Đó là nhận định tổng quan trong báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 8/1.
Theo phóng viên TTXVN tại New York (Mỹ), WB đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong hai năm 2018 và 2019, xuống lần lượt còn 3% và 2,9%, giảm so với báo cáo hồi tháng 6/2018, cho rằng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,1 % trong năm 2018.
Các trung tâm kinh tế được xem là đầu tàu của kinh tế toàn cầu đều đánh mất đà tăng trưởng, khi kinh tế Mỹ, Trung Quốc, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2019.
Cụ thể, kinh tế Mỹ năm 2018 tăng trưởng mạnh, ước đạt 2,9%, tăng 0,2% so với dự báo của WB tháng 6/2018. Nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ tăng trưởng chậm lại, chỉ đạt 2,5% trong năm 2019 và xuống còn 1,7% năm 2020.
Kinh tế Trung Quốc ước đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm 2019 và 2020, giảm so với mức 6,5% của năm 2018. GDP của Eurozone ghi nhận mức tăng 1,9% trong năm 2018, giảm 0,2% so với báo cáo hồi tháng 6/2018 và sẽ tiếp tục suy yếu trong năm 2019, với tăng trưởng ước chỉ còn 1,7%.
Tổng giao dịch thương mại toàn cầu suy yếu là một nguyên nhân chính gây ra giảm tăng trưởng toàn cầu. WB dự báo giao dịch thương mại toàn cầu sẽ suy giảm thêm 0,5% trong năm 2018, 2019 và cả 2020 so với báo cáo tháng 6/2018.
Báo cáo cập nhật của WB vẫn giữ nguyên đánh giá kinh tế toàn cầu chỉ suy giảm, chứ không rơi vào suy thoái.
Theo ông Ayhan Kose, Trưởng Nhóm Dự báo tăng trưởng toàn cầu, triển vọng có thể được cải thiện nếu xuất hiện các chiều hướng tích cực, như việc các thị trường tài chính bình ổn trở lại trước thông tin Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thận trọng tăng lãi suất, hay một số tranh chấp thương mại tác động đến kinh tế toàn cầu được giải quyết.