Trong những dự báo kinh tế mới đây, WB nhận định, nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 2,4% trong năm nay, tức không khá hơn là bao so với tình hình yếu ớt của năm 2012. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, có thể rơi vào suy thoái nếu ngân sách liên bang bị cắt giảm theo lịch định vào đầu tháng 3 tới, trong khi xu hướng suy giảm tăng trưởng của khu vực đồng euro sẽ tiếp diễn trong năm nay.
Trong khi đó, các nước đang phát triển đang ở vào giai đoạn tăng trưởng chậm nhất trong một thập kỷ qua. “Năm nay sẽ lại là một năm rủi ro”, Kaushik Basu, kinh tế trưởng của WB nói.
Tâm trạng hai chiều sẽ tiếp tục đeo đẳng hầu hết các nền kinh tế. Nhà đầu tư đang phấn khởi hơn với các chính sách kích thích tiền tệ, đồng thời vơi bớt nỗi lo khu vực đồng euro sẽ tan vỡ. Tuy nhiên, những nền kinh tế “chiếu dưới” vẫn còn “hôn mê”.
“Các thị trường tài chính đã bớt sóng gió hơn, nhưng không có sự cải thiện về tăng trưởng”, Basu nói. “Bạn có thể giữ được sự yên ả của các thị trường trong một hoặc hai năm, nhưng nếu điều này không dựa trên tăng trưởng của nền kinh tế thực, bạn có thể sẽ đối mặt với những vòng rủi ro tài chính khác”.
Các dự báo của WB, giống như của nhiều tổ chức khác, thường tỏ ra quá lạc quan trong những năm gần đây. Dự báo mới nhất của WB về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 đã giảm so với mức đưa ra hồi tháng 6 năm ngoái, còn 3%. Các nhà kinh tế của Ngân hàng giải thích rằng, đó là do họ cảm thấy thất vọng về việc hoạt động đầu tư kinh doanh ở Mỹ xấu hơn dự báo, cũng như về sự không chắc chắn trong chính sách tài khóa của nước này.
WB dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 1,9% trong năm nay, chủ yếu dựa trên giả định sẽ có “tiến triển quan trọng” trong kế hoạch ngân sách trung hạn, hơn là dựa vào chỉ một động thái có tính chất ngắn hạn là nâng mức trần nợ liên bang.
Trong tình huống mà WB gọi là “tê liệt tài khóa”, Mỹ sẽ phải thực hiện việc cắt giảm chi tiêu chính phủ trên diện rộng vào đầu tháng 3 và Quốc hội chỉ có thể cho phép nâng mức trần nợ trong một thời gian ngắn. Điều đó sẽ khiến nền kinh tế Mỹ thoái giảm 0,4%, đẩy châu Âu lún sâu hơn vào suy thoái và giảm mức tăng trưởng toàn cầu đi 1,4 điểm phần trăm.
Một tình huống khác đáng chú ý là cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro tái diễn, trong đó, hai nền kinh tế của khối tiền tệ chung sẽ bị đẩy ra khỏi các thị trường tài chính. Tình huống này sẽ làm cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm đi 1,3 điểm phần trăm, WB cho biết. Ông Basu gọi việc ngăn chặn “vách đá tài chính” của Mỹ là “rất hữu hiệu”, nó cho thấy tầm quan trọng của Mỹ đối với các nền kinh tế mới nổi.
“Đối với các nước đang phát triển, không có gì thực sự quan trọng bằng một nền kinh tế Mỹ ổn định và tươi khỏe”, Basu nói. “Giờ là lúc Mỹ cần hành động, từ việc phải thành công trong xử lý mỗi vấn đề về tài khóa cho đến việc phải nỗ lực nhiều hơn để cải thiện các nền tảng của tăng trưởng, như cải cách cơ cấu”.
Trong một báo cáo vài năm trước, WB từng nhận định rằng, nền kinh tế toàn cầu có thể tăng trường tốt hơn kỳ vọng nếu khu vực đồng euro duy trì được sự tiến triển và Mỹ vượt qua được các vấn đề về ngân sách của mình. Khi đó, WB nhìn nhận nền kinh tế Mỹ sẽ được hỗ trợ bởi sự cải thiện của các thị trường nhà ở và lao động.
“Mặc dù những rủi ro hiện tại giống với những rủi ro mà chúng ta đã nhìn thấy một năm trước, nhưng mức độ của những rủi ro tiềm tàng này giờ đã giảm xuống”, Andrew Burns, nhà kinh tế của WB và là người chủ trì soạn thảo bản báo cáo cho biết.
WB lại vừa thúc giục các nền kinh tế đang phát triển tập trung xem xét lại toàn bộ các chính sách trong nước về đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, y tế và giáo dục, lấy đó làm trọng tâm của chính sách tài khóa và tiền tệ để xây dựng một nền tảng vững mạnh hơn cho tăng trưởng dài hạn.
Các nền kinh tế đang phát triển đã đóng góp hơn một nửa thành quả tăng trưởng toàn cầu trong năm 2012. Trung bình, các nền kinh tế này tăng trưởng 5,1% trong năm qua và được dự báo sẽ tăng 5,5% trong năm nay. Đây là tốc độ tăng trưởng chậm hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế này trong một thập kỷ qua, nhưng vẫn nhanh hơn nhiều tỷ lệ tăng trưởng bình quân khoảng 3,5% trong những thập kỷ 1970 và 1980.