái phiếu chính phủ thông qua Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), bao gồm cả khoản phát hành Eurobond trị giá 1 tỷ USD của Ghana vào năm 2015.
Ngân hàng Thế giới hiện đang thúc đẩy thêm các khoản tài trợ và vốn mới từ các quốc gia thành viên, ngay cả khi ngân hàng này tận dụng bảng cân đối kế toán của mình để tăng quy mô cho vay nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng toàn cầu khác.