Khoản viện trợ từ Chính phủ Thụy Sỹ thông qua Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) do Ngân hàng Thế giới quản lý, là nguồn tài chính bổ sung cho Dự án “Phát triển giao thông xanh thành phố Hồ Chí Minh” để xây dựng hành lang xe buýt nhanh mới.
Tuyến buýt này, với 28 bến đỗ trên quãng đường 23 km, sẽ cung cấp dịch vụ vận tải tin cậy nối trung tâm thành phố và các khu vực ngoại thành phía Đông Nam và Tây Bắc.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Khoản tài trợ bổ sung sẽ giúp mở rộng hoạt động và quy mô của dự án, tăng cường hiệu quả của hệ thống xe buýt mới. Bằng việc thúc đẩy tích hợp giao thông và phát triển đô thị cũng như giữa các phương thức vận tải khác nhau, hệ thống xe buýt mới sẽ cải thiện khả năng tiếp cận và di chuyển cho hành khách, từ đó thu hút nhiều người sử dụng hơn”.
Theo ông Ivo Sieber, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam: “Dự án sẽ đem lại lợi ích lớn về kinh tế, môi trường và xã hội cũng như định hướng phát triển đô thị bền vững hơn ở TP. HCM. Qua đó, dự án có thể trở thành hình mẫu để nhân rộng tại các thành phố khác ở Việt Nam, nơi cũng đang gặp phải những thách thức tương tự”.
Dự án “Phát triển giao thông xanh thành phố Hồ Chí Minh” nhằm mục tiêu cải thiện hiệu suất và hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng dọc theo hành lang ưu tiên cao tại thành phố.
Những lợi ích kinh tế quan trọng mà dự án mang lại bao gồm rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận hành phương tiện và cải thiện an toàn giao thông, ước tính đem lại lợi ích kinh tế lên tới hơn 120 triệu USD trong vòng đời của dự án. Các hoạt động trong khuôn khổ khoản viện trợ bổ sung này dự kiến sẽ mang lại thêm lợi ích xét về phương diện cải thiện chất lượng sống và nâng cao tính bền vững.
Kinh phí xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 tại Thành phố Hồ Chí Minh được lấy từ khoản tín dụng trị giá 124 triệu USD từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới và khoản vốn đối ứng 13,45 triệu USD của Chính phủ Việt Nam.