Theo WB, các chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh và định chế tài chính thận trọng có thể giúp EAP đối phó với những cơn chấn động thông thường, tuy nhiên thế giới hiện đang chứng kiến một sự kết hợp bất thường liên tiếp.
Sau chiến tranh thương mại, các quốc gia EAP đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 kết hợp với nguy cơ suy thoái tài chính toàn cầu, điều này khiến triển vọng tăng trưởng trong khu vực vào năm 2020 trở nên tồi tệ hơn, WB cho biết.
Các chuyên gia của WB dự báo, tăng trưởng GDP ở khu vực EAP năm 2020 sẽ là 2,1% so với mức tăng 5,8% trong năm 2019. Trong trường hợp kịch bản xấu nhất, tăng trưởng của khu vực này sẽ rơi xuống mức - 0,5%.
Theo WB, năm 2020, tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 2,3% trong kịch bản cơ sở, và giảm xuống mức 0,1% trong kịch bản tồi tệ nhất. Năm 2019, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 6,1%, đây vốn đã là mức thấp nhất kể từ năm 1991.
Cú sốc Covid-19 cũng sẽ có tác động nghiêm trọng đến tình trạng nghèo đói. Báo cáo của WB cho biết, sẽ có gần 24 triệu người dân khu vực EAP không thể thoát nghèo (thu nhập dưới 5,5 USD/ngày) vào năm 2020 do đại dịch. Nếu kịch bản tồi tệ hơn xảy ra, sẽ có thêm 11 triệu người rơi xuống mức sống nghèo khổ. Theo dự báo trước đó, năm 2020 sẽ có khoảng 35 triệu người thoát nghèo, trong đó có 25 triệu người Trung Quốc.
Trước đó, WB và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đã tung ra gói hỗ trợ nhanh 14 tỷ USD để giúp các công ty và các quốc gia đang nỗ lực ngăn chặn, ứng phó và kiểm soát sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19.
Gói hỗ trợ sẽ giúp tăng cường các hệ thống ứng phó y tế công cộng, bao gồm kiểm soát dịch bệnh, chẩn đoán và điều trị, và hỗ trợ khu vực tư nhân.
IFC, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã tăng gói hỗ trợ lên tới 8 tỷ USD từ mức 6 tỷ USD theo đề xuất ban đầu để hỗ trợ các công ty tư nhân và người lao động khắc phục đợt suy thoái kinh tế do tình trạng lây lan nhanh chóng của Covid-19.